Chiều 7/10, ông Vừ Nỏ Dềnh - Chủ tịch UBND xã Tây Sơn, Kỳ Sơn, Nghệ An cùng đoàn cán bộ xã bắt đầu di chuyển từ thị trấn Mường Xén trở về xã. Trên lưng các cán bộ, công an xã Tây Sơn là những thùng mì, tải gạo, chai nước mắm, dầu ăn... Cung đường chỉ dài hơn 12km nhưng dự tính phải chiều tối đoàn mới về đến nơi.

1-1665211561.jpg
Xã vùng sao Tây Sơn (Kỳ Sơn, Nghệ An) chịu ảnh hưởng mưa lũ do hoàn lưu bão số 4 khiến nhà dân, công trình giao thông bị hư hại (Ảnh: Thuận Thắng).

Để vào xã Tây Sơn chỉ có một tuyến đường độc đạo mà do ảnh hưởng cơn bão số 4, trên địa bàn có mưa lớn, kéo dài những ngày qua dẫn đến tình trạng sạt lở núi vùi lấp. Xã vùng cao này bị cô lập với thị trấn Mường Xén. Có 6 bản bị ảnh hưởng bởi mưa và sạt lở núi, trong đó, nặng nề nhất là các bản Huồi Giảng 1, Huồi Giảng 2 và Huồi Giảng 3.

"Do đặc điểm dân cư và địa hình nên trên địa bàn rất ít hàng quán, người dân cũng ít tích trữ lương thực, thực phẩm mà thường ra thị trấn mua về. Đường bị sạt lở, mọi giao thương đều bị gián đoạn, người dân phải cắt đường rừng để ra thị trấn mua lương thực. Tuy nhiên, có nhiều hộ dân không có phương tiện, không có nhân lực, dẫn tới tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm cục bộ", ông Vừ Nỏ Dềnh thông tin.

2-1665211589.jpg
Mưa lớn kéo dài khiến tuyến đường độc đạo nối thị trấn Mường Xén bị sạt lở, vùi lấp, xã Tây Sơn huy động tổng lực để khắc phục (Ảnh: T.T).

Trước tình hình đó, UBND xã Tây Sơn huy động các lực lượng cùng nhân dân địa phương tu sửa, khai thông tuyến đường độc đạo nối với thị trấn Mường Xén. Từ 4/10, xã Tây Sơn tổ chức đoàn ra thị trấn nhận, vận chuyển lương thực, thực phẩm thiết yếu về phân phát cho các hộ dân bị thiếu đói hay hoàn cảnh khó khăn tại 6 bản.

"Đường sạt lở, vùi lấp bởi một lượng đất đá lớn, không phương tiện nào có thể di chuyển được. Đoàn phải đi bộ cắt rừng, bình thường mất khoảng hơn 30 phút thì nay phải nhiều tiếng mới đến nơi", ông Dềnh cho hay.

3-1665211609.jpg
Đã 5 ngày sau trận lũ quét, tuyến đường này vẫn chưa thể thông xe (Ảnh: T.T).

Vị chủ tịch xã này cũng là "thành viên cứng" của đoàn đi nhận hàng cứu trợ của địa phương. Cùng với ông Dềnh còn có 9 cán bộ, công chức của xã được huy động cho nhiệm vụ đột xuất này. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ của 5 cán bộ công an xã và một số người dân.

Thiếu tá Và Bá Chớ - Trưởng Công an xã Tây Sơn cho biết: "Đường xa, trèo đèo, lội suối băng qua lũ nên anh em không gùi được nhiều, ưu tiên mang mì tôm, nước đóng chai, sữa và một số loại thuốc thông dụng, còn gạo chỉ cõng vào được ít thôi. Mỗi ngày chỉ có thể đi được một chuyến rồi về phân phát cho bà con, giải quyết vấn đề trước mắt".

4-1665211632.jpg
Công an xã Tây Sơn vượt núi gùi lương thực về hỗ trợ người dân đang bị cô lập do giao thông chia cắt trong mưa lũ (Ảnh: T.T).

Để thuận tiện trong việc vận chuyển, các thành viên của đoàn phải "chế" gùi để chất hàng hóa. Sau 3 ngày đi gùi hàng, trầy trật trên con đường dốc, đôi vai của Thiếu tá Chớ và các đồng đội bị dây thừng thít chặt, bầm tím.

"Mệt lắm, nhưng nghĩ đến cảnh bà con không bị đói, không bị đứt bữa để dấn bước", Thiếu tá Chớ nói.

Đến chiều tối 7/10, cán bộ và nhân dân xã Tây Sơn vẫn đang nỗ lực san sửa, giải phóng số đất đá vùi lấp để thông đường. Theo ông Vừ Nỏ Dềnh, thời điểm này, một số điểm đã có thể di chuyển bằng xe máy.

5-1665211654.jpg
Quãng đường hơn 12km nhưng giao thông chia cắt khiến cán bộ xã và công an vất vả trong việc vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm từ thị trấn về xã (Ảnh: T.T).

"Người dân muốn ra thị trấn phải đi theo nhóm 3-4 người để hỗ trợ nhau vác, đẩy xe máy qua những đoạn đường còn bị vùi lấp. Huy động cán bộ, chiến sĩ vượt núi gùi thực phẩm tiếp tế cho người dân chỉ là giải pháp tình thế trước mắt thôi, quan trọng là phải thông đường mới có thể sử dụng xe cơ giới ra nhận hàng cứu trợ về xã", ông Vừ Nỏ Dềnh thông tin./.