Ban thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương dừng thực hiện dự án Trung tâm Nhiệt điện Quỳnh Lập, thuộc khu công nghiệp Đông Hồi, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) và đưa dự án này ra khỏi dự thảo Quy hoạch điện VIII.
 
Trước sự chậm trễ trong việc thực hiện dự án Trung tâm nhiệt điến Quỳnh Lập, ngày 26/11/2020, tại cuộc họp thường kỳ, Ban thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương dừng thực hiện dự án Trung tâm Nhiệt điện Quỳnh Lập (bao gồm nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và nhiệt điện Quỳnh Lập 2), thuộc khu công nghiệp Đông Hồi,thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) và đưa dự án này ra khỏi dự thảo Quy hoạch điện VIII.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, ở góc độ UBND tỉnh đã phân tích và xem xét rất kỹ về dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 2, những dự án này được kỳ vọng sẽ có đóng góp lớn vào ngân sách của tỉnh. Song đến nay phải khẳng định, 2 dự án này không có 'duyên' với Nghệ An. Mục tiêu dừng dự án này là ưu tiên quỹ đất thu hút đầu tư các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng khoa học, ứng dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường, phát triển thị xã Hoàng Mai trở thành đô thị biển gắn với công nghiệp sạch và du lịch, dịch vụ.
 
Theo người đứng đầu chính quyền Nghệ An, việc làm này có thể phải chịu áp lực từ Chính phủ khi cho rằng Nghệ An chưa thật sự chia sẻ về vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhưng tỉnh cũng phải có quan điểm rõ ràng là không thể thực hiện việc đánh đổi sự phát triển với lợi ích của người dân và thực tế việc dừng các dự án nhiệt điện để dành quỹ đất đầu tư cho lĩnh vực khác cũng sẽ mang lại sự phát triển cho kinh tế - xã hội cho Nghệ An.
 

 
Địa điểm Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập trong tổng thể quy hoạch Khu công nghiệp Đông Hồi, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An).
 
Trung tâm Nhiệt điện Quỳnh Lập được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch địa điểm tại Quyết định số 1359/QĐ-BCT ngày 20/3/2009, tổng diện tích quy hoạch 283 ha, quy mô 2.400MW, với 4 tổ máy. Dự án được đầu tư theo 2 giai đoạn: Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và Nhà máy điện Quỳnh Lập 2. 
 
Bộ đôi nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập nằm trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 theo Quyết định số 1208/QĐ -TTg ngày 21/72011 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Theo đó, Dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 được Chính phủ giao Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư và được Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 143,54 ha, quy mô công suất nhà máy là 1.200 MW, với nhiên liệu sử dụng chính là than bitum và á- bitum dự kiến nhập khẩu.
 
Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 2,13 tỷ USD, dự kiến ban đầu có 20% vốn chủ sở hữu TKV và các nhà đầu tư khác (nếu có), 80% vốn còn lại (khoảng 1,7 tỷ USD) là vốn vay và được vạch ra 2 kế hoạch sắp xếp nguồn vốn (có bảo lãnh của Chính và không có bảo lãnh của Chính phủ)
 
Tuy nhiên, với nhiều lý do khác nhau, đến nay TKV chưa tìm được đối tác thực hiện, vì vậy dự án lâm vào cảnh đắp chiếu sau khi được quy hoạch.
 

 
Phối cảnh nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1
 
Với dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 2, ngày 25/1/2017, Bộ Công Thương có công văn số 822/BCT-TCNL về việc lựa chọn nhà đầu tư Dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập II theo hình thức BOT.
 
Ngày 4/5/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ban hành Công văn số 623/TTg-CN đồng ý về nguyên tắc giao nhà cho đầu tư Posco Energy (Hàn Quốc) nghiên cứu phát triển Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Quỳnh Lập II (Nghệ An).
     
Theo thiết kế, tổng công suất nhà máy là 1200MW, gồm 2 tổ máy, được xây dựng trên diện tích đất 171ha và khoảng 37ha mặt nước. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến tổng gần 2,5 tỷ USD.
 
Ngày 2/11/2017, Posco Energy và Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) tổ chức ký kết biên bản hợp tác nghiên cứu phát triển dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 2. Chủ đầu tư đã cùng các đơn vị tư vấn triển khai khảo sát địa hình, địa chất và hiện đang trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình cấp có thẩm quyền cho chủ trương nhưng cũng chưa biết thời gian nào mới triển khai thực hiện./.