Sau khi dùng súng quân dụng bắn chết 2 người ngay trước cổng nhà, đối tượng cố thủ trong biệt thự kín cổng, cao tường. Phải đến khi được nói chuyện với lãnh đạo VKSND tỉnh Nghệ An, đối tượng mới đồng ý cho “người thương thuyết” vào nói chuyện rồi mới buông súng đầu hàng.
 
“Phải có Viện kiểm sát, tôi mới nói chuyện, đầu thú”
 
Vụ án Cao Trọng Phú, 59 tuổi, trú tại xã Nghi Kim, TP Vinh (Nghệ An) dùng súng quân dụng bắn chết 2 người ngay trước cổng nhà vào 8h sáng ngày 30/4 đến bây giờ vẫn để lại ấn tượng khó quên cho mọi người. Không chỉ bởi Phú là một giang hồ cộm cán, có “số má”, từng được ví như mafia ở nước ngoài, mà bởi giây phút gã lạnh lùng chĩa súng vào ngực 2 người đến trước cổng nhà và bóp cò rồi ôm súng cố thủ trong căn biệt thự kín cổng, cao tường, xung quanh lắp đầy camera an ninh.
 
Thời khắc đó, khi 3 người đi trên một chiếc xe Jeep mang BKS 72M-7353 đến trước cổng nhà Phú, muốn vào nhà để nói chuyện mâu thuẫn trong làm ăn. Phú từ trong nhà chĩa súng ra, nhằm thẳng vào tim 2 nạn nhân Ngô Quang Hưng (43 tuổi) và Đặng Ngọc Anh (66 tuổi) nhả đạn… 2 nạn nhân gục xuống chết ngay tại chỗ.
 
 
 Ban giám đốc Công an tỉnh Nghệ An tại hiện trường.
 
Ít phút sau, chuông điện thoại của Viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An - Tôn Thiện Phương vang lên khi nhận được điện thoại của Giám đốc Công an tỉnh báo ngắn gọn, có vụ nổ súng làm chết 2 người ở xã Nghi Kim, đề nghị Viện Kiểm sát cử người đến ngay để phối hợp.
 
“Sau khi nhận điện thoại của Giám đốc Công an tỉnh, tôi quyết định thành lập ngay 1 Tổ “tác chiến” để thực hiện nhiệm vụ, do Phó viện trưởng Hồ Sỹ Cấp phụ trách. Tổ này, chia thành 2 mũi, 1 mũi cùng Công an thuyết phục đối tượng buông súng đầu hàng, 1 mũi cùng Công an khám nghiệm tử thi” - Viện trưởng Tôn Thiện Phương kể.
 
 
Kiểm sát viên VKSND tỉnh Nghệ An và các cán bộ Công an Nghệ An tại lễ trao thưởng. 
 
VKSND tỉnh Nghệ An phải khẩn cấp thành lập Tổ “tác chiến”, bởi nhận định vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, cần phân công và phối hợp nhanh, kịp thời với lực lượng Công an để đấu tranh, thuyết phục đối tượng cũng như thực hiện nghiệp vụ kiểm sát ngay tại hiện trường, thu thập hồ sơ, chứng cứ để phục vụ hoạt động kiểm sát, phê chuẩn các quyết định tố tụng sau này được kịp thời, chính xác.
 
Phó viện trưởng Hồ Sỹ Cấp cùng lãnh đạo, Kiểm sát viên phòng nghiệp vụ lên xe đến ngay hiện trường. Lúc này, hàng rào an ninh đã được thiết lập, xe bọc thép của Công an cũng đã được điều động đến hiện trường, bao vây tứ phía căn biện thự có đối tượng đang ôm súng cố thủ.
 
“Chỉ một chút manh động, sơ sẩy là đạn của đối tượng từ trong nhà có thể bắn ra bất cứ lúc nào. Giám đốc Công an tỉnh cùng lãnh đạo Viện kiểm sát và các chiến sỹ dày dạn kinh nghiệm họp nóng tại hiện trường, nhiều phương án được đặt ra, kể cả phương án tiêu diệt hung thủ khi cần thiết… Nhưng ưu tiên số 1 vẫn là an toàn cho lực lượng và người dân, nên vận động, thuyết phục đối tượng được đặt lên hàng đầu” – Viện trưởng Tôn Thiện Phương kể.
 
Qua camera an ninh, Cao Trọng Phú ngồi trong nhà biết rõ lực lượng Công an đang bao vây dày đặc phía ngoài. Điện thoại được kết nối với Phú, gã hung thủ máu lạnh này ban đầu vẫn không mảy may đồng ý buông súng đầu hàng.
 
“Sau mấy tiếng đồng hồ thuyết phục, Cao Trọng Phú đồng ý để 1 đồng chí Công an vào nhà nói chuyện, nhưng Phú yêu cầu phải có đại diện Viện kiểm sát cùng đi. Tôi chỉ đạo đồng chí Phó viện trưởng Hồ Sỹ Cấp và 1 Kiểm sát viên cùng vào nhà đối tượng với đồng chí Công an” - Viện trưởng Tôn Thiện Phương tiếp tục kể.
 
Đây chính là giây phút đầu tranh tư tưởng lớn nhất của lãnh đạo 2 cơ quan (Công an tỉnh và VKSND tỉnh Nghệ An). Nếu đối tượng manh động, hậu quả sẽ khôn lường. 
 
