13-1-8548-1660794249.jpg
Rừng cao su tại xã Hạnh Dịch của Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An.

San ủi đất cộng đồng để trồng cây

Theo phản ánh của người dân bản Chiếng và bản Quang Vinh, xã Hạnh Dịch (huyện Quế Phong, Nghệ An), năm 2013, trong quá trình triển khai dự án, Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An (gọi tắt là Công ty cao su Nghệ An) đã cho máy móc san ủi và trồng cây cao su lên đất cộng đồng.

Trong đó, 7ha đất lâm nghiệp thuộc tiểu khu 85 đã được UBND huyện Quế Phong cấp bìa cho Cộng đồng cư dân bản Pỏm Om (nay là bản Quang Vinh) và hơn 3,2ha tại tiểu khu 82 được cấp bìa cho Chi đoàn Thanh niên bản Chiếng quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài.

Gần 10 năm trôi qua, mặc dù người dân bản Chiếng và bản Quang Vinh đã nhiều lần gửi đơn thư, kiến nghị lên chính quyền các cấp, yêu cầu Công ty cao su Nghệ An trả lại đất, đền bù thiệt hại nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, cây cao su trên tiểu khu 82 và 85 ngày càng phát triển, đã cho thu hoạch mủ.

Ông Lê Văn Phượng – Bí thư Chi bộ bản Quảng Vinh, xã Hạnh Dịch - cho biết, bản có 136 hộ dân, được Nhà nước giao quản lý hơn 500ha đất rừng sản xuất. Năm 2013, trước khi cho máy móc lên san ủi mặt bằng và trồng cây, Công ty cao su Nghệ An không thông báo hay làm việc với chính quyền địa phương và người dân.

Sự việc được phát hiện khi một số người dân lên rừng thu hái lâm sản phụ thì nhìn thấy nhiều máy múc đang san ủi trên đất của cộng đồng. Nhận được tin báo của người dân, UBND xã Hạnh Dịch và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quế Phong đã lên hiện trường kiểm tra, đo đạc. Kết quả cho thấy, tổng diện tích bị san ủi là hơn 7ha.

Theo ông Phương, sau nhiều cuộc làm việc với người dân và chính quyền địa phương, đại diện Công ty cao su Nghệ An hứa sẽ đền bù theo quy định của Nhà nước, tuy nhiên đã 9 năm trôi qua, đơn vị này vẫn không thực hiện.

“Rừng là nơi lưu giữ nước, những con suối chảy ra từ đây cung cấp nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất và chăn nuôi từ bao đời nay. Ngoài ra, trước đây nhờ có rừng mà người dân chúng tôi còn được thu hái các lâm sản phụ như măng, quả bom bo, lá dong, hạt dầu… Đây đều là những lâm sản có giá trị cao, mang lại thu nhập ổn định cho người dân”, Bí thư bản Quảng Vinh chia sẻ.

13-2-2871-1660794275.jpg
Dù từng nhiều lần gửi đơn thư, kiến nghị nhưng ông Lê Văn Phượng và người dân bản Quang Vinh vẫn chưa đòi được quyền lợi.

Mâu thuẫn nguồn gốc đất

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong - cho biết, năm 2013, mặc dù chưa có quyết định giao đất, thuê đất của cấp có thẩm quyền nhưng Công ty cao su Nghệ An đã triển khai trồng cao su tại xã Hạnh Dịch.

Không dừng lại ở đó, quá trình trồng cây, công ty này không thông báo cho chính quyền địa phương và người dân; không tổ chức kiểm tra, bàn giao ngoài thực địa; không tiến hành kiểm kê hiện trạng giải phóng mặt bằng trước khi thiết kế hồ sơ.

“Quan điểm của huyện Quế Phong là đề nghị công ty làm việc với UBND xã Hạnh Dịch, đặc biệt là các thôn, bản để bàn bạc, thống nhất, hòa giải và thực hiện các kiến nghị liên quan đến lợi ích người dân.

UBND huyện cũng đề nghị UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu công ty thực hiện dự án đúng các quy định, thủ tục theo Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Đề nghị công ty đảm bảo lợi ích của người dân khi trồng cây trên đất của cộng đồng, thôn bản”, ông Hiền nói thêm.

Trong khi đó, đại diện Công ty cao su Nghệ An cho rằng, trước đây, các tiểu khu 82 và 85 là đất thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong 7 - Xây dựng kinh tế (TNXP7-XDKT) Nghệ An quản lý.

Năm 2011, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định 1364/QĐ-UBND.ĐT ngày 26/4/2011 sáp nhập Tổng đội TNXP7-XDKT vào Công ty cao su Nghệ An. Chính vì thế, 2 tiểu khu này sau đó được doanh nghiệp tiếp quản.

Đối với việc tranh chấp 7ha tại tiểu khu 85, đại diện Công ty cao su Nghệ An cho biết, năm 2012, UBND huyện Quế Phong giao đất gắn với giao rừng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân bản Quang Vinh đã không thông báo cho công ty biết và không có quyết định thu hồi đất trong diện tích mà công ty đang quản lý.

Riêng tại tiểu khu 82, quá trình triển khai, đơn vị đã bồi thường giải phóng mặt bằng cho 6 hộ dân (trong đó có 3,2 ha đất do Chi đoàn Đoàn Thanh niên bản Chiếng quản lý), có đại diện UBND xã Hạnh Dịch chứng kiến. Về nội dung này, Công ty cao su Nghệ An đề nghị thành lập đoàn công tác kiểm tra thực địa.

Trường hợp nếu diện tích này chưa chi trả tiền hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật. Nếu diện tích này đã được bồi thường, UBND xã phải thu hồi từ các hộ nhận tiền và chuyển trả cho Đoàn Thanh niên.

Doanh nghiệp được “bật đèn xanh”?

Ngày 24/7/2014, ông Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký Văn bản số 5199/UBND-NN đồng ý chủ trương để Công ty cao su Nghệ An thực hiện trồng cao su trước khi có quyết định thu hồi đất với lý do để kịp trồng cao su trong vụ thu năm 2014.

Ngay sau đó, doanh nghiệp này đã trồng hàng ngàn ha cao su. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án đã nảy sinh nhiều bất cập, được UBND huyện Quế Phong chỉ rõ.

Cụ thể, Công ty cao su Nghệ An chưa lập hồ sơ xin giao đất, thuê đất theo quy định của Luật Đất đai; quy hoạch đất trồng cao su chồng lấn với diện tích đất UBND tỉnh đã thu hồi của Lâm trường Quế Phong giao cho địa phương quản lý với diện tích khoảng 1.045ha.

Quy hoạch không phù hợp với thực tế địa phương như quá sát với khu dân cư, đầu nguồn sông suối. Công ty không phối hợp với địa phương trong việc rà soát, bóc tách điều chỉnh quy hoạch.

Ngoài ra, hơn 500ha được quy hoạch trồng cao su thuộc rừng tự nhiên tại xã Tiền Phong (chưa tiến hành trồng cao su), chồng lấn với phương án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư của xã Tiền Phong theo đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4213/QĐ-UBND ngày 20/9/2018.

UBND huyện Quế Phong từng nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An thành lập đoàn, kiểm tra toàn diện dự án của Công ty cao su Nghệ An. Nhưng, sau nhiều năm UBND tỉnh Nghệ An vẫn không có “động tĩnh” gì về việc kiểm tra chấp hành pháp luật của doanh nghiệp này./.