Bố mất sớm, vợ mới cưới được ít ngày, là con trai duy nhất trong gia đình có 3 chị em nhưng ông vẫn để lại mẹ già, vợ trẻ xung phong lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Cuộc đời đầy bi tráng của một cựu chiến binh
Ông Hoàng Xuân Đông (sinh năm 1939) là con trai duy nhất trong gia đình có ba người con của ông Hoàng Xuân Năm và bà Đặng Thị Sỹ. Gia đình ông Năm bà Sỹ sinh sống, cư ngụ lâu đời trên một mảnh đất hơn 1.000m2 tại xóm 15 Phong Yên, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc (Nghệ An).
Nói về cuộc đời bi thương, đau xót của mình, người cựu chiến binh già nua không cầm được nước mắt. Đơn thư ông gửi các cơ quan chức năng đã dày cả xấp mà chưa được giải quyết.
Cha mất sớm, mẹ già yếu, vợ mới cưới được được ít ngày nhưng khi nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1962, chàng thanh niên trẻ Hoàng Xuân Đông (lúc này mới 22 tuổi), đã xung phong lên đường đánh Mỹ cứu nước.
Do có trình độ (ông đã học xong hệ 10/10), nên tháng 8/1962, ông được nhập ngũ vào Binh chủng Phòng không - Không quân, học tập và huấn luyện tại sân bay Cát Bi, Hải Phòng. Tháng 11/1963 chuyển vào sân bay Vinh, Nghệ An rồi tiếp tục chuyển ra sân bay Sao Vàng, Thanh Hóa. Do địch bắn phá ác liệt, đến năm 1965 chuyển sang Phòng không - Không quân của Trung đoàn pháo cao xạ E227F367 làm thợ kỹ thuật đánh bằng khí tài, bảo vệ các trọng điểm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hà Bắc, Nam Định…
Tháng 9/1966, vợ ông Hoàng Xuân Đông trên đường đi làm về bị trúng bom Mỹ chết, nhưng do nhiệm vụ, chiến tranh ác liệt, ông không thể về thắp hương, chôn cất người vợ trẻ. Nuốt nỗi đau, nước mắt vào trong, ông vẫn kiên lòng bám mặt trận, chiến đấu, bảo vệ tổ quốc. Đến tháng 7/1970 ông được điều vào chiến trường B thuộc đoàn 559 sang bảo vệ giao thông ở tỉnh Khăm Muộn, hạ Lào. Năm 1972 ông về bảo vệ đường mòn Hồ Chí Minh. Năm 1974 vào tiếp quản sân bay Nha Trang, đến tháng 4/1974 thì tiếp quản sân bay Tân Sơn Nhất. Đến năm 1975, giải phóng miền Nam, non sông thu về một mối, chiến sỹ Hoàng Xuân Đông được phục viên.
Với chiếc ba lô sờn rách và hai bộ đồ cũ kỹ, sau 15 năm chiến đấu bảo vệ tổ quốc, ông trở về quê hương thăm gia đình, quê hương. Lúc này nhà chẳng còn ai ngoài mẹ già với túp lều tranh dột nát, xiêu vẹo; vợ chết, hai chị đã đi lấy chồng. Vượt qua nỗi đau, mất mát, cựu chiến binh Hoàng Xuân Đông tiếp tục cuộc sống sản xuất, chăm sóc mẹ già. Tuy nhiên trong những năm tháng tham gia chiến tranh ác liệt ở Hạ Lào, tuyến đường Hồ Chí Minh, ông bị thương nặng và nhiễm chất độc dioxin; bệnh tình luôn tái phát, hành hạ, không thể làm các công việc nặng nhọc. Nghe nhiều người mách bảo trong Tây Nguyên có chữa bệnh cả Đông và Tây y rất hiệu quả, lại với khát vọng lập nghiệp làm lại cuộc đời, ông gửi gắm mẹ già cho hai chị gái, họ tộc rồi lên đường.
