8-1650102218.jpg
Thực trạng xả thải gây ô nhiễm của Nhà máy mía đường Sông Lam không mới. Ảnh: Đình Tiệp.

Đến hẹn lại lên, cứ vào vụ ép mới tình trạng xả thải trực tiếp ra Sông Lam của Nhà máy mía đường Sông Lam, thuộc ở xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An lại khiến người dân sinh sống lân cận được phen “kinh hồn bạt vía”. Chịu không nổi, mới đây bà con lại phải lên tiếng cầu cứu.

Nhiều người dân tại đây quả quyết, kể từ khi Công ty Cổ phần mía đường Sông Lam đi vào hoạt động cũng là lúc môi trường xung quanh bị tác động nặng nề. Bên cạnh mùi xú uế, hôi thối đặc trưng thì chất thải từ quá trình sản xuất được xem là đối tượng chính gây ra ô nhiễm. Chất thải thường được tập kết phía sau khuôn viên nhà máy một cách “lộ thiên”, kết hợp với việc xử lý không đến nơi đến chốn nên khi mưa xuống thì chảy tràn vào khu vực dân sinh và trôi tuột xuống dòng sông Lam. Gần đây nhất đã “nhuộm đen” lòng sông, cảnh tượng quá kinh hãi.

9-1650102260.jpg
Người dân xã Đỉnh Sơn ngán ngẩm khi nhắc đến Nhà máy mía đường Sông Lam. Ảnh: Việt Khánh.

Sau nhiều ngày kể từ thời điểm xảy ra sự cố nêu trên, mãi đến hôm 4/3/2022 UBND huyện Anh Sơn mới ban hành Công văn số 372/UBND-TNMT về việc xử lý hoạt động xả thải ra môi trường của Công ty CP mía đường Sông Lam. Một mặt huyện yêu cầu phòng TN-MT phối hợp với UBND xã Đỉnh Sơn xác minh thực địa, làm rõ nội dung phản ánh, nếu đúng sẽ tham mưu yêu cầu nhà máy dừng hoạt động và khắc phục các sự cố liên quan. Mặt khác, đề nghị Nhà máy đường Sông Lam phải có báo cáo giải trình vụ việc.

Ngày 15/3/2022 Công ty CP mía đường Sông Lam đã có Báo cáo giải trình số 47 lý giải nguyên do. Nội dung chính thể hiện như sau:

“Dây chuyền sản xuất đường với sản phẩm đầu vào là cây mía, sản phẩm ra cuối cùng là đường kính trắng và đường vàng. Quá trình sản xuất sinh ra các phụ phẩm như rỉ mật, bã mía, bã bùn. Rỉ mật được thu gom để sản xuất cồn và bán lại cho các đối tác, bã mía được thu gom để làm nguyên liệu chất đốt vận hạnh tua-bin chạy máy phát điện, phần tro sau khi đốt được thu gom qua bể lắng để làm phụ gia sản xuất phân vi sinh, tương tự là bã bùn.

Vận hành dây chuyền cần khoảng 600m3 nước/ ngày, lượng nước này chủ yếu để làm mát máy đã qua hệ thống lọc nước, đảm bảo đủ điều kiện sử dụng nước sinh hoạt hàng ngày, không có chất nguy hại, không làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người”.

10-1650102354.jpg
Những hình ảnh chân thực, ghi lại cảnh xả thải trực tiếp ra sông Lam. Ảnh: Đình Tiệp.

Để chống chế, đơn vị này còn viện dẫn thêm: Trước đây công ty đầu tư dây chuyền sản xuất cồn công nghiệp và hệ thống xử lý nước thải trị giá hơn 12 tỷ đồng. Quá trình sản xuất cồn đã sản sinh ra nhiều chất độc hại ảnh hưởng đến môi trường và con người, dù đã thuê các công ty, chuyên gia trong và ngoài nước nhưng không thể xử lý triệt để. Vì an toàn môi trường và đảm bảo cho sức khỏe con người, công ty đã quyết định dừng sản xuất ngay sau khi đầu tư dù thiệt hại kinh tế rất lớn.

Xem qua báo cáo giải trình của Nhà máy mía đường Sông Lam không khó để nhận ra những điểm bất nhất, lập luận sau bác bỏ lập luận trước.  Dù khăng khăng không phải là tác nhân gây nên ô nhiễm môi trường nhưng đơn vị này lại tự vẽ vòng, dẫm vòng: “Xác định công tác bảo vệ môi trường, sức khỏe con người là nhiệm vụ thiết yếu trong thời gian tới, công ty đã thuê đơn vị tư vấn thiết kế quy hoạch lại toàn bộ nhà máy, ưu tiên chú trọng công tác bảo vệ môi trường như xây dựng thêm các bể lắng lọc mới…” (?!)

Từ những điều mắt thấy tai nghe, phải thừa nhận những lời phản ánh của nhân dân xã Đỉnh Sơn là có cơ sở. Để chấm dứt tình cảnh “đêm dài lắm mộng”, nhất thiết chính quyền địa phương cùng cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt, thay vì chỉ giơ cao đánh khẽ để sự việc lắng xuống.

11-1650102413.jpg
Các hộ ở thôn Đỉnh Thắng, nơi kề sát với Nhà máy mía đường Sông Lam hiểu rõ hơn ai hết tình trạng ô nhiễm bấy lâu. Ảnh: Việt Khánh.
Bà con xã Đỉnh Sơn, đặc biệt là những hộ dân thôn Đỉnh Thắng, vốn sống cạnh Nhà máy đường Sông Lam khẳng định thực trạng ô nhiễm diễn ra suốt nhiều năm nay, càng đến vụ ép mức độ ô nhiễm càng tăng, sự thể rành rành như vậy nhưng chẳng hiểu sao không được xử lý triệt để?