Cô bé 13 tuổi thay mẹ nuôi em từng ước có sữa cho em uống, có gạo để nấu cơm và tiếp tục được đi học.
 
Nguyễn Thị Hiền (SN 2007, ngụ tại xóm An Hòa, xã Thanh An, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Hiền không biết bố mình là ai, em lớn lên với bà ngoại nhưng bà đã già yếu lắm rồi. Năm 2018, sau một thời gian bỏ đi biền biệt, mẹ Hiền là cô Nguyễn Thị Tuyến (SN 1978) về nhà ngoại đòi lại con. Mặc dù không được khôn ngoan như người bình thường nhưng cô Tuyến không chịu ở với mẹ đẻ và em trai, quyết đưa Hiền lên ở trong căn nhà 2 gian chơ vơ trên sườn đồi từ đó đến nay.


 
Hiền và em gái sống trong căn nhà chơ vơ trên sườn đồi.
 
Rồi một thời gian sau, mẹ Hiền mang bầu nhưng chẳng biết bố đứa trẻ là ai, tính khí cô Tuyến ngày càng thất thường, hay gắt gỏng, mắng mỏ Hiền vô cớ lại còn thường xuyên bỏ nhà đi. Nghĩ rằng đứa con trong bụng là nguyên nhân khiến mình khổ, mẹ Hiền chẳng mấy yêu thương gì đứa trẻ thứ 2. Thế rồi mẹ sinh em, đặt tên là Nguyễn Thị Ngọc. Ngọc năm nay được 14 tháng tuổi, do một tay Hiền chăm bẵm từ bé.
 
Còn nhỏ như vậy nhưng một mình Hiền đã phải nuôi em thay mẹ khi nhà không có bố, thậm chí còn phải chịu đủ ghét bỏ vô cớ từ người mẹ tính khí thất thường của mình.


 
Từ nhỏ đến lớn bé Ngọc do một tay Hiền chăm sóc, từ tắm gội cho đến ăn uống.
 
Khi nào mẹ tỉnh táo vẫn đi làm thuê kiếm tiền rồi về nựng 2 chị em, thế nhưng lúc nào tính khí thất thường là cô bỏ đi biền biệt. Lúc về lại tức giận, mắng vô cớ 2 chị em.
 
“Mẹ chửi Hiền, mắng Hiền thì Hiền chạy. Tối nào mẹ về thì em Ngọc đều không ngủ được, Hiền phải thức suốt đêm với em." Hiền kể lại.
 
Nhà của Hiền chẳng có điện. Ban ngày em sẽ mang đèn pin sang nhà hàng xóm sạc điện nhờ, tối đóng cửa bật đèn cho em chơi. Trời nóng thì Hiền quạt cho em ngủ, trời lạnh sẽ đỡ hơn. Hai chị em Hiền ở trong căn nhà chơ vơ giữa sườn đồi, cứ đến tối là nỗi sợ lại bủa vây. Nhà có 1 cái giường, 1 cái giát giường nhưng chẳng vừa nhau nên mỗi cái vứt mỗi nơi. Hôm nào mẹ không về, hai chị em được ngủ trên cái giát giường gỗ ấy. “Mẹ về, mẹ nói chân em Ngọc bẩn, không cho lên nằm”, Hiền kể mà như khóc.


 
Ban ngày bé Ngọc chơi với chú chó nhỏ để chị Hiền học bài.
 
Trước đây bà chưa đau yếu, Hiền sẽ gửi em cho bà trông hộ rồi đi học. Thế nhưng giờ bà chẳng trông được nữa, Hiền đành bế em đến trường. Đường đến trường của Hiền dài hơn 4km, một mình em vừa mang cặp sách, vừa bế em đi bộ tới trường. Hôm nào cũng phải đi thật sớm mới kịp giờ vào lớp. Hôm nào đi nhờ được bạn thì sẽ đỡ hơn. Chẳng có ai trông em, Hiền thậm chí còn nhờ cô bán bánh mỳ ở cổng trường trông hộ.
 
Ước mơ của Hiền đơn giản lắm. “Hiền chỉ ước hai chị em có đủ gạo ăn, em Ngọc có sữa để uống. Khi nào em lớn, Hiền có thể thi đậu vào cấp 3. Hiền sợ phải nghỉ học lắm…”, Hiền ôm chặt lấy em, nói như khóc.


 
Trước kia Hiền thường bế em đi bộ tới trường, giờ mới được cho 1 chiếc xe đạp, em hay để bé Ngọc vào giỏ rồi chở đi.
 
Và rồi phép màu cũng đến với chị em Hiền. Ông Lê Bá Lương, Giám đốc Làng trẻ em SOS Vinh sau khi biết chuyện đã đưa hai chị em đến làng, ở tại ngôi nhà số 9 của mẹ Tạ Thị Tuyên, cho Hiền và em gái một cuộc sống mới, hạnh phúc hơn, vui vẻ hơn.


 
Sau khi được đưa đến làng trẻ, 2 chị em Hiền rất vui.
 
Hiền giờ đã có da có thịt, bé Ngọc đã được 1 tuổi rồi. Về làng, Hiền tiếp tục được đi học, em Ngọc đã có mẹ Tuyên và các anh chị trông giúp. Trước kia cuộc sống vất vả nên Hiền học chưa được tốt như các bạn. Rất may em có gia đình mới bao bọc, dạy dỗ nên đã giỏi lên rất nhiều. Sau này, Hiền ước mơ làm cô giáo dạy Văn.




 
Chị em Hiền sống hạnh phúc trong căn nhà số 9 của mẹ Tuyên, được các anh chị trong nhà bao bọc, yêu thương hết mực.
 
“Về đây, con có mẹ, có ba, có các cô, các chú, các anh chị. Ai cũng yêu thương con, chăm sóc con, lo cho con từng li từng tí. Tết này là cái Tết mà con vui nhất từ trước tới nay."  Hiền không giấu được niềm vui trước sự thay đổi của cuộc đời mình.


 
Hiền coi thầy Lương như cha. Nhờ có thầy, em đã có cuộc sống mới hạnh phúc hơn./.