Với sự cống hiến xương máu, công lao cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, ông Hoàng Xuân Đông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến Hạng nhì, Huân chương chiến sỹ giải phóng hạng 3, Kỷ niệm chương Chiến sỹ Trường Sơn đường Hồ Chí Minh.
Nỗi đau mất mát, bệnh tật được vơi đi phần nào khi ông được chữa bệnh và gặp một người con gái đẹp người, tốt tính ở vùng đất nắng gió Chư Sê, Gia Lai. Sau một thời gian tìm hiểu, hai người nên duyên vợ chồng. Tuy nhiên hạnh phúc chưa được bao lâu thì đôi vợ chồng trẻ phải nhiều lần đau đớn chôn cất các đứa con sinh non chết yểu của mình. Đây là hậu quả của những năm tháng ông chiến đấu ở chiến trường B và bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Cuộc đời luôn gặp những mất mát, đau thương nhưng ông vẫn gạt nước mắt để tiếp tục sống, vượt lên nghịch cảnh của chính mình. Nhiều năm sau, vợ chồng ông may mắn có thêm 3 người con nữa nhưng cũng bị những di chứng chất độc da cam, không được bình thường, lanh lợi như bao đứa trẻ khác.
Năm 1983 nghe tin mẹ mất, ông khăn gói trở về quê nhà chôn cất mẹ già, ngôi nhà tranh dựng trên mảnh đất bao đời gia đình ông sinh sống bị mưa bão làm hư hại nên ông đành gửi bàn thờ bên họ hàng để thờ cúng. Mặc dù lập nghiệp, vợ con ở Tây Nguyên nhưng là con trai duy nhất của gia đình nên ông dự định sau vài năm có tiền, ông sẽ về quê xây lại căn nhà cũ, để có nơi thờ tự bố mẹ. Hàng năm ông vẫn về quê cùng hai chị gái làm giỗ cha mẹ, thăm nom vườn tược, bốc mộ ông bà; tính ít năm có điều kiện xây cái nhà nho nhỏ có nơi chui ra chui vào, thờ tự gia tiên.
Với sự cống hiến xương máu, công lao cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, ông Hoàng Xuân Đông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến Hạng nhì, Huân chương chiến sỹ giải phóng hạng 3, Kỷ niệm chương Chiến sỹ Trường Sơn đường Hồ Chí Minh…
Hơn 25 năm cõng đơn đi gõ cửa đòi lại mảnh đất gia tiên
Với bao dự định là thế nhưng thật bất ngờ vào năm 1996, không một thông báo hay quyết định thu hồi đất nào gửi cho ông Hoàng Xuân Đông hay các thành viên trong gia đình ông là hai chị gái ruột lấy chồng, sinh sống tại địa phương, UBND xã Nghi Phong và huyện Nghi Lộc đã ngang nhiên lấy mảnh đất bao đời của gia đình ông cấp cho một người khác. Những năm tiếp theo, ông cứ đi đi, về về giỗ cha mẹ, thắp hương khói nhưng không biết mảnh đất của gia tiên mà ông dự định xây dựng căn nhà thờ tự đã được cán bộ xã, huyện cấp cho người khác.
Sau khi biết chuyện, cựu chiến binh Hoàng Xuân Đông bị sốc, bệnh tình thêm trầm trọng, phải nhập viện hàng tháng trời. Nhưng để lấy lại mảnh đất cha ông, không thể làm đứa còn bất hiếu nên ông đã gắng gượng đứng dậy viết đơn thư “kêu cứu” gửi lên các cấp chính quyền địa phương tỉnh Nghệ An. Dù tuổi già sức yếu, bệnh tật hành hạ nhưng nhiều năm qua, đã hàng chục lần ông bắt xe đò ra vào Tây Nguyên- Nghệ An, hàng ngàn lá đơn gửi đi khắp nơi nhưng vẫn “bặt vô âm tín” khiến ông hết sức bức xúc, đau đớn. “Chiến tranh xảy ra, tôi đã xung phong đi đánh Mỹ cứu nước, cống hiến xương máu, tuổi trẻ để bảo vệ thành quả cách mạng. Nhưng khi hòa bình lập lại, các thế hệ con cháu làm cán bộ cấp xã, huyện Nghi Lộc lại đối xử thô bạo, thiếu tình người, đạo lý với một bộ đội cụ Hồ như tôi. Tại sao đất hương hỏa bao đời của gia đình tôi để lại mà họ có thể ngang nhiên lấy cấp cho người khác?” – ông Hoàng Xuân Đông bức xúc, không cầm được nước mắt cho biết.
