254674183-4826903250710111-9142497101096716077-n-2835-1637589197.jpg

Hiện bé T. đã qua nguy kịch, sức khoẻ dần ổn định

Chiều 22/11, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, các bác sĩ của bệnh viện này vừa cấp cứu, phẫu thuật thành công cho một bệnh nhi bị hoại tử do xoắn ruột.

Trưa 15/11, bé Nguyễn M.T. (6 tuổi, quê Hà Tĩnh) được đưa vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cấp cứu trong tình trạng hết sức nguy kịch. Bệnh nhi đã đau bụng dữ dội đã hơn 1 ngày, lơ mơ, tái nhợt, dọa ngừng tim, bụng chướng hơn bình thường.

Sau khi thăm khám và xác định bị xoắn ruột hoại tử, suy hô hấp, bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật cấp cứu tối khẩn.

Bác sĩ Đậu Anh Trung - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, đây là một trường hợp khó vì bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn muộn. Khi tiến hành mở ổ bụng, kíp phẫu thuật nhận thấy có nhiều dịch bẩn. Kiểm tra các quai ruột, phát hiện ruột non của bé đã hoại tử thâm đen.

Nhận định quai ruột xoắn đã bị hoại tử không có khả năng phục hồi nên ê kíp phẫu thuật đã tiến hành cắt đoạn ruột bị hoại tử. Sau đó, tiến hành đưa 2 đầu hồi tràng ra làm hậu môn nhân tạo tạm thời.

Trải qua hơn 1 giờ căng thẳng, ca phẫu thuật đã được thực hiện thành công. Tuy nhiên, sau ca mổ, bệnh nhi có biểu hiện nhiễm trùng, nhiễm độc, do đó các bác sĩ phải cho trẻ thở máy xâm nhập qua ống nội khí quản, dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn, truyền bù gần 2 lít máu, chế phẩm máu.

Đến nay, sức khoẻ của bé T. đã dần ổn định và vượt qua được giai đoạn nguy kịch nhất.

Theo các bác sĩ, xoắn ruột là một dạng cấp tính của tắc ruột. Hậu quả của xoắn ruột xảy ra nhanh và nặng nề, biểu hiện ban đầu không rõ ràng, gây ra các rối loạn toàn thân và tại chỗ, đồng thời quai ruột và mạch máu mạc treo…. bị thắt nghẹt dễ dẫn đến hoại tử, thủng và viêm phúc mạc nếu không được xử trí kịp thời.

Thời gian vàng để có thể “cứu” đoạn ruột bị xoắn là 6 giờ kể từ khi có triệu chứng, và sau khoảng thời gian này, ruột sẽ có nguy cơ bị hoại tử phải cắt bỏ, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ của trẻ và thậm chí nguy cơ tử vong do sốc nhiễm trùng, nhiễm độc là rất cao.

Trường hợp của bé T. rất phức tạp, không chỉ nguy hiểm trong quá trình phẫu thuật; mà mối hiểm nguy, đe dọa tính mạng bệnh nhi luôn rình rập trong quá trình hồi sức trước mổ và sau mổ. Chỉ cần đến viện chậm hơn chút ít thời gian, có thể trái tim của bé đã ngừng đập./.