Dịch Covid-19 tác động mọi mặt đến đời sống xã hội, trong đó có công tác Dân số - KHHGĐ, đòi hỏi việc triển khai các hoạt động này cũng cần có những điều chỉnh để thích ứng với điều kiện mới và đạt các mục tiêu đã đề ra.

Nhiều nguy cơ gia tăng dân số trong dịch bệnh

Từ đầu năm đến nay, trong số 20 trẻ sinh ra của xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) thì có 7 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, chiếm tỷ lệ hơn 30%, cao hơn 10% so với thời điểm này năm trước. Trong số những trường hợp vi phạm chính sách Dân số - KHHGĐ thì có 2 người sinh con thứ 4 là “vỡ kế hoạch” trong thời gian mới sinh con thứ 3 và đang cho con bú...

Nghệ An: Đa dạng mô hình truyền thông dân số trong mùa dịch
Tư vấn cho người dân xã Quỳnh Đôi về sử dụng các phương tiện tránh thai. Ảnh: Mỹ Hà

Việc “vỡ kế hoạch” và mang thai trong thời điểm nghỉ dịch, giãn cách xã hội không phải là hiếm và đây là thách thức của đội ngũ làm công tác dân số trong thời điểm này. Trong khi đó, vì hạn chế tiếp xúc nên việc tuyên truyền, vận động gặp rất nhiều khó khăn. Tại xã Quỳnh Đôi với mức sống ổn định, người dân sử dụng các thiết bị thông minh khá nhiều nên hoạt động tuyên truyền đợt này tập trung nhiều qua mạng xã hội hoặc các nhóm trên Facebook, Zalo. Bên cạnh đó, xã cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua hệ thống phát thanh, tuyên truyền bằng băng rôn, khẩu hiệu. Riêng những trường hợp có nguy cơ cao thì viên chức và đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản sử dụng hình thức “thăm hộ” đến từng nhà để tuyên truyền, vận động.

Chị Hồ Thị Mỹ - viên chức dân số cho biết: “So với nhiều địa bàn khác, đời sống, trình độ của người dân xã Quỳnh Đôi khá cao nên người dân đã có ý thức trong việc phòng tránh thai hoặc sử dụng các biện pháp KHHGĐ. Tuy vậy, thời điểm này, nguy cơ sinh con thứ 3 trở lên lại tập trung ở những trường hợp khá giả, sinh con một bề và có một số trường hợp là có thai ngoài ý muốn. Khó khăn hiện nay là ở công tác tuyên truyền, bởi thời điểm dịch bệnh hầu hết các hoạt động truyền thông đều phải tạm hoãn. Người dân nếu có nhu cầu về dịch vụ họ cũng ngại đến các cơ sở y tế vì lo ngại tiếp xúc, dịch bệnh”.

6 tháng đầu năm 2021 là một giai đoạn rất khó khăn cho công tác dân số trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu khi toàn bộ hơn 300 cộng tác viên dân số ở thôn, xóm đã thay đổi và chuyển sang đội ngũ nhân viên y tế thôn, xóm kiêm nhiệm. Đây là một “khoảng trống” rất lớn ở cơ sở, bởi lực lượng mới dù có kiến thức về y tế nhưng chưa có kinh nghiệm và hầu hết còn trẻ tuổi.

Trong khi đó, công tác dân số có nhiều đặc thù và từ trước đến nay đều do chủ tịch hoặc phó chủ tịch chi hội phụ nữ ở các thôn, xóm đảm nhận nên thạo việc và nhận được sự tín nhiệm của người dân.

Bối cảnh mới này cũng khiến cho nhiều hoạt động ở cơ sở tạm thời bị gián đoạn, nhất là việc tổ chức tuyên truyền tại các hộ gia đình, tuyên truyền cho các đối tượng đặc thù. Thực tế cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, tình trạng gia tăng tỷ lệ sinh con thứ 3 diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương trên địa bàn với tỷ lệ trên 30% - cao hơn từ 10 - 15% so với năm trước. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động khác cũng khó triển khai vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Chia sẻ thêm về điều này, bà Nguyễn Thị Tâm -Trưởng phòng Truyền thông dân số, Trung tâm Y tế huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Tất cả các hoạt động truyền thông tập trung của chúng tôi chỉ thực hiện được từ tháng 4 trở về trước. Trước mắt, trong điều kiện hiện nay chúng tôi chuyển sang hình thức tuyên truyền mới trên hệ thống loa phát thanh, qua hệ thống pano, áp phích”.

Nghệ An: Đa dạng mô hình truyền thông dân số trong mùa dịch
Truyền thông về dân số cho người dân ở xã Thông Thụ - huyện Quế Phong. Ảnh: Mỹ Hà.

