Doanh nghiệp chủ đầu tư đề nghị trả lại 2 ôtô đã cho “mượn” để thực hiện dự án thủy điện Khe Bố, UBND huyện Tương Dương (Nghệ An) cho rằng, vẫn cần phương tiện để giải quyết các tồn tại liên quan.
 
Doanh nghiệp “chia tay đòi quà”
 
Ngày 28.8, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương (Nghệ An) - cho biết, đã có văn bản phúc đáp kiến nghị của Công ty CP Phát triển Điện lực Việt Nam về việc đề nghị trao trả lại 2 ôtô đã cho mượn.
 
Trước đó, ngày 4.6, Công ty CP Phát triển Điện lực Việt Nam-chủ đầu tư dự án Nhà máy Thủy điện Khe Bố có - công văn kiến nghị UBND huyện Tương Dương bàn giao 2 xe ôtô.
 
Theo đó, để phục vụ cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án Nhà máy Thủy điện Khe Bố, huyện Tương Dương đã mua 2 ôtô bằng nguồn vốn đền bù, di dân và tái định cư. Đó là 2 xe ôtô nhãn hiệu Mitsubishi mang biển xanh BKS 37A - 000.98 và 37A - 002.09.
 
Đến ngày 30.9.2020, các bên liên quan thực hiện bàn giao công việc, đồng thời chấm dứt các hợp đồng. Tuy nhiên, 2 ôtô nói trên vẫn chưa được bàn giao chủ đầu tư. Doanh nghiệp này đề nghị huyện Tương Dương bàn giao 2 xe nói trên trước ngày 30.6.2021.
 
Trong văn bản số 649 phúc đáp kiến nghị của Công ty CP Phát triển Điện lực Việt Nam, UBND huyện Tương Dương cho biết, đã chấm dứt và tiến hành bàn giao việc thực hiện công tác đền bù, di dân và tái định cư của dự án.
 
“Tuy nhiên đến nay, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án còn nhiều nội dung chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của nhân dân... Vì vậy, UBND huyện cần có phương tiện đi lại để giải quyết các vấn đề còn tồn tại, chưa xử lý dứt điểm”- công văn của UBND huyện Tương Dương nêu rõ.
 
Còn nhiều tồn tại thuộc trách nhiệm chủ đầu tư
 
Ông Nguyễn Hữu Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương - cho hay: Dự án Nhà máy Thủy điện Khe Bố khởi công xây dựng tại xã Tam Quang từ năm 2007, công suất 100MW, sản lượng trung bình mỗi năm khoảng 400 triệu kWh/năm, tổng doanh thu khoảng 450 tỉ/năm. Tuy nhà máy đã đi vào hoạt động từ năm 2013, nhưng đến nay, việc bồi thường, di dân tái định cư một số hạng mục của dự án vẫn chưa hoàn thành, còn nhiều tồn tại vướng mắc.
 
Cụ thể, việc bồi thường đất ở và đất nông nghiệp hai bên cầu treo bản Mác (thị trấn Thạch Giám) cho 13 hộ đến nay chưa được chủ đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, dù đã cam kết hoàn thành trước ngày 30.6.2021.
 
Việc cấp giấy chứng nhận cho 124 hộ dân tại thị trấn Thạch Giám bị ảnh hưởng một phần thủy điện phải đo đạc bản đồ địa chính đến nay chưa xong, trong khi chủ đầu tư cam kết hoàn thành trước ngày 30.6.2021
 
Tại xã Tam Thái, các thửa đất, khu đất chưa được đo đạc và có sai lệch do thay đổi đường viền lòng hồ sau khi tích nước, gồm có 36 hộ thuộc trách nhiệm thuộc chủ đầu tư nhưng đến nay chưa thực hiện. Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận cho 82 hộ bị ảnh hưởng một phần thủy điện phải đo đạc bản đồ địa chính thuộc trách nhiệm chủ đầu tư nhưng chưa làm được.
 
Tại xã Tam Quang, chủ đầu tư chưa giải quyết dứt điểm hỗ trợ do ảnh hưởng xả lũ năm 2018 cho 18 hộ dân tại làng Khe Bố.
 
Ngoài ra, còn rất nhiều tồn tại khác liên quan dự án, UBND huyện Tương Dương cho rằng, nguyên nhân do chủ đầu tư thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn đến tồn tại kéo, gây bức xúc trong nhân dân, đơn thư vượt cấp.
 
Do đó, UBND huyện Tương Dương chưa trả lại xe cho công ty vì nhiều vấn đề liên quan đến dự án của doanh nghiệp trên địa bàn chưa được giải quyết, cần phương tiện để phối hợp xử lý. 
 
Để giải quyết dứt điểm vụ việc, ngày 6.8, UBND huyện Tương Dương đã mời Công ty CP Phát triển Điện lực Việt Nam vào làm việc với sự tham gia của Sở Công Thương Nghệ An, tuy nhiên đơn vị này có văn bản đề nghị hoãn vì dịch COVID-19.