t-1690508087.jpg
Công việc của giáo viên mầm non rất vất vả, áp lực nhưng chính sách đãi ngộ lại rất hạn chế (ảnh minh họa). Ảnh: Hải Đăng

Tuyển dụng khó - giáo viên bỏ nghề

Qua thống kê, từ 5 năm trở lại đây, số học sinh của bậc tiểu học tăng khoảng 64.000 học sinh và trung bình mỗi năm tăng khoảng 12.000 học sinh.

Trong số các địa phương có số học sinh tăng thì thành phố Vinh, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành là một trong những địa phương có số học sinh tăng nhanh với trên 2.000 học sinh. Riêng thành phố Vinh số lượng học sinh ở bậc THCS sẽ tăng trên 3.600 học sinh.

Theo thống kê của sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nghệ An, hiện tỉnh này còn thiếu khoảng 7.800 biên chế, trong đó, nhiều nhất là bậc mầm non với hơn 6.000 người, tiếp đó là bậc tiểu học, THCS và THPT và đội ngũ nhân viên trường học.

Đến tháng 7.2023, nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện tuyển giáo viên, thậm chí có huyện chưa ra thông báo tuyển dụng.

Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An thông tin, hiện nay, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo UBND cấp huyện tuyển dụng giáo viên xong trước ngày 31.8.2023, để chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho năm học 2023-2024.

Trao đổi với Lao Động, bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Vinh (Nghệ An) xác nhận hiện tượng một số giáo viên mầm non trên địa bàn xin nghỉ việc, chuyển công tác hoặc nghỉ hưu trước tuổi. Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, toàn thành phố có hơn 30 giáo viên xin nghỉ việc ở cả ba cấp học, trong đó chủ yếu là giáo viên mầm non.

Tình trạng giáo viên nghỉ dạy cũng diễn ra tại Hà Tĩnh. Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh Lê Minh Đạo cho biết, từ năm 2020 đến giữa năm 2023, có 175 cán bộ, công chức xin thôi việc vì lý do cá nhân trong đó có 61 giáo viên. Riêng tinh giản biên chế, Hà Tĩnh có trên 200 giáo viên xin nghỉ theo diện này.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này ông Lê Minh Đạo cho rằng: Chế độ tiền lương, phụ cấp chưa đảm bảo đời sống của bản thân và gia đình.

tt-1690508110.jpg
Giáo viên và học sinh trường Mầm non Hưng Bình (TP Vinh) trong một hoạt động trải nghiệm. Ảnh: Hải Đăng

Hướng tới việc không trông chờ vào biên chế

Tại Hà Tĩnh, cuối năm 2022, Hội đồng nhân dân tỉnh này đã ban hành Nghị quyết 92/2022/NQ-HĐND quy định một số chính sách đối với giáo viên mầm non, giáo dục phổ thông. Ví dụ như hỗ trợ tiền xăng, xe, hỗ trợ 1.500.000 đồng/giáo viên/tháng đối với giáo viên biệt phái từ năm 2022; khuyến khích giáo viên tự học nâng cao năng lực ngoại ngữ mức 15 triệu đồng/chứng chỉ…

Còn tại Nghệ An, từ đầu năm 2023, tỉnh này đã cấp bổ sung là hơn 206 tỉ đồng trích từ ngân sách tỉnh Nghệ An năm 2023 để chi trả cho giáo viên mầm non đã hợp đồng theo Nghị quyết 16/2022/NQ-HĐND.

Theo Nghị quyết, hỗ trợ một lần với mức kinh phí tối đa 100 triệu đồng/người cho đối tượng giáo viên mầm non; Hỗ trợ 100% kinh phí để chi trả các chế độ, chính sách (như viên chức) cho đối tượng giáo viên mầm non kể từ ngày 1.9.2022 đến ngày 31.12.2025.

Nguồn kinh phí thực hiện nguồn ngân sách tỉnh (nguồn chi sự nghiệp giáo dục hàng năm). Dự kiến, năm 2023 là 94,267 tỉ đồng, những năm tiếp nhu cầu kinh phí giảm dần (do được tuyển dụng vào viên chức); kết thúc việc hỗ trợ đến hết năm 2025.

Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An - Thái Văn Thành cho biết: “Trong Đề án Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông, ngành GDĐT Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh dự kiến sẽ đào tạo 1.000 sinh viên. Nghệ An hiện vẫn thiếu gần 7.000 giáo viên để đáp ứng quy định tối thiểu về số giáo viên/lớp/học sinh theo điều lệ từng cấp học.

Trong khi đó, ngành giáo dục đang phải thực hiện tinh giản biên chế. Vì vậy, để cấp đủ số biên chế trên là điều khó khả thi.

Trong 5 năm tới, dự kiến Nghệ An sẽ tăng khoảng 92.000 học sinh, đến năm 2030 tăng trên 122.000 học sinh. Số lượng lớp học sẽ tăng 2.228 (năm 2025) và 3.980 lớp (năm 2030). Tương ứng với đó, ngành cần thêm 9.812 giáo viên (năm 2025) và 13.307 giáo viên (năm 2030).

Về lâu dài cần thúc đẩy xã hội hóa giáo dục nhất là bậc mầm non và tiểu học. Các trường tư thục, ngoài công lập sẽ “gánh bớt” học sinh và giảm lượng người biên chế trong trường công lập.

Song song với xã hội hóa giáo dục, một hướng giải pháp nữa là khuyến khích thí điểm một số cơ sở giáo dục mầm non công lập tự chủ. Tức là chốt lại số biên chế hiện có, Nhà nước chỉ phê duyệt vị trí việc làm, còn tiền lương thì nhà trường thu chi và tự trả cho giáo viên. Trong tương lai, nếu thực hiện được những giải pháp trên sẽ từng bước giải bài toán thiếu giáo viên, đồng thời chia sẻ, giảm bớt áp lực biên chế cho Nhà nước”.