Sau nhiều năm cống hiến, cô giáo Lê Thị Thông nghỉ hưu và được nhận phụ cấp thâm niên nhà giáo một lần. Thế nhưng bà chưa kịp nhận thì số tiền trên đã bị lấy mất.
Giả mạo chữ ký chiếm đoạt tài sản
Mặc dù vô cùng ấm ức, thế nhưng bà Lê Thị Thông (SN 1952), trú xóm 3, xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An vẫn ngại ngùng khi nói về việc chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo của mình bị người khác lấy mất. Hơn 33 năm làm giáo viên, nghỉ hưu cũng đã nhiều năm, nên bà Thông vẫn giữ đức tính hiền hậu, không muốn tranh chấp với ai, cũng không muốn giải quyết việc bằng kiện cáo như thế này.
“Số tiền chế độ đối với nhiều người là nhỏ, nhưng đối với chúng tôi là lớn. Quan trọng hơn, nó là chế độ của Nhà nước ghi nhận sự cố gắng của chúng tôi trong hàng chục năm trong nghề. Ngoài ra, nhiều người còn nghĩ rằng chúng tôi đã nhận, mà còn cố ý nói không khiến chúng tôi rất buồn. Vì vậy tôi mới làm đơn đề nghị làm rõ”, bà Thông giãi bày.
Bà Thông đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Vào năm 1971, bà bắt đầu đi dạy tại trường tiểu học Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Đây là một trong những nơi vùng cao khó khăn bậc nhất xứ Nghệ. Phải 4 năm sau, bà mới được trở về trường tiểu học Bắc Sơn cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2005.
Thời gian giảng dạy là 33 năm 2 tháng. Vì vậy, theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg ngày 30/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu thì bà Thông được trợ cấp một lần bằng tiền là 11,6 triệu đồng.
“Thực tế vào năm 2013, tôi đã làm hồ sơ nhận chế độ 1 lần. Tuy nhiên, sau đó tôi không hề nhận được thông tin về việc được nhận tiền nên không biết mình có khoản phụ cấp này. Mới đây, tôi lại tiếp tục làm hồ sơ lần nữa, thì lúc này tôi mới biết số tiền trên tôi đã ký nhận vào năm 2014”, bà Thông cho hay.
Bà Thông khẳng định chữ ký này không phải của mình.
Người phụ nữ này khẳng định chưa hề nhận số tiền hỗ trợ trên, điều lạ lùng là việc bảo hiểm xã hội huyện Đô Lương lại khẳng định bà đã ký nhận cách đây 6 năm. Vào ngày 30/7, bà đến yêu cầu xem lại toàn bộ hồ sơ, biên lai nhận tiền và phát hiện có nhiều dấu hiệu giả mạo chữ ký.
Trao đổi về việc này, bà Thông cho hay: “Theo thông báo của bảo hiểm xã hội huyện Đô Lương, thời điểm nhận tiền là ngày 18/3/2014, nhưng lúc này tôi đi vào miền Nam để chăm con ốm chứ không phải ở địa phương. Ngoài ra, trong giấy biên nhận tiền có chữ ký không phải là của tôi. Theo đó, trong phiếu thu viết chữ “Thôn” chứ không phải “Thông”. Đặc biệt, không có ghi số chứng minh thư nhân dân của tôi”.
Thời gian nhận tiền bà Thông vẫn đang ở miền Nam.
Bà Thông cho rằng, đã có kẻ giả mạo chứ ký của bà để chiếm đoạt số tiền 11,6 triệu đồng phụ cấp. Vì vậy, bà đã gửi đơn đến bảo hiểm xã hội huyện Đô Lương, UBND huyện Đô Lương và Công an huyện Đô Lương đề nghị làm rõ vấn đề trên. Thế nhưng, hơn 3 tháng gửi đơn đến các cơ quan chức năng, cho đến thời điểm này vẫn chưa có kết quả.
Bà Bùi Thị Hạ cũng là giáo viên nghỉ hưu rơi vào trường hợp tương tự.
