a-1648539969.jpg

Thời gian qua, xăng dầu liên tục lập "đỉnh" đã khiến những chuyến ra khơi đánh bắt cá của ngư dân xứ Nghệ càng thêm phần khó khăn. Chi phí đội giá, nguồn thu từ hải sản không nhiều khiến các ngư dân vùng biển chật vật.

Theo các ngư dân, mỗi chuyến đi biển tiền dầu chiếm 70% chi phí. Ngoài ra, còn có các chi phí khác như đá lạnh, nhân công, thức ăn....

b-1648539986.jpg
Nhiều tháng qua, nhiều tàu cá ở các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai nằm kê đầu lên bờ vì giá xăng dầu tăng cao.
c-1648540016.jpg
Tàu cá xếp hàng dài nằm bờ nhiều tháng qua ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu, Nghệ An).

"Mỗi chuyến đi biển chi phí tiền dầu hết gần 100 triệu đồng, chi phí khác thêm khoảng 30 triệu. Mỗi chuyến đi khoảng nửa tháng nhưng thu về chỉ được 160 triệu đồng.

Trừ các chi phí rồi chia cho các thuyền viên thì không đủ đóng tiền lãi ngân hàng nữa. Tàu tôi phải nghỉ 3 tháng nay rồi", anh Trương Văn Phúc (xóm 8, xã Sơn Hải) chủ con tàu cá lớn hơn 1.000 CV chia sẻ.

d-1648540041.jpg
Anh Phúc cho biết, nghề biển vất vả gian nan nay xăng dầu tăng cao khiến nghề biển càng bấp bênh.

Tại xã Tiến Thủy (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), dù Tết đã qua gần 2 tháng nhưng hàng loạt tàu công suất lớn hơn 1.000 CV vẫn chưa ra biển "khai xuân". Thậm chí, nhiều chủ tàu đã họp các thuyền viên để bán tàu, quyết định chuyển đổi nghề kiếm sống.

Chị Hồ Thị Tình (42 tuổi, trú xã Tiến Thủy, Quỳnh Lưu) cho biết, nhiều năm trước gia đình chị cùng với 11 anh em bạn thuyền chung vốn đóng con tàu trị giá hơn 7 tỷ đồng với nhiều ngư cụ, thiết bị hiện đại mang số hiệu NA-94999TS.

2 tháng qua, tiền dầu tăng cao nên tàu của chị Tình không thể ra khơi đánh bắt cá. Sợ để lâu tàu sẽ hỏng, ngư cụ và các thiết bị cũng hỏng nên chị Tình cùng các thuyền viên quyết định rao bán con tàu với giá hơn 1 tỷ đồng.

e-1648540065.jpeg
Tàu cá của chị Tình rao bán trên mạng xã hội với giá hơn 1 tỷ đồng.

Rao bán người quen không được, chị Tình đã đăng lên mạng xã hội facebook để rao bán tàu như một món hàng bình thường khác. Tuy đã chấp nhận bán lỗ nhưng hiện vẫn chưa có ai mua.

"Trước mỗi chuyến đi về chia cho mỗi người được trên dưới 10 triệu, có chuyến hơn chuyến kém. Nhưng nay trừ chi phí mỗi người được 1-1,5 triệu đồng, không đủ đóng tiền lãi ngân hàng.

Vậy nên bán tàu lỗ cũng phải chịu chứ dầu tăng cao thế này đi về thu không bù chi được. Cứ ra khơi là lỗ. Mà để tàu càng lâu thì càng hỏng nhiều đến lúc bán lại không ai mua", chị Tình buồn bã chia sẻ.

f-1648540099.jpg
Nhiều tàu nằm hẳn trên bờ cả tháng qua. Nhiều chủ tàu tranh thủ sửa sang lại tàu chờ khi nào giá xăng dầu giảm để tiếp tục chạy.

Anh Hồ Sỹ Hà (SN 1984, xóm Minh Sơn, xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu) cho biết, anh cùng 6 người khác chung vốn đóng chiếc tàu công suất 850 CV hết hơn 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá xăng, dầu tăng cao, cộng thêm không có người đi nên anh cũng quyết bán lỗ 5 tỷ đồng để chuyển đi làm nghề khác.

g-1648540127.jpg
Tàu cá ít chạy, các máy móc ở cảng cá cũng được tấp lại đống, trùm bạt.

Ông Phạm Đợi - Chủ tịch Hội nghề cá xã Tiến Thủy cho biết, toàn xã hiện có 237 chiếc tàu lớn nhỏ, trong đó có 26 tàu được đóng theo Nghị định 67.

"Hiện trên địa bàn có khoảng 6-7 chiếc tàu được bà con rao bán. Nguyên nhân là do thiếu lao động. Bên cạnh đó, giá dầu tăng cao quá", ông Đợi cho biết.

h-1648540153.jpg
Cảng cá Lạch Quèn nay đìu hiu thay vì cảnh tấp nập như trước.
i-1648540162.jpg
Tàu nằm bờ nhiều tháng không có dấu hiệu chạy vì cứ ra khơi là lỗ./.