Hàng trăm mét khối đất đã được sử dụng để san lấp mặt bằng tại dự án Khu tái định cư Đồng Khánh (TX. Cửa Lò, tỉnh Nghệ An). Tuy nhiên, khi đặt vấn đề về nguồn gốc đất thì chủ đầu tư và nhà thầu thi công mập mờ.

Dự án khu tái định cư Đồng Khánh (phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) được phê duyệt xây dựng năm 2010. Do nhiều nguyên nhân về mặt thủ tục pháp lý thay đổi nên mới bắt đầu triển khai xây dựng đầu tháng 6/2020.
 
Tuy nhiên, quá trình thi công dự án đang biểu hiện nhiều yếu tố sai kỹ thuật và trái quy định nhà nước như: Không thực hiện bóc phong hóa trước khi san lấp, sử dụng đất san lấp không rõ nguồn gốc, đất không đạt tiêu chuẩn…
 
 
Khu tái định cư Đồng Khánh (P. Nghi Thu, TX. Cửa Lò, Nghệ An) đang thực hiện san lấp mặt bằng
 
Theo tìm hiểu của PV, nhà thầu thi công đã sử dụng một khối lượng đất lớn lấy từ nhiều nơi khác nhau, không được thẩm định chất lượng đất cũng như nguồn gốc không rõ ràng.
 
Ghi nhận tại dự án, khu tái định cư Đồng Khánh rộng hàng nghìn m2 đang giai đoạn san lấp mặt bằng được khoảng 80%. Đất được sử dụng san lấp nhìn bằng trực quan nhận thấy nhiều loại khác nhau, thậm chí có cả đất cát pha, lẫn rác thải và đá vỉa được dùng để san lấp. Bên cạnh đó, theo quan sát nền đất cũ không được bóc phong hóa nhưng nhà thầu vẫn cho san lấp lên trên.
 
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch UBND phường Nghi Thu (chủ đầu tư dự án) cho biết: Dự án Khu tái định cư Đồng Khánh được đấu giá bán hết cho người dân và chủ trương phê duyệt san lấp mặt bằng năm 2010 nhưng vướng Nghị quyết 11 nên không làm được. 
 
“Đến năm 2018 nhà thầu định tiến hành thi công, tuy nhiên theo dự toán thiết kế là đất cấp 1 không có nên phải làm thủ tục xin chuyển sang đất cấp 3 để san lấp. Đến đầu tháng 6 năm nay, việc san lấp mới tiến hành làm được 15 ngày”, ông Lâm nói.
 
 
Dường như nhà thầu thi công không thực hiện bóc phong hóa trước khi san lấp?
 
Khi PV đặt vấn đề về nguồn gốc đất, ông Lâm cho biết, đất phải lấy đúng mỏ đã được thiết kế trong dự toán của dự án và chất lượng đất cấp 3. Nhưng khi hỏi về mỏ được thiết kế thì ông Lâm cho hay, nên làm việc với nhà thầu thi công.
 
Tiếp đến, PV mong muốn được xem qua hồ sơ dự án, vị Chủ tịch UBND phường Nghi Thu cho biết, hồ sơ dự án do kế toán UBND quản lý mà hiện tại không có mặt ở cơ quan.
 
 
Đá vỉa được dùng để san lấp thay thế đất cấp 3?
 
Liên quan vấn đề này, trao đổi qua điện thoại với một đại diện nhà thầu thi công là Công ty TNHH Xây dựng thương mại Tuấn Trung, người này cho biết: Đơn vị nhà thầu thi công ký hợp đồng với đơn vị thứ 3 chuyên cung cấp đất nên không rõ về nguồn gốc đất.
 
 
Rác thải, bao bì xi măng lẫn lộn trong khu vực san lấp
 
“Đất san lấp thì lấy ở mỏ thôi chứ lấy ở đâu anh. Bọn em làm hợp đồng với một công ty cung cấp đất. Còn mỏ nào thì bên vận chuyển và cung cấp biết chứ bọn em chỉ biết làm việc với đơn vị cung cấp đó thôi, chứ nhà thầu thi công lấy đâu ra đất”, vị này giải thích.
 
Về vấn đề bóc phong hóa trước khi san lấp, đại diện nhà thầu thi công cho hay, đơn vị thi công đã thực hiện bóc phong hóa 2 lần nhưng sau đó không thực hiện san lấp được. Gần đây, đơn vị cũng thực hiện bóc phong hóa lần 3 sau đó mới san lấp.