Tại Nghệ An, thực tế giá thép đã tăng từ cuối năm 2020, vào chu kỳ tăng "phi mã" từ đầu tháng 4 đến nay, giá tăng từng ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại, khiến nhiều doanh nghiệp sử dụng loại vật liệu này gặp khó vì đội vốn lên rất nhiều so với dự toán ban đầu.
 
Khảo sát của phóng viên tại Nghệ An cho thấy, đại lý bán thép của các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước như Thép Hoà Phát, Thép Thái Nguyên (TISCO), Thép miền Nam, Việt Ý, hay Việt- Nhật... đều tăng giá bán thép các loại từ quý 4 năm 2020 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại ở thời điểm này.
 
Hiện, giá thép cuộn Hoà Phát D6, D8 được Công ty TNHH Hùng Thi - Phường Cửa Nam, TP Vinh chào mức giá mới nhất đến ngày 25/5 là 21 triệu đồng một tấn; thép cây D10 có giá dao động 130.000 đồng/1cây, D18 có giá 448.000 đồng/1cây, D22 có giá 672.000 đồng/cây…
 
Tương tự, Thép Việt - Nhật cũng được công ty này chào hàng với giá D6LD là 19.500 triệu đồng/tấn, thép D10VAS có giá 670.000 đồng/1cây và loại D22HP ở mức 100.000 đồng/1cây. Trong khi đó thương hiệu Thép Hoà Phát đang có giá cao nhất, thời điểm này ghi nhận mức 21 triệu đồng một tấn với thép D6 và D8.
 
So với lần gần nhất vào ngày 12/5 năm nay với thời điểm tháng 12/2020 cho thấy, giá thép D10 tăng hơn 40.000 đồng/cây, từ 83.500/cây đồng lên 124.000 đồng/cây; thép D25 tăng từ 569.000 đồng/cây lên đến 843.000 đồng/cây, tức là tăng hơn 270.000 đồng/cây. Tùy từng hãng và từng nhà phân phối mà giá thép có sự chênh lệch khác nhau, nhưng về cơ bản giá thép đều tăng.
 
Khi được hỏi về giá tăng "phi mã" trong thời gian qua, chủ đại lý Hùng Thi nói: "Tôi cũng chỉ nghe phía công ty cho biết, giá thép tăng cao là do các nhà máy phụ thuộc vào nguồn phôi thép từ nước ngoài, trong bối cảnh giá phôi thép tăng cao, cộng với dịch Covid-19 kéo dài, dẫn đến giá đầu vào đều bị đội lên. Nhà máy điều chỉnh giá liên tục bắt buộc nhà phân phối cũng phải tăng giá theo".
 
 
Việc giá thép tăng "phi mã" như hiện nay sẽ khiến cho chi phí xây dựng sẽ bị đội lên rất nhiều so với dự toán ban đầu.
 
Là kỹ sư xây dựng chuyên lập dự toán thầu của các công trình, anh Nguyễn Khắc Danh - Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng ở Nghệ An cho biết: “Có những công trình ở thời điểm nhận thầu, giá sắt thép được niêm yết 12 triệu đồng/tấn nhưng hiện tại, mức giá đã lên đến 19,5 - 20 triệu đồng/tấn, làm xong công trình báo lỗ là chắc chắn. Với ngành xây dựng, sắt thép là nguyên vật liệu chính. Giá mặt hàng này tăng 30-40% từ đầu năm thì chưa xong công trình nhưng doanh nghiệp cầm chắc lỗ".
 
Còn về phía nhà phân phối thép trong nửa đầu tháng 5 đã năm lần thay đổi báo giá. Nếu như trước tết công ty mua thép với giá 12-13 triệu đồng/tấn thì đến hiện nay giá thép đã tăng trên dưới 30%. Thực tế thì hơn nửa năm nay giá đã tăng từ từ còn kịch điểm là từ tháng 4 đến nay, giá tăng theo từng ngày, mỗi ngày tăng 300.000 đồng/tấn.
 
