Sau những hậu quả nghiêm trọng từ cơn bão số 3 tại miền Bắc, trước khi bão số 4 đổ bộ, các tỉnh miền Trung nâng cấp độ cảnh báo cho những khu vực trũng. Các vùng có nguy cơ sạt lở đã được di dời. Tại những khu vực có gió mạnh, người dân đang tích cực chằng chống nhà cửa và neo giữ tàu thuyền, với phương châm an toàn luôn được đặt lên hàng đầu.

54-1726717492.PNG
Dự báo đường đi và vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão số 4.

Tại Nghệ An, từ ngày 17/9 đến sáng 19/9 mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa từ ngày 17/9 đến 7h ngày 18/9 phổ biến từ 50mm đến 100mm, có nơi cao hơn như TP Vinh 182mm, Cửa Hội 128mm…

Đến thời điểm hiện tại, không có tàu, thuyền nằm trong khu vực nguy hiểm. Tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được thông báo về vị trí. Lực lượng chức năng chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc neo đậu tàu, thuyền, bảo đảm an toàn khi bão số 4 đổ bộ.

Hệ thống hồ chứa thủy lợi, thủy điện đã sẵn sàng các phương án khi cần thiết. Các diện tích lúa đã đến kỳ thu hoạch đang được các địa phương tập trung thu hoạch với phương châm "xanh nhà hơn già đồng". Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 59.360 ha/ 76.481 ha lúa Hè Thu, gieo trồng hơn 6.500 ha cây vụ Đông. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 20.478 ha. Có 4.013 lồng, bè, dàn… UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo tuyệt đối không để người dân ở trên lồng bè khi có bão, mưa lũ.

Đáng lo ngại, trong thời gian vừa qua, dù không nằm trong tâm bão nhưng tỉnh Nghệ An vẫn chịu tác động khá nặng nề. Nghệ An xảy ra mưa lớn cục bộ tại một số huyện miền núi, nguy cơ sạt lở khi tiếp tục có mưa là rất lớn. Diễn biến thời tiết những ngày qua tại địa bàn miền núi không thuận lợi, mưa lớn gây nên tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại nhiều tuyến, nhiều điểm.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các địa phương, cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ, đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra, khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu.

Nghiêm cấm người dân đánh bắt cá, vớt củi trên sông, suối khi có mưa lũ hoặc di chuyển vào vùng ngập lũ, hạ du các hồ, đập. Có phương án đảm bảo an toàn cho các đối tượng dễ bị tổn thương tại các khu vực bị ngập lụt. Đồng thời, sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng, chống ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp.

"Tập trung kiểm tra, rà soát, đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu. Bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu", ông Nguyễn Văn Đệ yêu cầu.

Theo suckhoedoisong.vn