Nghệ An từ một địa phương có điểm xuất phát thấp đến nay đã vươn lên trở thành điểm sáng trong thu hút FDI của cả nước. Theo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị, từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã thu hút 147 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 4,9 tỷ USD, trong đó gần 100 dự án đã chính thức đi vào hoạt động. Trong 10 tháng đầu năm 2024, Nghệ An đã kêu gọi thêm 750 triệu USD vốn đầu tư, đặt nền móng cho mục tiêu thu hút trên 10 tỷ USD FDI vào năm 2028.
Điểm nhấn trong bức tranh thu hút đầu tư của Nghệ An là tốc độ tăng trưởng vượt bậc trong 3 năm gần đây, giúp tỉnh vươn lên thành một trong địa phương thu hút FDI hàng đầu cả nước. Giai đoạn 2022-2023, số vốn FDI mà Nghệ An kêu gọi vượt trội so với tổng vốn của 13 tỉnh thành khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung cộng lại. Các dự án đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, với sự góp mặt đông đảo của các nhà đầu tư lớn từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc)…
Bên cạnh việc thu hút vốn, Nghệ An còn ghi dấu ấn bằng việc phát triển các dự án công nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, tỉnh đã thu hút 108 dự án trong lĩnh vực công nghiệp, trong đó có 31 dự án thuộc các ngành sản xuất công nghệ tiên tiến như linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô, linh kiện quang học, ắc quy tính năng cao... Các dự án này không chỉ góp phần tạo ra giá trị gia tăng cao mà còn tối ưu hiệu quả sử dụng đất. Tại các khu công nghiệp và Khu kinh tế Đông Nam, suất đầu tư bình quân đạt khoảng 205 tỷ đồng/ha, sử dụng trung bình 299 lao động/ha. Những dự án tiêu biểu có thể kể đến Luxshare-ICT (140 triệu USD), Goertek (325 triệu USD), Runergy (440 triệu USD), và Everwin Precision (194,68 triệu USD)...
Cùng với dòng vốn đầu tư, các doanh nghiệp FDI đã mang đến Nghệ An công nghệ tiên tiến, dây chuyền sản xuất hiện đại cùng các mô hình quản lý doanh nghiệp mới. Điều này không những giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước, mà còn tạo cơ hội chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại địa phương.
Giai đoạn 2019-2024, các dự án FDI đóng góp trung bình 230-240 tỷ đồng mỗi năm vào ngân sách tỉnh, đồng thời đẩy mạnh kim ngạch xuất nhập khẩu. Tỷ trọng xuất nhập khẩu từ khối doanh nghiệp FDI ngày càng chiếm ưu thế, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng hiện đại hóa.
Nhằm duy trì sức hút và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, Nghệ An đã và đang mở rộng thêm 3 khu công nghiệp lớn với tổng diện tích hơn 1.099 ha, gồm Khu công nghiệp Hoàng Mai I, Hoàng Mai II và Thọ Lộc giai đoạn 1. Các khu công nghiệp VSIP Nghệ An và WHA Industrial Zone 1 cũng đã được lấp đầy, trở thành những biểu tượng cho sự phát triển công nghiệp hóa của Xứ Nghệ.
Không dừng lại ở việc phát triển hạ tầng, Nghệ An còn tạo ra môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi với phương châm “5 sẵn sàng”: Sẵn sàng về mặt bằng, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, cơ chế chính sách và sự đồng hành hỗ trợ.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung khẳng định: Nghệ An cam kết đổi mới, cải cách và cải thiện thực chất môi trường đầu tư. Chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư thông qua cơ chế một cửa tại chỗ, một đầu mối hỗ trợ xuyên suốt quá trình triển khai dự án…
Trong thời gian tới, tỉnh đặt mục tiêu thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít sử dụng đất đai và lao động, đồng thời tập trung mở rộng các khu công nghiệp và đầu tư vào các hạ tầng chiến lược như cảng biển, sân bay, và năng lượng. Nghệ An cũng khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI, từ đó thúc đẩy nội địa hóa và chuyển giao công nghệ.
Có thể nói, thu hút nguồn vốn FDI đã trở thành động lực chính, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng giá trị xuất nhập khẩu và phát triển bền vững tại Nghệ An. Với chiến lược phát triển đúng đắn và sự hỗ trợ toàn diện từ chính quyền, Nghệ An đang khẳng định vị thế là một trung tâm đầu tư mới đầy triển vọng của cả nước.