Sáng 18/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nghệ An tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Luật Thanh tra (sửa đổi). Bà Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chủ trì. Tham dự có đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Nhiều điều chỉnh, sửa đổi
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này có nhiều nội dung sửa đổi, điều chỉnh so với Luật Thanh tra 2010. Trong đó, nhiều nội dung được quy định cụ thể, sát thực tế hơn, như quy định mục đích hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra. Dự thảo nêu: Hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Cơ quan thanh tra trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện và giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Hoạt động thanh tra phải bảo đảm các nguyên tắc: Tuân theo pháp luật; dân chủ, công khai, khách quan, kịp thời, chính xác. Không làm cản trở hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, giữa các cơ quan thanh tra, giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán nhà nước và các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát khác.
Thanh tra tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, có trách nhiệm giúp UBND cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh.
Điều 52, Chương IV dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi cũng quy định nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra. Cụ thể, trong quá trình tiến hành thanh tra, nếu có chồng chéo, trùng lặp thì việc xử lý được thực hiện như sau:
Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán thì cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán trao đổi, thống nhất để một cơ quan thực hiện. Trường hợp không thống nhất được thì cơ quan nào đang tiến hành hoạt động thanh tra hoặc kiểm toán trước thì cơ quan đó tiếp tục thực hiện.
Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của Thanh tra Chính phủ và thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục, Thanh tra tỉnh, Thanh tra Sở thì Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra. Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của Thanh tra Tổng cục, Cục trong cùng một bộ thì Thanh tra Tổng cục, Cục có chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hoạt động chính của đối tượng thanh tra tiến hành thanh tra.
Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục và Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở thì Thanh tra bộ tiến hành thanh tra. Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của Thanh tra tỉnh và Thanh tra Tổng cục, Cục thì Chánh thanh tra tỉnh trao đổi với Chánh thanh tra bộ để thống nhất phương án xử lý; trường hợp không thống nhất được thì báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, quyết định.
Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra của thanh tra sở, thanh tra huyện thì thanh tra sở tiến hành thanh tra. Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra của Thanh tra Tổng cục, Cục và Thanh tra sở thì Thanh tra tổng cục, Cục tiến hành thanh tra.
Các góp ý đề nghị bổ sung, sửa đổi
Góp ý một số nội dung đề nghị sửa đổi, điều chỉnh Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chánh thanh tra tỉnh cho biết, Thanh tra tỉnh đã giao các bộ phận chuyên môn nghiên cứu kỹ lưỡng để đóng góp các ý kiến góp ý. Luật Thanh tra đã ban hành năm 2010 đến nay cần có những sửa đổi.
Theo Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi có thêm quy định về thanh tra huyện là rất hợp lý. Khoản 2, Điều 2 quy định về kết luận thanh tra, ông Phạm Hồng Sơn cho rằng các quy định chưa thể hiện rõ về hoạt động của các đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra đột xuất, cần có sự điều chỉnh, giải thích về từ ngữ rõ hơn, thống nhất hơn; đề nghị điều chỉnh chi tiết hơn về nội dung phân định giữa hoạt động kiểm tra và thanh tra; bổ sung thêm một số từ ngữ quy định phạm vi, cơ quan tham gia thanh tra…
Về quy định nhiệm vụ quyền hạn của chánh thanh tra các cấp, ông Sơn đề nghị quy định rõ hơn về căn cứ thành lập đoàn thanh tra để tránh sự tùy tiện trong thành lập đoàn thanh tra đột xuất, tránh sự “lách luật” trong thực hiện nhiệm vụ… Quy định tại Điểm B, Khoản 1, Điều 25 có một số mâu thuẫn với quy định về nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan thanh tra, cho nên đề nghị hủy bỏ điểm này. Tại Khoản 1 Điều 28 quy định nhiệm vụ quyền hạn của Thanh tra tỉnh đề nghị hủy bỏ quy định trình giám đốc sở phê duyệt, bổ sung quy định trình chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thanh tra…
Các đại biểu đại diện Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Sở Nội vụ,… cũng đóng góp nhiều ý kiến góp ý xây dựng Luật Thanh tra sửa đổi. Trong đó tập trung các nội dung như: đề nghị điều chỉnh, sửa đổi một số nội dung, từ ngữ liên quan các nội dung quy định về ban hành kết luận thanh tra, khiếu nại quyết định thanh tra, công khai quyết định thanh tra, trình tự thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo; đề nghị quy định rõ hơn về thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính; xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán; cơ chế tổ chức đoàn kiểm tra và sự phối hợp với cơ quan thanh tra trong kiểm tra dấu hiệu vi phạm của đảng viên; quyền khởi kiện của đối tượng thanh tra; cơ quan chủ trì về thanh tra công vụ…
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu những ý kiến góp ý của đại biểu về Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi, tổng hợp các nội dung chuyển tới cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh theo quy định./.