Dù dự án có công suất không lớn, nhưng doanh nghiệp lại "vẽ" tuyến ống cấp nước "khủng, trong khi đơn vị chức năng "quên" thẩm định.
 
Sự việc xảy ra ở Dự án đổi mới công nghệ, xây dựng hệ thống cung cấp nước thô từ Sông Lam cho Trạm cấp nước Hưng Nguyên và nhà máy nước sạch các xã trên địa bàn huyện Hưng Nguyên (gọi tắt là dự án cấp nước thô Hưng Nguyên) do Công ty CP cấp nước Nghệ An soạn thảo và trình lên UBND tỉnh Nghệ An xin chủ trương đầu tư.
 
Theo báo cáo của Công ty Cấp nước Nghệ An, dự án này nhằm cung cấp nguồn nước thô lấy từ Sông Lam về các nhà máy nước ở huyện Hưng Nguyên, thay thế nguồn nước thô đang lấy từ các kênh thủy lợi bị ô nhiễm. Dự án gồm: Xây dựng trạm bơm nước thô ở ven bờ sông Lam, công suất 30.000m3 ngày/đêm; Sửa chữa cải tạo trạm cấp nước Hưng Nguyên; Xây dựng tuyến đường ống cấp nước thô dài 8,5km. Tổng mức đầu tư dự án là 79,8 tỷ đồng.
 
Sẽ không có gì đáng bàn nếu như phía đơn vị đề xuất dự án không “vẽ thêm” hệ thống đường ống dẫn nước “siêu khủng” với tiết diện lên đến DN 1300.
 
Một chuyên gia trong lĩnh vực cấp nước cho biết: “Với tiết diện đường ống nước DN 1300 thì có thể đáp ứng cho trạm bơm nước công suất 270.000m3 - 300.000m3/ngày đêm. Trong khi với công suất đề xuất là 30.000m3/ngày đêm thì tiết diện đường ống chỉ cần ở mức DN300 - DN400 là dư thừa. Việc đẩy tiết diện đường ống nước lên cao sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy như: làm tăng hàng chục tỷ đồng vốn đầu tư, làm ảnh hưởng đến công trình đê điều, hạ tầng giao thông, ruộng đất nơi đường ống đi qua”.
 
Trên thực tế vào năm 2019, chính công ty này cũng đã đề xuất lên UBND xin xây dựng một hệ thống cấp nước thô ở huyện Nam Đàn công suất 275.000m3/ngày đêm và cũng chỉ sử dụng đường ống tiết diện là DN 1200 - DN1500. Đề xuất này bị bác vì trùng với 1 dự án cấp nước của Công ty Cấp nước Sông Lam. Và đây cũng là lý do buộc Công ty CP Cấp nước Nghệ An xin lập và đề xuất thực hiện dự án ở Hưng Nguyên.


 
Việc vẽ ra đường ống tiết diện lớn không chỉ làm tăng mức đầu tư mà còn gây ra nhiều hệ lụy khác. (Ảnh minh họa)
 
Sở Xây dựng “quên” thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh?
 
Theo nguồn tin của PV, Công ty CP Cấp nước Nghệ An hiện có 38% vốn sở hữu nhà nước.
 
Ngay khi nhận được đề xuất trên, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - Nguyễn Đức Trung đã giao cho Sở Kế hoạch-Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng lấy ý kiến các sở ngành liên quan, trong đó nhấn mạnh vào 2 nội dung cần làm rõ thêm là: Sự phù hợp dự án đối với quy hoạch (bao gồm cả tuyến đường ống cấp nước thô) và tác động của tuyến đường ống đối với các quy hoạch, hệ thống công trình khác. Đây cũng là nội dung mà Sở Xây dựng Nghệ An phải thẩm định, cho ý kiến.
 
Tuy nhiên, cả 2 lần góp ý vào ngày 4/2/2020 và 12/5/2020, Sở Xây dựng lại không hề nhắc tới nội dung này.


 
Chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh Nghệ An
 
Làm việc với PV, ông Nguyễn Tuấn Tài, Trưởng phòng Hạ tầng Sở Xây dựng, giải thích sơ bộ rằng: “Dự án mới đang trong giai đoạn trình xin chấp thuận chủ trương đầu tư nên chưa đánh giá chi tiết, chưa kiểm tra hiện trường. Trong trường hợp được tỉnh chấp thuận thì sẽ tiến hành kiểm tra, thẩm định kỹ hơn”.
 
Tuy nhiên, khi PV đặt vấn đề vì sao việc dùng đường ống không phù hợp với quy mô dự án làm tăng nhiều lần mức đầu tư lại không được Sở đánh giá, cho ý kiến, thì ông Tài từ chối bình luận và nói Sở sẽ trả lời bằng văn bản.
 
Tiếp đó, ngày 25/5, Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Đình Lợi ký văn bản trả lời PV với nội dung: “Hiện dự án đang ở giai đoạn xin chấp thuận chủ trương đầu tư. Cơ quan chủ trì, tổng hợp tham mưu UBND tỉnh trong việc chấp tuận chủ trương đầu tư dự án nêu trên thuộc trách nhiệm Sở Kế hoạch- Đầu tư; Sở Xây dựng đã tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư tại văn bản số 284 ngày 04/02 và văn bản số 1138 ngày 12/05/2020”.
 
Trước đó, ngày 22/5, Sở Kế hoạch - Đầu tư đã tập hợp ý kiến trình UBND tỉnh lần 2. Nội dung cơ bản đồng thuận với việc đầu tư dự án và cũng “quên” luôn yêu cầu của tỉnh về “tuyến đường ống cấp nước thô”.
 
Lý giải vì sao lại "vẽ" hệ thống đường ống dẫn nước “khủng”, ông Hoàng Văn Hải – Giám đốc Công ty CP Cấp nước Nghệ An nói: “Cái đó (đường ống nước – PV) làm không thể 1 vài năm mà làm cho tương lai tới năm 2030 và sau này nữa... Cái đó mới là dự toán và đề xuất của công ty, còn các cơ quan liên quan sẽ tính toán, thẩm định. Chứ không phải nói như thế nào thì nói, có cơ sở khoa học cả”.