Mục tiêu xây dựng chính sách nhằm hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH cho người dân tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh, để đảm bảo đến năm 2025, tỷ lệ lao động tham gia BHXH tự nguyện đạt trên 7,95%; đến năm 2030 tỷ lệ lao động tham gia BHXH tự nguyện trên 11% và 60% người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; góp phần phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân tỉnh.
Việc ban hành chính sách hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện còn giúp gia tăng số người tham gia BHXH tự nguyện, làm giảm gánh nặng cho ngân sách tỉnh trong việc chi trả trợ cấp BHXH, mua thẻ bảo hiểm y tế hàng tháng cho nhóm đối tượng người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hằng tháng.
Theo Dự thảo Nghị quyết, chính sách hỗ trợ thêm mức đóng BHXH áp dụng cho người tham gia BHXH tự nguyện theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/02/2016 của Bộ LĐTB&XH, đang cư trú trên địa bàn tỉnh là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật về BHXH.
Người tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Cụ thể: Hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo. Hỗ trợ thêm 25% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ cận nghèo. Hỗ trợ thêm 10% mức đóng BHXH tự nguyện đối với các đối tượng khác.
Mức hỗ trợ này chưa bao gồm mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện được quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ.
Kinh phí thực hiện bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh giao trong dự toán ngân sách địa phương hàng năm giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030.