Xa trường lớp, hành trang mỗi ngày đến trường của những đứa trẻ vùng cao xứ Nghệ không chỉ là cặp sách, mà còn là những gói cơm, nhúm muối. Chưa thể gọi là đủ đầy, nhưng là thứ không thể thiếu để những ngày đến trường của các em không bị đứt đoạn.
 
Sáng sáng, bà Lương Thị Đe, dân tộc Thái ở bản Noóng Mò, xã Xiềng My, huyện Tương Dương (Nghệ An) đều dậy sớm nấu nướng cho cả nhà, không quên xới một phần vào cặp lồng để lát nữa mang đến trường “góp cơm” cho cậu con trai Lô Bảo Khang, học lớp lá (5 tuổi) tại điểm trường bản Chon thuộc Trường Mầm non Xiềng My, huyện Tương Dương ăn trưa. “3 năm rồi, từ ngày nó đi học là ta đã đưa cơm cho nó rồi”, bà Đe kể.
 
Đã gắn bó hàng chục năm với các điểm trường ở Tương Dương, cô Ngô Thị Mơ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Xiềng My chẳng còn xa lạ với câu chuyện “góp cơm” ấy. Cô Mơ tâm sự: “Cũng bất đắc dĩ thôi, vì các điểm trường ở quá xa, gia đình các cháu cũng quá xa, trong khi trường chưa thể nấu ăn bán trú. Nếu không “góp cơm” thì không thể bảo đảm việc học cả ngày cho trẻ”.
 
Nhà xa trường nhiều km, đường dốc quanh co, để duy trì 2 buổi học/ngày, học sinh Trường tiểu học Lượng Minh, huyện Tương Dương cũng phải đùm cơm đến trường ăn trưa. Ngoài cặp sách trên lưng, mỗi em còn thêm chiếc cặp lồng đựng cơm để đến trường gửi cho cô giáo. Sau khi nhận cơm từ trò vào mỗi buổi sáng, cô giáo cất cặp lồng cơm vào bếp để sau buổi học, các em sẽ dùng cho bữa trưa.
 
Thầy Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lượng Minh trải lòng: Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa rét, cơm nguội hết cả, thấy thương trò lắm. Thế là chúng tôi kêu gọi giáo viên, kêu gọi phụ huynh góp sức nấu thêm bát canh trưa để bữa ăn của trẻ thêm ấm nóng.
 
Đặc thù giáo dục vùng miền núi nhiều điểm lẻ, để bảo đảm công tác dạy học 2 buổi/ngày, ngành Giáo dục Nghệ An đã có chủ trương sáp nhập điểm trường lẻ. Nhưng, với bậc mầm non và một số điểm của bậc tiểu học, việc sáp nhập gặp rất nhiều khó khăn, do đặc thù các cháu nhỏ tuổi và các điểm trường cách nhau quá xa.
 

 
Một bữa ăn của trẻ vùng cao tại trường
 
Tại các bản làng vùng cao thuộc các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong… đang có đến gần 670 điểm trường lẻ thuộc bậc mầm non và một số ít tiểu học. Có một thực tế đầy khó khăn, trong số đó đang còn hơn 600 điểm trường lẻ mà phụ huynh và giáo viên phải cùng chung sức để cùng nhau tổ chức ăn bán trú cho trẻ theo hình thức “góp cơm” cho con đến trường.
 
Tại Hội thảo công tác phối hợp gia đình, nhà trường, cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An nhấn mạnh: Mỗi địa phương phải xác định rõ gia đình, nhà trường và cộng đồng luôn là “tam giác vàng” giáo dục quan trọng đối với mỗi đứa trẻ, do vậy cần nỗ lực hơn trong việc huy động các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục./.