Tại Nghệ An, vẫn còn khoảng 50% người dân nông thôn “sống chung” với nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, trong khi các dự án đầu tư nước sạch gặp rất nhiều khó khăn.
Tiến sĩ - bác sĩ Chu Trọng Trang – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An cho biết: Nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật như tả, lỵ, thương hàn, bệnh ngoài da, sử dụng lâu dài có thể gây nhiều bệnh tật nguy hiểm... ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và gây ra nhiều hệ lụy. Vì vậy, nguồn nước sạch là yếu tố quan trọng để bảo đảm sức khỏe cho con người.
Theo TS Trang, hiện nay ở nhiều vùng nông thôn, người dân vẫn chưa có nguồn nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh để sử dụng, do đó rất cần thiết có các dự án đầu tư sản xuất nước sạch tại các vùng nông thôn, miền núi.
Ông Phạm Duy Kỷ - Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Nghệ An cho biết, đến nay, theo tiêu chí của Bộ NNPTNT thì tỷ lệ dân số khu vực nông thôn Nghệ An được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 84%. Điều đáng chú ý là trong số 84% này, mới chỉ có trên 50% dân số được sử dụng nước đảm bảo theo tiêu chí sạch của Bộ Y tế.
Còn tính tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước máy, thì còn thấp hơn nhiều.
Như vậy, vẫn có khoảng gần 50% dân số vùng nông thôn Nghệ An sử dụng nước sinh hoạt chưa đảm bảo vệ sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với sức khỏe và rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
“Rất cần, nên khuyến khích, thu hút đầu tư các dự án nước sạch cho vùng nông thôn, miền núi” - ông Phạm Duy Kỷ - Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Nghệ An nói.
Tuy nhiên, việc đầu tư dự án nước sạch tại các vùng nông thôn, miền núi không được các nhà đầu tư mặn mà. “Đầu tư dự án nước sạch vùng nông thôn có suất đầu tư lớn do địa hình trải dài, phức tạp, mật độ nhà ở thấp và đặc biệt là người dân sử dụng nước khối lượng ít, nên thời gian thu hồi vốn kéo dài, khả năng thua lỗ cao” – một doanh nghiệp sản xuất nước sạch chia sẻ.
Điều đáng nói là tại Nghệ An hiện nay, đã có cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư dự án nước sạch tại các vùng nông thôn, miền núi (100 nghìn/m đường ống chính tối thiểu 40mm), tuy nhiên, theo một số nhà đầu tư, tỉnh lại chưa có nguồn kinh phí để bố trí.
Không chỉ khó ở các dự án đầu tư tư nhân, dự án nước sạch cho vùng nông thôn có nguồn vốn ngân sách cũng vướng do cơ chế.
Nhà náy nước sạch xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên đầu tư gần 26 tỉ đồng, hoàn thành từ năm 2018, nhưng đến nay chưa hoạt động do vướng cơ chế.
Tại huyện Quế Phong, nhà máy nước sạch tại thị trấn Kim Sơn được đầu tư từ nguồn ngân sách 41 tỉ đồng, cấp nước cho 700 hộ dân, hoàn thành từ năm 2017 đến nay vẫn đang giai đoạn vận hành thử, chưa được thu tiền nước.
Ông Lê Văn Giáp – Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết dự án đã được Sở Tài chính thông qua quyết toán, hiện đang làm thủ tục mời thầu quản lý, vận hành. “Sau khi đấu thầu xong, nhà máy mới đi vào hoạt động chính thức, thu tiền nước của các hộ để trang trải các chi phí” – ông Lê Văn Giáp nói.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có trên 500 công trình cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân, nhưng trong số đó chỉ có hơn 100 công trình hoạt động hiệu quả, số còn lại thì hoạt động kém hiệu quả hoặc ngừng hoạt động./.