Tại huyện Quế Phong, trong thời điểm này, công tác dân số ở cơ sở cũng tạm thời bị gián đoạn do tác động của dịch bệnh. Trong khi đó, chiến dịch truyền thông dân số theo kế hoạch chỉ mới được 50% số xã trên địa bàn. Bà Lô Thị Tâm - Trưởng phòng Dân số - KHHGĐ, Trung tâm Y tế huyện Quế Phong cho biết: “Từ nay đến cuối năm, mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục triển khai chiến dịch số ở các xã còn lại. Tuy vậy, nếu dịch bệnh chưa được khống chế thì việc triển khai các hoạt động sẽ rất khó khăn, vì đây đều là những xã không có nhiều kinh phí, việc huy động ngân sách từ địa phương còn hạn chế. Nếu vận động người dân tự nguyện đi thực hiện các biện pháp tránh thai sẽ rất khó khăn. Thực tế cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện chỉ có 1 xã không có người sinh con thứ 3. Còn lại, địa phương nào cũng có người vi phạm và tỷ lệ cao hơn các năm trước”.

Quan tâm đến đối tượng đặc thù

Từ khi dịch bệnh bùng phát và hạn chế tập trung đông người thì công tác dân số chịu tác động không nhỏ và có nguy cơ phá vỡ các mục tiêu đã đề ra, đặc biệt là gia tăng tình trạng sinh con thứ 3 trở lên và nhiều đối tượng không được chăm sóc các dịch vụ dân số. Trong bối cảnh trên, ngành Dân số xác định, việc phòng, chống dịch bệnh sẽ còn phải kéo dài nên công tác dân số cũng phải có những điều chỉnh thích hợp trong điều kiện mới. Theo đó, thay vì tổ chức tuyên truyền đông người, các đơn vị chuyển sang hình thức tư vấn nhóm nhỏ, cán bộ dân số đến từng nhà để tuyên truyền, tư vấn cho người dân.

Nghệ An: Đa dạng mô hình truyền thông dân số trong mùa dịch
Tư ván xét nghiệm cho phụ nữ mang thai trên địa bàn huyện Quế Phong. Ảnh: Mỹ Hà.

Việc tuyên truyền cũng chú trọng đi sâu vào từng đối tượng đặc thù, đặc biệt là quan tâm đến phụ nữ và trẻ em gái. Đây cũng là chủ đề được toàn ngành đẩy mạnh tuyên truyền trong đợt kỷ niệm Ngày Dân số thế giới (11/7). Cụ thể, ngành đã chỉ đạo để các đơn vị tăng cường tuyên truyền lợi ích của việc tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; lợi ích của việc thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh tật trước sinh và sơ sinh.

Đồng thời, thực hiện tốt các quyền và chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục cho phụ nữ và thanh niên, vị thành niên; tác hại của phá thai và các giải pháp để giảm thiểu tình trạng mang thai ngoài ý muốn và phá thai ở tuổi vị thành niên, thanh niên. Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm đến vấn đề sức khỏe bà mẹ, trẻ em, tác hại của tảo hôn; hôn nhân cận huyết thống cho nhóm đối tượng tại các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Song song với đó, đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho phụ nữ, trẻ em gái.

Trong bối cảnh dịch bệnh phải lựa chọn phương thức phù hợp để triển khai các loại hình cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho các nhóm đối tượng.

Mục đích chính để hạn chế tối đa mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ của nhân dân, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, ven biển và vùng đặc thù.

Trước đó, thông điệp của Quỹ Dân số Liên hợp quốc năm nay nhân Ngày Dân số thế giới (11/7) cũng đã chỉ ra những tác động của dịch bệnh đến công tác dân số.

Nghệ An: Đa dạng mô hình truyền thông dân số trong mùa dịch
Cán bộ dân số huyện Con Cuông triển khai công tác dân số ở cơ sở. Ảnh: Công Kiên.

Ông Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho rằng: “Thông điệp của Ngày Dân số thế giới năm nay đã phản ánh đúng thực trạng hiện nay về công tác dân số và tác động của dịch bệnh đối với các vấn đề về SKSS/KHHGĐ. Từ thực tế trên chúng tôi cũng xác định, dù có bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng hoạt động dân số ở cơ sở vẫn phải được duy trì thường xuyên và liên tục. Đồng thời, cần phải đổi mới hình thức hoạt động, kịp thời cung ứng đủ các thiết bị phương tiện tránh thai để kịp thời triển khai chiến dịch dân số ở cơ sở trong nửa cuối năm 2021 và tiếp tục thực hiện các đề án, chương trình đã đề ra”.