Được biết, ngoài bà Lê Thị Thông thì bà Bùi Thị Hạ (SN 1950), trú xóm 2, xã Bắc Sơn, từng là giáo viên trường tiểu học Bắc Sơn cũng có hoàn cảnh tương tự. Bà Hạ có thâm niên giảng dạy 36 năm 2 tháng, vì vậy được hưởng số tiền 12,6 triệu đồng. Tuy nhiên, khi bà chưa kịp nhận số tiền trên thì cũng có người giả mạo chứ ký để lấy đi phần chế độ kia.
Công an vào cuộc điều tra
Về việc này, ông Bùi Thanh Lộc – Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Đô Lương cho biết: “Đơn vị có nhận được phản ánh của bà Lê Thị Thông về việc chưa nhận được tiền phụ cấp thâm niên nhà giáo. Chúng tôi đã kiểm tra và đối chứng chữ ký, họ tên của bà từ tờ khai đề nghị hưởng trợ cấp, phiếu chi có ký nhận tiền của bà Thông. Qua đó xác định bà Thông đã ký vào các loại giấy tờ trên và đã nhận tiền. Thông báo này chúng tôi cũng đã gửi cho bà Thông”.
Tuy nhiên, khi được hỏi về việc cơ sở nào khẳng định chữ ký trên của bà Thông thì vị Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Đô Lương cho biết “chỉ quan sát bằng mắt thường” (?!). Do không thể giải thích được, ông Bùi Thanh Lộc cho hay muốn trả lời báo chí thì phải có sự đồng ý của Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An, rồi sau đó không nói gì thêm và cũng từ chối cung cấp các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến vụ việc.
Dù chưa giám định, chỉ bằng "mắt thường" phía BHXH huyện đã khẳng định bà Thông nhận tiền cách đây 6 năm.
Tuy nhiên, theo kết quả giám định của phòng kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Nghệ An, chữ ký “Thông”, chữ viết “Lê Thị Thôn” dưới mục “Người nhận tiền” trên phiếu chi số 00612, đề ngày 18/3/2014 của Bảo hiểm xã hội huyện Đô Lương so với chữ ký, chữ viết của Lê Thị Thông trên các mẫu tài liệu so sánh có một số đặc điểm riêng giống nhau nhưng cũng có một số đặc điểm riêng khác nhau không giải thích được.
“Chữ viết “Mười một triệu sáu trăm mười bốn nghìn ba trăm năm mươi đồng” ở mục “đã nhận đủ số tiền (viết bằng chữ) trên phiếu chi số 00612, đề ngày 18/3/2014 của Bảo hiểm xã hội Đô Lương so với chữ viết của Lê Thị Thông trên các tài liệu mẫu so sánh không phải cùng một người viết ra”, thông báo nêu.
Các cựu giáo viên mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc điều tra vụ việc.
Liên quan đến vụ việc, Trung tá Chu Quang Thành - Trưởng Công an huyện Đô Lương cho biết: “Đơn vị có nhận được tố giác về tội phạm của bà Lê Thị Thông về việc ai đó giả mạo chữ ký để ký vào giấy biên nhận tiền. Cơ quan CSĐT đang vào cuộc điều tra và đang trưng cầu giám định chữ ký viện khoa học kỹ thuật hình sự, bộ công an. Sau khi có kết quả chúng tôi sẽ thông báo sau”.
Bà Nguyễn Thị Anh Quang – Phó chủ tịch UBND huyện Đô Lương xác nhận: “Sau khi nắm được thông tin, chúng tôi đã chuyển đơn và yêu cầu phía bảo hiểm xã hội huyện, cơ quan công an làm rõ, giải quyết thấu đáo nội dung phản ánh của bà Lê Thị Thông. Hiện nay đang chờ kết quả giám định chữ ký, trong thời gian ngắn nữa trắng đen sẽ rõ ràng. Nếu thực sự có người giả mạo chữ ký để chiếm đoạt tiền, chúng tôi sẽ bảo vệ quyền lợi cho cựu giáo viên này”./.