Tính đến thời điểm này, Nghệ An đã hoàn thành việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2020. Toàn tỉnh giảm 20 xã so với trước đây nhưng thừa gần 300 công chức cần phải sắp xếp.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ Nghệ An, tính tới thời điểm này toàn tỉnh sáp nhập 39 đơn vị hành chính thuộc 9 huyện, thị xã; trong đó có 16 xã, thị trấn thuộc diện phải sáp nhập, 4 xã thuộc diện khuyến khích và 19 đơn vị hành chính liền kề. Sau sáp nhập hình thành 19 đơn vị hành chính mới, giảm 20 đơn vị hành chính cấp xã.
Ông Lê Đình Lý - Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An.
Song song với việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Nghệ An cũng thực hiện sáp nhập đơn vị khối, xóm, tổ dân phố. Sau sáp nhập giảm hơn 2.000 khối, xóm.
Sau sáp nhập, tổng số cán bộ, công chức tại 16 đơn vị hành chính mới (không kể 3 đơn vị hành chính thuộc diện điều chỉnh) là 715 người. Hiện, tỉnh này đã bố trí 310 cán bộ, công chức tiếp tục công tác tại chỗ, vượt so với quy định của Trung ương về định biên làm việc tại xã. Theo Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đội ngũ này phải được sắp xếp, bố trí xong chậm nhất đến năm 2025, khi nhiệm kỳ đại hội Đảng tiếp theo kết thúc.
Từ 480 xã, phường, thị trấn, sau khi thực hiện việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2019-2020, tỉnh Nghệ An còn lại 460 xã, phường, thị trấn.
“Sau khi thực hiện sáp nhập xã, bố trí tại chỗ cho 310 cán bộ, công chức thì toàn tỉnh dôi dư 405 người, trong đó có 107 người đã nghỉ hưu đúng tuổi hoặc chờ hưu, thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi, luân chuyển sang đơn vị hành chính cấp xã còn thiếu biên chế hoặc thi tuyển lên công chức cấp huyện. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 298 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư cần phải được sắp xếp”, ông Lê Đình Lý - Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho biết.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cũng cho rằng, giải quyết bài toán này là một nhiệm vụ rất khó khăn nặng nề bởi số cán bộ, công chức trên đã mất cả đời để phấn đấu để có vị trí công tác như ngày hôm nay. Nếu họ không được sắp xếp, bố trí phù hợp mà phải nghỉ việc thì sẽ không tránh khỏi sự băn khoăn, xáo trộn tâm lý. Trong khi đó, số cán bộ công chức tự nguyện xin nghỉ khi sáp nhập rất ít.
Tỉnh Nghệ An phấn đấu đến năm 2022 giải quyết xong số cán bộ, công chức dôi dư này. Trong thời gian từ nay đến năm 2022, địa phương không tuyển mới công chức cấp xã, cấp huyện để có thể điều động, luân chuyển những cán bộ có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm mới.
“Những công chức, cán bộ này đều là những người có năng lực, có trình độ, chuẩn về bằng cấp chuyên môn theo quy định. Chúng tôi mong Bộ Nội vụ có ý kiến với Chính phủ nghiên cứu xem xét điều chỉnh quy định về thi tuyển công chức cấp huyện để luân chuyển số công chức cấp xã thuộc diện dôi dư sau sáp nhập khi có chỉ tiêu mà không phải sát hạch như hiện nay”, ông Lê Đình Lý kiến nghị.