Mảnh đất ở của gia đình ông Hoàng Xuân Đông sinh sống bảo đời đã bị chính quyền xã Nghi Phong cấp cho người khác mà không có bất cứ một thông báo hay quyết định thu hồi, đền bù.
Sau nhiều lần gửi đơn thư đến các cơ quan ban ngành tỉnh Nghệ An, UBND xã Nghi Phong, UBND huyện Nghi Lộc, thường trực huyện ủy Nghi Lộc thì vào năm 2013, UBND xã Nghi Phong do nguyên chủ tịch Phạm Ngọc Chương có kết luận số 18/KL-UBND gửi ông Hoàng Xuân Đông.
Nội dung kết luận số 18 thừa nhận: “UBND xã Nghi Phong đã thành lập đoàn xác minh, kiểm tra các tài liệu thì được biết nguồn gốc mảnh đất mà ông Hoàng Xuân Đông khiếu nại là mảnh đất thuộc tờ bản đồ số 05, thửa 198, với diện tích 714m2, vị trí tại xóm 15, xã Nghi Phong. Mảnh đất này trước đây là đất ở của gia đình ông Hoàng Xuân Đông. Sau khi cha mẹ và vợ chết đi, ông Đông đi bộ đội và sinh sống nơi khác, mảnh đất đã bỏ hoang từ năm 1984, khi thực hiện Nghị định 64 của Chính phủ năm 1993, xóm đã kê khai vào danh sách để cấp đất sản xuất nông nghiệp cho các hộ dân. Hiện tại diện tích đất của hộ gia đình ông Hoàng Xuân Đông không còn nữa”.
Vì vậy, UBND xã Nghi Phong đã có kết luận hết sức lạnh lùng, “vô cảm” với một người có công với cách mạng: “Nguồn gốc lô đất của gia đình ông Hoàng Xuân Đông trước đây tại xóm 15, xã Nghi Phong là đúng thực tế. Nhà nước đã cấp GCN QSDĐ cho ông Nguyễn Văn Trọng là đúng quy trình và phù hợp với quy định pháp luật… Vì vậy ông Hoàng Xuân Đông xin cấp lại diện tích mà trước đây gia đình sử dụng là không có cơ sở (?!)”.
Ông Đông bức xúc: “Sau khi phục viên, tôi đã về sinh sống tại địa phương. Nhưng do bệnh tật và chí hướng lập nghiệp, tôi phải vào Gia Lai. Tuy nhiên năm nào tôi cũng về giỗ cha mẹ, thăm nom vườn tược; anh em, họ hàng, chòm xóm ai cũng đều biết. Căn cứ vào đâu mà chính quyền xã lại bảo tôi bỏ hoang mảnh đất gia tiên từ năm 1984? Đó là lời nói bịa đặt, không có căn cứ. Chưa kể đây là đất ở bao đời của gia đình tôi, chính quyền xã muốn thu hồi cấp cho người khác phải ra quyết định thu hồi, gửi thông báo cho tôi hay hai chị gái lấy chồng ở gần đó. Vì sao chính quyền xã Nghi Phong không có một thông báo hay quyết định thu hồi gì mà lại ngang nhiên lấy đất ở, vườn tược của gia đình tôi cấp cho người khác được. Hành vi đó không chỉ coi thường đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta mà còn vi phạm nghiêm trọng về mặt pháp luật Đất đai”.
Kết luận trả lời của UBND xã Nghi Phong thời bấy giờ được cho là hết sức thờ ơ, vô cảm, quên đi đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp bao đời nay của dân tộc ta.
