j-1645578618.jpg
Người dân xã Huồi Tụ, Kỳ Sơn, buồn bã bên trâu, bò bị chết. Ảnh: CTV

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kỳ Sơn, trong ngày 21/2 huyện có trên 50 con trâu bò bị chết do giá rét, thì ngày 23/2 số lượng trâu, bò bị chết rét đã tăng lên 261 con. Các xã bị thiệt hại nặng gồm Na Ngoi, Huồi Tụ, Chiêu Lưu, Tây Sơn, Phà Đánh…

Nguyên nhân chính khiến trâu bò chết nhiều là do đói, khi nhiệt độ xuống quá thấp kết hợp với trời mưa đã khiến cho trâu bò thả rông trong rừng bị đói rét. Hiện nay huyện Kỳ Sơn đang cho rà soát, xác minh, kiểm tra lại tiếp tục bổ sung những thiệt hại.

Theo đó, địa bàn huyện Quế Phong cũng thiệt hại khá nặng nề, ngày 21/2 chết 90 con trâu, bò thì ngày 23/2 số trâu bò chết do đói rét tăng lên 172 con, trong đó xã Tri Lễ chết 42 con, Nậm Nhoóng 56 con… Theo một số người dân địa phương chia sẻ: Người dân đi vào rừng tìm kiếm thì phát hiện trâu, bò bị chết rét, do không đưa về được nên một số người đã xẻ thịt đưa ra ngoài để bán vớt vát “cứu” vốn.

jj-1645578650.jpeg
Đợt rét này số lượng bê nghé ở Kỳ Sơn chết khá nhiều. (Trong ảnh: Bê chết tại xã Huồi Tụ, Kỳ Sơn). Ảnh: CTV

Ông Dương Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Huyện đã thành lập từng tổ công tác, trực tiếp xuống các xã bị thiệt hại để hướng dẫn bà con cách phòng chống rét cho trâu, bò. Đặc biệt chỉ đạo các xã huy động lực lượng đoàn viên thanh niên giúp dân vào rừng để tìm trâu bò và lùa về nhà chống rét.

Báo cáo từ Phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Châu cho biết, trên toàn huyện có 56 con trâu, bò bị chết trong đợt rét những ngày qua. Số lượng trâu bò bị chết rét ở các xã Châu Thắng, Châu Hội, Châu Thuận, Diên Lãm, Châu Phong… Theo chia sẻ của người dân xã Châu Hội: Một số trâu bò được người dân cho ăn uống đầy đủ, chủ động ủ ấm nhưng đã không chịu được nhiệt độ lạnh quá sâu nên đã bị chết.

jjj-1645578689.jpeg
Ông Dương Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong đã trực tiếp xuống các xã bị thiệt hại để kiểm tra và cùng cán bộ hướng dẫn bà con cách phòng chống rét cho trâu, bò. Ảnh: CTV

Tính đến thời điểm này, 3 huyện rẻo cao của Nghệ An có 489 con trâu, bò bị chết rét trong rừng và trong chuồng trại của người dân. Đây được coi là thiệt hại khá lớn của ngành chăn nuôi gia súc ngay đầu năm.

Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân chủ yếu do rét đậm thường vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, thời gian này, nhiều người chăn nuôi chuẩn bị Tết, buông lỏng công tác phòng, chống đói, rét cho gia súc. Người chăn nuôi không chuẩn bị đầy đủ điều kiện phòng, chống rét cho đàn gia súc; không che chắn chuồng trại; không dự trữ thức ăn lâu dài; một số thả rông trâu, bò trong rừng.

jjjj-1645578758.jpeg
Đốt lửa sưởi ấm cho trâu tại Tương Dương. Ảnh: CTV

Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết:  Trước thực trạng trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành công điện khẩn “phòng chống đói rét cho đàn gia súc, gia cầm”. Yêu cầu các huyện cử các đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống đói, rét, đặc biệt chú trọng các địa phương vùng cao, nơi vật nuôi có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét.

Kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động dự trữ thức ăn tinh và thức ăn khô (rơm, cỏ khô, thức ăn ủ chua) và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò. Liên tục cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu ở địa phương, thông tin kịp thời và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc phòng chống đói, rét cho vật nuôi./.