Khi được hỏi khi tăng giá các nhà cung cấp có đưa ra lý do không? Ông Danh nói, nhà cung cấp chỉ thông báo qua kế toán công ty là điều chỉnh giá tăng nên đại lý phải tăng theo. Lo ngại giá thép có thể tăng thêm, doanh nghiệp phải đi vay số tiền lớn để đặt cọc trước, có những thời điểm phải “xuống” tiền trước cả tháng mới có thép để lấy.
 
Thường thì khi thi công các công trình dân dụng, phần thép chiếm trên dưới 30% tổng giá trị dự án. Chính vì vậy, khi thép biến động liên tiếp tác động rất mạnh đến các doanh nghiệp. Hầu hết, để trúng thầu thì các nhà thầu phải cạnh tranh nhau bằng cách chào giá thầu thấp nhưng cũng phải đảm bảo chi phí để duy trì bộ máy, cũng như toàn bộ chi phí của công trình. Chính vì vậy, mỗi đợt điều chỉnh giá lại thêm một lần doanh nghiệp đối mặt với việc cắt giảm các chi phí khác để bù lỗ…”, ông Hoàng Thắng – P. Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Tân Thắng- TP. Vinh (Nghệ An) chia sẻ.
 

Với những công trình lớn, giá thép tăng cao có thể sẽ khiến cho công trình bị đội vốn hàng tỷ đồng
 
Theo một số đại lý thép ở Nghệ An lý giải tăng giá bán thép do giá phôi thép, và các nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thép tăng cao trên thế giới. Đại diện đại lý thép Hùng Thi còn đưa cho chúng tôi thông báo gửi khách hàng của thép Việt-Nhật với nội dung: "Chúng tôi đã nỗ lực bình ổn giá thị trường, song giá phôi, nguyên liệu tăng liên tục buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán các chủng loại hàng thép…bảng giá thép liên tục thay đổi, nên các đại lý báo giá với khách hàng hàng ngày thay vì tuần như trước" và "báo giá chỉ có tính chất tham khảo tại thời điểm được lập, giá có thể thay đổi".
 
Phân tích nguyên nhân giá thép tăng cao trong cả thời gian dài vừa qua, đại diện Sở Công Thương Nghệ An cũng cho rằng: Từ cuối năm 2020 đến nay, giá thép xây dựng tăng cao do nhu cầu thế giới và trong nước tăng, trong khi nguồn cung ở một số nước bị gián đoạn về cả thép và nguyên liệu thô; giá các nguyên liệu chính để sản xuất thành phẩm như quặng sắt, phế liệu và HRC tăng 30 - 35%. Thời điểm này, đang mùa nắng nóng, cũng là mùa xây dựng nhà cửa công trình, nên nhu cầu về thép và nguyên vật liệu tăng cao hơn và chu kỳ tăng giá mặt hàng này vẫn còn tiếp diễn đến cuối năm nay.
 
Thêm một nguyên nhân, do dịch Covid-19 diễn ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu cũng gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, giá xăng điều tiết liên tục từ đầu năm đến nay, làm tăng chi phí vận tải tăng, kéo theo giá thép xây dựng tăng theo.
 
Theo công bố giá vật liệu xây dựng quý 1/2021 của liên sở Tài chính và Xây dựng Nghệ An vào ngày 1/4/2021, thì giá thép giao động từ 14.000 đồng đến hơn 15.000 đồng/kg. Theo đó, 1 cây thép phi 10 (dài 11,7m) có giá hơn 108.000 đồng, rẻ hơn giá mà các nhà cung cấp vật liệu công bố hơn 10.000 đồng/cây. Tuy nhiên, trên thực tế đối với các công trình xây dựng nhà dân hay các dự án tư nhân, rất khó áp dụng được mức giá như Nhà nước đưa ra. Lý giải việc giá thép theo công bố giá rẻ hơn giá thép các nhà cung cấp đưa ra, đại diện một số nhà cung cấp vật liệu cho rằng, mức giá đó chỉ áp dụng cho các dự án Nhà nước làm chủ đầu tư.