Do không đồng ý với cách trả lời “thiếu tình, thiếu lý” của UBND xã Nghi Phong nên ông Hoàng Xuân Đông tiếp tục gửi đơn thư đến các ban ngành tỉnh Nghệ An; có đơn ông gửi ra cả Bộ, ngành và Trung ương để lấy lại mảnh đất hương hỏa của gia đình mình. Năm 2014, huyện Nghi Lộc đã có văn bản số 962/UBND-TNMT báo cáo kết quả giải quyết đơn kiến nghị của ông Hoàng Xuân Đông.
Tuy nhiên cũng như cấp dưới, UBND huyện Nghi Lộc thừa nhận: “Nguồn gốc thửa đất số 198, tờ bản đồ số 05, diện tích 714 tại xóm 15 Phong Yên do ông Nguyễn Văn Trọng đang sử dụng có nguồn gốc từ đất ở và đất vườn của ông Hoàng Xuân Năm và bà Đặng Thị Sỹ (bố mẹ đẻ của ông Hoàng Xuân Đông). Ông Năm mất sớm, vợ chồng ông Đông cùng mẹ sinh sống trên thửa đất đó. Năm 1962 ông Đông lên đường nhập ngũ còn lại mẹ và vợ tiếp tục sử dụng thửa đất này. Năm 1966 vợ ông Đông bị trúng bom Mỹ chết, bà Đặng Thị Sỹ ở lại trên mảnh đất này. Năm 1982 ngôi nhà tranh do mưa bão bị sập, thửa đất bị bỏ hoang. Năm 1983 bà Sỹ mất tại nhà bà Mai Cầm (bà Mai Cầm là cháu bà Sỹ). Năm 1993 do thửa đất của bà Sỹ không có người sử dụng nên được ban cán sự HTX nông nghiệp II Nghi Phong thu hồi và giao cho ông Nguyễn Văn Trọng Sử dụng. Năm 1996, thực hiện Nghị định 64/CP ông Trọng được UBND huyện Nghi Lộc cấp GCN QSDĐ với diện tích 714 m2 thuộc thửa đất 198, tờ bản đồ 05 (BĐ 299) và ông Trọng sử dụng ổn định từ đó đến nay”.
Đại diện lãnh đạo huyện Nghi Lộc cho rằng: “Trên cơ sở kiểm tra, xác minh và đối chiếu với các Quy định của Luật Đất đai qua các thời kỳ, việc ông Hoàng Xuân Đông kiến nghị đòi lại thửa đất trước đây có nguồn gốc của bố mẹ ông là không có cơ sở để giải quyết”.
Tuy nhiên, vì ông Đông là cựu chiến binh có công lao với đất nước nên huyện Nghi Lộc cũng đã “gợi mở" một phương án khá nhân văn đó là: “Nếu ông Hoàng Xuân Đông có nhu cầu trở về sinh sống và làm nhà ở tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An thì đề nghị ông trực tiếp đến UBND xã Nghi Phong để được hướng dẫn theo quy định của pháp luật”.
Nhưng theo ông Hoàng Xuân Đông thì đã nhiều năm nay, ông lên xuống xã, huyện Nghi Lộc không biết bao nhiêu lần, đơn thư đã xấp dày nhưng việc “đòi” lại mảnh đất tổ tiên hay cấp lại cho ông một thửa đất mới để làm nơi thờ tự bố mẹ, tổ tiên vẫn chưa được giải quyết.
Nhìn hai vợ chồng người cựu chiến binh già nua, tay chân run rẩy làm mấy mâm cơm cúng giỗ bố mẹ ngoài nghĩa địa ai cũng xót xa, thương cảm. Năm nay đã ngoài 85 tuổi, cái tuổi “gần đất, xa trời” ông Hoàng Xuân Đông chỉ mong các cấp chính quyền huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An sớm quan tâm, giải quyết cho ông để có nơi thờ tự cha mẹ, thoả lòng, ước nguyện với tổ tiên trước lúc “nhắm mắt, xuôi tay”./.