Tỉnh Nghệ An hiện đứng thứ 6 cả nước về số người nhiễm HIV. Địa phương này cũng đã ghi nhận 4.245 người tử vong trong số 10.094 người vì căn bệnh thế kỷ gây ra.
Kể từ khi người nhiễm HIV được phát hiện đầu tiên vào năm 1990, đến nay, Việt Nam đã có 30 năm chính thức ứng phó với dịch HIV/AIDS. Đại dịch HIV/AIDS vẫn đang tiếp tục là mối đe dọa trực tiếp đến sự phát triển của đất nước và tương lai của giống nòi.
Tại Nghệ An kể từ khi phát hiện trường hợp nhiễm HIV/AIDS đầu tiên vào năm 1996, căn bệnh thế kỷ càng diễn biến phức tạp. Hiện Nghệ An là tỉnh có số người nhiễm HIV cao, đứng thứ 6 trong cả nước. Số người nhiễm HIV của tỉnh này đến nay là 10.094 người, trong đó 4.245 trường hợp ghi nhận đã tử vong. Việc Nghệ An là một trong số các tỉnh trọng điểm về ma túy là yếu tố khó khăn cho việc kiểm soát, quản lý tình trạng HIV/AIDS.
Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, địa phương, đặc biệt là ngành y tế, công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Số người nhiễm HIV mới phát hiện có xu hướng giảm tại các huyện, thành phố vùng đồng bằng nhưng lại gia tăng ở các huyện miền núi như Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương…
Các hoạt động cấp phát thuốc tại xã phường, lưu động về tư vấn, xét nghiệm, cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su... đã được triển khai đồng bộ và tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện các chỉ tiêu 90-90-90 (90% người có HIV biết được tình trạng bệnh của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV, 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp).
Đến nay, Nghệ An đã có trên 87% số người nhiễm biết được tình trạng của mình, 80,2% số người nhiễm đang được điều trị bằng thuốc ARV. Công tác điều trị đã được triển khai ở 21/21 huyện, thành, thị với 25 cơ sở chăm sóc và điều trị.
Hiện 100% các cơ sở y tế tuyến huyện và tuyến tỉnh thực hiện cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV. Số liệu tháng 6 cho thấy tỷ lệ bệnh nhân HIV có thẻ BHYT là 96,7%.
Mặc dù bệnh HIV/AIDS ở Nghệ An có xu hướng giảm nhưng vẫn chưa đảm bảo tính bền vững, đang diễn biến phức tạp và vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả. Hiện có xu hướng chuyển dịch từ nhóm người có hành vi nguy cơ cao là nghiện chích ma túy, đường lây truyền chủ yếu vẫn là đường máu, người nhiễm HIV chủ yếu vẫn là nam giới, tập trung trong nhóm tuổi từ 20-49 sang hình thái nguy cơ lây nhiễm từ đường máu sang đường tình dục.
Hiện nay, trong cộng đồng vẫn còn nhiều người nhiễm HIV không thuộc nhóm nguy cơ cao chưa được phát hiện, tiềm ẩn nguy cơ lan truyền dịch HIV/AIDS. Đáng chú ý là có sự đan xen giữa các hành vi của nhóm người nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nam có quan hệ tình dục với nam, chuyển giới... trong khi mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn rất hạn chế.
Chung tay ngăn chặn, đẩy lùi HIV/AIDS (ảnh Internet)
Trong những năm gần đây, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm vợ, chồng, bạn tình của người nhiễm HIV có xu hướng gia tăng; năm 2010 là 13,36% tới năm 2015 là 19,3% và đến năm 2020 tỷ lệ này là 22,79%. Tỷ lệ người nhiễm HIV tập trung ở nhóm nam giới với 78,59% và nữ giới chiếm 21,41%. Độ tuổi tập trung nhiều người nhiễm chủ yếu là từ 20-39 tuổi, chiếm 85,9% tổng số người nhiễm của cả tỉnh.
Ngoài ra, sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn lớn khiến người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV sợ bị kỳ thị, không muốn đi làm xét nghiệm HIV, người nhiễm không muốn bộc lộ bị nhiễm HIV để đến cơ sở y tế để được điều trị ARV sớm. Trong khi đó nhân lực phòng, chống HIV/AIDS thường xuyên thay đổi, trang thiết bị kỹ thuật hạn chế... cũng đang là trở ngại đối với công tác phòng chống căn bệnh thế kỷ này tại Nghệ An.
Ông Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho hay để công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt hiệu quả cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và mọi người dân. Các cấp, ngành cần coi nhiệm vụ phòng chống HIV/AIDS vừa có tính cấp bách vừa có tính lâu dài.../.