Hàng ngàn doanh nghiệp nợ BHXH

Theo BHXH tỉnh Nghệ An, tính đến tháng hết tháng 3.2022, tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN đạt 1.721,63 tỉ đồng, đạt 22,1% dự toán BHXH Việt Nam giao; cao hơn 1,6% so với chỉ tiêu của BHXH Việt Nam giao (20,5%), cao hơn 88,7 tỉ đồng (vượt 5,4%) so với cùng kỳ năm 2021.

bv-1649171541.jpg
Đến tháng 3/2022,Công ty cổ phần bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An còn nợ bảo hiểm số tiền hơn 1,46 tỉ đồng. Ảnh: QĐ

Bên cạnh kết quả tích cực nói trên, tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm kéo dài vẫn tồn tại. Đến hết tháng 3.2022, toàn tỉnh có 3.853 doanh nghiệp nợ BHXH từ 1 tháng trở lên với số tiền 315,7 tỉ đồng; trong đó 369 doanh nghiệp nợ từ 12 tháng trở lên số tiền 131,3 tỉ đồng, chiếm 41,59%/tổng số nợ BHXH của doanh nghiệp (bình quân 356 triệu đồng/doanh nghiệp); trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và giao thông. Có 688 doanh nghiệp nợ khó thu (phá sản, giải thể, mất tích) với số tiền 77 tỉ đồng, chiếm 24,4%/tổng số nợ của doanh nghiệp.

Theo BHXH tỉnh Nghệ An, do số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ cao, thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc, nên cơ quan BHXH gặp rất nhiều khó khăn trong việc đôn đốc thu tại đơn vị. Tính đến tháng 3.2022, toàn tỉnh có 2.393 đơn vị nợ có số lao động dưới 10 người (chiếm 62,1% tổng số doanh nghiệp nợ BHXH), với tổng số tiền nợ là 118,5 tỉ đồng, chiếm 38% tổng số nợ BHXH khối doanh nghiệp.

Một số doanh nghiệp tái cơ cấu, chuyển đổi hình thức sở hữu nhưng không xử lý dứt điểm các khoản nợ mặc dù cơ quan BHXH đã trực tiếp đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần, cơ quan chức năng xử phạt hành chính, cưỡng chế qua tài khoản ngân hàng, khởi kiện và thi hành án nhưng doanh nghiệp không thanh toán dần số tiền nợ ngày càng lớn.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID–19, dẫn đến thiếu nhân lực, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thanh toán tiền lương cho người lao động.

Người lao động thiệt thòi

ba-lieu-1649171584.jpg
Bà Trần Thị Liệu kiến nghị giải quyết quyền lợi cho người lao động tại Công ty CP Đầu tư - Xây dựng và Thương mại 423. Ảnh: Phạm Bằng/BNA

Vào tháng 6.2021, bà Trần Thị Liệu, đại diện cho người lao động tại Công ty CP Đầu tư - Xây dựng và Thương mại 423 (gọi tắt là Công ty 423) kiến nghị giải quyết quyền lợi về tiền lương, BHXH của người lao động.

Tính đến tháng 6.2021, số lao động đang làm việc tại Công ty 423 là 22 người, nợ tiền lương 16 tháng của 85 người với số tiền hơn 2,417 tỉ đồng. Tính đến tháng 5.2021, có 136 người lao động của Công ty đã nghỉ việc nhưng chưa được xác nhận sổ BHXH và hiện Công ty đang nợ 9,529 tỉ đồng BHXH gồm cả gốc và lãi chậm đóng.

Lãnh đạo Công ty cam kết sẽ tìm cách giải quyết cho người lao động, tuy nhiên đến nay, đơn vị này vẫn nợ hơn 8 tỉ đồng bảo hiểm cả gốc và lãi. Được biết, Công ty đã nộp hơn 1 tỉ tiền nợ, chốt sổ bảo hiểm cho 20 người, còn hơn 100 lao động nữa chưa xử lý được.

BHXH tỉnh Nghệ An cho biết đã tiến hành nhiều giải pháp nhắc nhở, đôn đốc, làm việc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan, tình trạng nợ đọng bảo hiểm vẫn tồn tại.

“Đối với doanh nghiệp nợ đóng BHXH hoặc đóng BHXH không đầy đủ cho người lao động thì đối tượng trực tiếp chịu thiệt thòi là người lao động. Nhiều lao động dù đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng chế độ hưu trí nhưng không thể xác nhận sổ BHXH để hưởng chế độ do đơn vị còn nợ BHXH, dẫn đến thiếu số năm đóng BHXH của người lao động. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người lao động phản ánh, khiếu nại, tụ tập đông người...” - ông Hoàng Quang Phúc - Trưởng Phòng Quản lý thu BHXH tỉnh Nghệ An cho biết.

Nan giải nhất là tình trạng nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, không có trụ sở làm việc cụ thể. Đến tháng 3.2022 có 688 doanh nghiệp mất tích, phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, với tổng số tiền nợ là 77 tỉ đồng, trong đó nợ tiền lãi chậm nộp 27,5 tỉ đồng, điển hình như: Công ty CTGT Miền Trung, nợ 3,362 tỉ (trong đó lãi chậm nộp 1,289 tỉ); Công ty CP Tổng công ty giao thông vận tải & thương mại Nghệ An, nợ 6,514 tỉ (trong đó lãi chậm nộp 4,599 tỉ); Chi nhánh công ty cổ phần Sông Đà 410, nợ 3,836 tỉ (trong đó lãi chậm nộp 979 triệu); CN Công ty TNHH TM Minh Khang - BV Thành An Sài Gòn, nợ 3,987 tỉ (trong đó lãi chậm nộp 1,88 tỉ); Công ty Cổ phần 475, nợ số tiền là 4,679 tỉ (trong đó lãi chậm nộp 1,476 tỉ).

Đối với những trường hợp nói trên, để xử lý được nợ và giải quyết quyền lợi cho người lao động là hết sức khó khăn./.