Qua tìm hiểu của PV Tài chính doanh nghiệp, hiện nay Dự án Đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải cho Trung tâm y tế huyện Tân Kỳ, Bệnh viện đa khoa huyện Đô Lương và Bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) qua nhiều năm vẫn chưa được triển khai.
Được biết, các công trình trên thuộc dự án tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh Nghệ An sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Đức với tổng mức đầu tư của dự án 52,8 tỷ đồng.
Mặc dù hạn sử dụng nguồn vốn ODA trên đến ngày 31/12/2023, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Sở Y tế Nghệ An vẫn chưa giải ngân bất cứ đồng nào (tỉ lệ 0%).
Trước thực trạng nguồn vốn đầu tư công chưa giải ngân (0%), theo đại diện Sở Y tế Nghệ An cho biết: “Đây là dự án được khởi động các thủ tục pháp lý từ năm 2013 và tổ chức đấu thầu Quốc tế. Dù đã tổ chức đấu thầu nhưng chưa chọn được nhà thầu đủ tiêu chuẩn để thực hiện dự án do đó đã hủy thầu.
Thời gian tới, để sớm thực hiện dự án, cơ quan chuyên môn đang chuẩn bị đấu thầu quốc tế lại”.
Được biết, liên quan đến nguồn vốn ODA, tính từ đầu năm đến 10/8/2021, ngoài Sở Y tế Nghệ An còn có 1 số cơ quan, đơn vị khác như Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An, Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm giống cây trồng Nghệ An, Trường THPT Nam Đàn 2, Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An… vẫn chưa giải ngân đồng nào với tỉ lệ 0%.
Theo đó, để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn ĐTC, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung yêu cầu: Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ đầu tư và Giám đốc các Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả giải ngân vốn ĐTC của cơ quan, đơn vị mình.
Các chủ đầu tư cần kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm chất lượng công trình, chậm tiến độ và vi phạm hợp đồng. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý ĐTC. Kết quả giải ngân dự án ĐTC là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị…
Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân cả tỉnh tổ chức kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm. Đồng thời, thực hiện rà soát chi tiết các khó khăn, vướng mắc của từng dự án, nguyên nhân giải ngân chậm, giải pháp khắc phục và dự kiến khả năng giải ngân đến ngày 31/01/2022.
Đặc biệt, trường hợp không có khả năng giải ngân, sớm đề xuất điều chuyển giảm vốn ngay, tuyệt đối không có tư tưởng giữ vốn làm chậm tiến độ giải ngân chung của tỉnh./.