Phương án để Đại tá Phạm Hoài Nam – Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra đi vào thuyết phục đối tượng được ưu tiên số 1, vì Đại tá Nam dày dạn kinh nghiệm đấu tranh với các đối tượng hình sự cộm cán. Còn Viện kiểm sát, sẽ thuyết phục cho đối tượng nhìn thấy hình ảnh và nói chuyện qua điện thoại.
 
“Cuối cùng, đối tượng đồng ý nói chuyện trực tiếp qua điện thoại với đồng chí Hồ Sỹ Cấp, mục đích của đối tượng là phải được đảm bảo an toàn, từ chính lãnh đạo Viện kiểm sát”- Viện trưởng Tôn Thiện Phương cho hay.
 
Khoảng thời gian Phó viện trưởng Hồ Sỹ Cấp nói chuyện với Cao Trọng Phú chỉ kéo dài chừng 2 phút. Nhưng đây chính là 2 phút cân não, thể hiện khả năng thuyết phục, nắm bắt tâm lý đối tượng của Phó viện trưởng Hồ Sỹ Cấp, bởi việc nói chuyện với hung thủ của đại diện VKSND tỉnh Nghệ An ngoài vận động, thuyết phục đối tượng buông súng đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, còn đứng ra đảm bảo an toàn sinh mạng cho đối tượng.
 
Cả Viện trưởng Tôn Thiện Phương và Phó viện trưởng Hồ Sỹ Cấp không kể, nhưng người viết biết, Cao Trọng Phú là một đối tượng giang hồ cộm cán, lại có biểu hiện hoang tưởng, qua camera an ninh Phú thấy được tình thế, sợ bị tiêu diệt, nên muốn đại diện Viện kiểm sát cùng đi vào để đảm bảo an toàn cho đối tượng. Chỉ đến khi được nói chuyện qua điện thoại với đại diện Viện kiểm sát, được Viện kiểm sát bảo đảm đối tượng sẽ được an toàn, sẽ được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, Cao Trọng Phú mới đồng ý buông súng đầu hàng.
 
Sau khi nói chuyện với Phó viện trưởng Hồ Sỹ Cấp, đối tượng đồng ý để Đại tá Phạm Hoài Nam và bà chị gái đi vào nhà. Gần 2 tiếng đồng hồ sau, đối tượng đi cùng Đại tá Nam ra đầu hàng. Lúc này, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm” – Viện trưởng Tôn Thiện Phương nói.
 
 
Xe bọc thép được điều động để triển khai vây bắt đối tượng. 
 
Giây phút đối mặt với hung thủ của Đại tá Nam “đầu bạc
 
Đại tá Phạm Hoài Nam từng là một lính hình sự lừng danh xứ Nghệ, giang hồ lớn bé nghe tiếng đều nể sợ. Sau 5 năm ngồi “ghế nóng” Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Đại tá Phạm Hoài Nam được thử thách mình ở một vị trí mới – Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An.
 
Sáng 30/4, là dịp nghỉ lễ, nhưng nhận tin nóng, Đại tá Nam đến ngay hiện trường, cùng Ban giám đốc bàn các phương án vận động, thuyết phục đối tượng. Với Cao Trọng Phú, bao năm lăn lộn đánh án, Đại tá Nam không lạ gì Phú, Phú cũng không lạ gì Đại tá Nam, với biệt danh Nam “đầu bạc”, Nam “long”. 
 
Đại tá Nam quyết định và xin ý kiến Ban giám đốc được nói chuyện với Phú. Đúng như dự tính, khi vừa xưng tên, ở trong nhà Phú hồi đáp đã nghe danh và muốn được nhìn thấy mặt. Khi nhận ra đúng Đại tá Nam “đầu bạc”, đối tượng đồng ý để Đại tá Nam đi vào nhà.
 
Dẫu trước đó Phú yêu cầu phải có đại diện Viện kiểm sát, nhưng sau khi được thuyết phục, Phú đồng ý để Đại tá Nam một mình đi vào cùng người chị gái của Phú.
 
Không cảnh phục, không vũ khí, Đại tá Nam bình tĩnh đi vào nhà hung thủ, không quên làm động tác cho Phú thấy trên người Đại tá Nam không một tấc sắt. Đối mặt với Phú, tại phòng khách, Đại tá Nam thong dong, điềm tĩnh cùng hút thuốc thuyết phục kẻ vừa dùng súng bắn chết 2 người.
 
Hơn 1 tiếng rưỡi đồng hồ trong nhà hung thủ, Đại tá Nam “đầu bạc” đã thuyết phục được Phú tự nguyện giao nộp súng đạn. Không những thế, còn cư xử với hung thủ rất tình người, khi để cho Cao Trọng Phú được tắm rửa, được ăn mì tôm, hút xì gà để ổn định tâm lý trước khi ra đối diện với pháp luật.
 
Viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An Tôn Thiện Phương cho biết, hiện đơn vị đã làm hồ sơ đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao khen thưởng đột xuất cho tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong vụ trọng án nêu trên, nhất là cá nhân Phó viện trưởng Hồ Sỹ Cấp đã có thành tích cùng lực lượng Công an vận động, thuyết phục đối tượng buông súng đầu hàng.
 
Ngày 3/5, VKSND tỉnh Nghệ An đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam 4 tháng đối với Cao Trọng Phú về tội “Giết người” theo khoản 1, Điều 123, Bộ luật Hình sự.
 
Đến nay, sau khi giám định khẩu súng Cao Trọng Phú dùng để bắn chết 2 người là súng quân dụng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố thêm tội danh "Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng" đối với Cao Trọng Phú theo Điều 230 Bộ luật Hình sự./.