nguoinghe.vn
Tỉnh Nghệ An ra “lệnh khẩn”, đề nghị các sở, ban ngành, địa phương cần hạn chế thấp nhất việc chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra

Đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà lãnh đạo tỉnh Nghệ An đặt ra, đề nghị các sở, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024.

“Đội sổ” về chi phí không chính thức

Trước đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố kết quả PCI năm 2023 của Nghệ An đạt 65,72 điểm, xếp thứ 44 cả nước, xếp thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ. So với năm 2022, Chỉ số PCI giảm 0,88 điểm, giảm 21 bậc. Trong số 10 chỉ số thành phần PCI có 3 chỉ số tăng điểm, tăng thứ bậc, 1 chỉ số tăng điểm, giữ nguyên bậc, 1 chỉ số tăng điểm, giảm thứ bậc và 5 chỉ số giảm điểm, giảm thứ bậc.

Điểm đáng lưu ý, một số chỉ số thành phần có thứ hạng rất thấp như: Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, xếp thứ 56; Tiếp cận đất đai, xếp thứ 55; Chi phí thời gian, xếp thứ 52; Cạnh tranh bình đẳng, xếp thứ 44. Đặc biệt, về chỉ số thành phần chi phí không chính thức, Nghệ An đạt 6,43 điểm, đứng “đội sổ” bảng xếp hạng các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cụ thể, theo khảo sát trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhiều doanh nghiệp phản ánh hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến và một số doanh nghiệp khác cho rằng hiện nay họ vẫn đang phải chịu tình trạng cùng một nội dung, chung một lĩnh vực nhưng lại có nhiều đơn vị thanh tra, kiểm tra, gây sự chồng chéo, trùng lặp không cần thiết.

Dẫn chứng qua cuộc điều tra Chỉ số PCI, có đến 26% số doanh nghiệp được khảo sát chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra; tỷ lệ doanh nghiệp được khảo sát chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục đất đai là 41% và đặc biệt có 39% số doanh nghiệp được khảo sát đồng ý rằng việc chi trả “hoa hồng” là cần thiết để có cơ hội thắng thầu;…

Đại diện Ban Pháp chế VCCI đánh giá, Chỉ số thành phần Chi phí không chính thức của Nghệ An tiếp tục chiều hướng giảm. Mặc dù UBND tỉnh được đánh giá là linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới. Các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp tại tỉnh... Song 45% doanh nghiệp đánh giá các Sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương của lãnh đạo tỉnh; 55% doanh nghiệp cho rằng các huyện, thị không thực hiện đúng chủ trương của lãnh đạo tỉnh.

Khuyến nghị cho tỉnh Nghệ An về cải thiện chỉ số CPI trong năm 2024 và các năm tiếp theo, theo lãnh đạo Ban Pháp chế VCCI Việt Nam, Nghệ An cần tiếp tục phát huy tính năng động, tiên phong của bộ máy chính quyền; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp, trong đó cần tập trung nỗ lực cải cách ở một số lĩnh vực như đất đai, thuế, phòng cháy...

Cùng với đó, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, giảm thiểu chi phí không chính thức cho doanh nghiệp; tạo lập môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tập trung tháo gỡ khó khăn để vực lại tinh thần kinh doanh cho doanh nghiệp.

nguoinghe.vn
Chi phí không chính thức vẫn dai dẳng, đeo bám doanh nghiệp Nghệ An

Quyết tâm cải thiện, chấn chỉnh tồn tại

Với mục tiêu quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI, phấn đấu năm 2024 xếp vị trí 20 - 25 cả nước; phấn đấu đến năm 2025 nằm trong top 15 cả nước, mới đây, ông Bùi Thanh An – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký, ban hành Công văn số 7595/UBND-CN ngày 5/9/2024 về việc yêu cầu các sở, ban ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành, thị tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện Chỉ số PCI.

Theo đó, thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp đã được UBND tỉnh giao tại Đề án “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 -2025” và các văn bản liên quan; chủ động nghiên cứu kết quả thực hiện các chỉ số thành phần, chỉ tiêu cơ sở liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, nghiêm túc đánh giá các tồn tại, hạn chế, có các giải pháp khắc phục.

Đặc biệt, về Chỉ số Chi phí không chính thức, Lãnh đạo tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả công việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo cơ quan, đơn vị thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ được giao, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; năng động, gương mẫu thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao; chịu trách nhiệm nếu cán bộ thuộc quyền quản lý gây khó khăn phiền hà, nhũng nhiễu.

Rà soát tinh giảm, đơn giản hóa các TTHC không cần thiết, còn chồng chéo; hướng dẫn thực hiện các TTHC rõ ràng dễ hiểu, dễ thực hiện về quy trình, mẫu biểu và số lượng hồ sơ, tinh giảm các đầu mối làm việc với doanh nghiệp, người dân.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; tăng cường công tác hỗ trợ, tuyên truyền tới cộng đồng doanh nghiệp về thực hiện TTHC trực tuyến; song song với nâng cấp, cải thiện hạ tầng kỹ thuật để tạo thuận lợi cho việc thực hiện TTHC trực tuyến. Tuyên truyền, phổ biến các kênh thông tin tiếp nhận, nắm bắt phản ánh, kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Cổng thông tin điện tử của Sở, ban ngành, địa phương.

Đặc biệt, Lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương cần quán triệt, yêu cầu các đơn vị khi tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp phải có chương trình, kế hoạch rõ ràng; tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, chỉ đạo của UBND tỉnh, hạn chế thấp nhất việc chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và không làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Hằng năm, thực hiện việc rà soát, đánh giá năng lực, trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ công chức để thực hiện điều động, luân chuyển, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân; xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả, thực hiện luân chuyển ngay và xử lý nghiêm đối với công chức có thái độ, hành vi gây khó khăn, tiêu cực khi thực hiện giải quyết thủ tục hành chính từ đó lựa chọn công chức phù hợp, đủ năng lực, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp để thực hiện.

Ngoài ra, UBND tỉnh Nghệ An còn “lệnh” cho người đứng đầu các sở, ban ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để khắc phục, cải thiện các chỉ số giảm điểm, bao gồm: Cạnh tranh bình đẳng, tiếp cận đất đai, tính năng động và tiên phong của chính quyền, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; định kỳ 6 tháng có báo cáo gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc để kịp thời chỉ đạo giải quyết.