UBND tỉnh Nghệ An vừa tiến hành họp với các bên liên quan để đưa ra các yêu cầu xử lý môi trường đối với trang trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH Đại Thành Lộc, đóng trên địa bàn xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn vừa bị người dân kịch liệt phản đối vì gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ô nhiễm kéo dài, người dân bức xúc
Nhiều năm qua, người dân tại các xóm Phong Sơn, Bắc Sơn và đặc biệt là xóm Tràng Đen, xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An rất bức xúc, kêu cứu khi cho rằng, một trang trại lợn hàng ngàn con xả nước thải gây ô nhiễm, khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một ống nước thải từ trại lợn của Công ty TNHH Đại Thành Lộc
Được biết, trạng trại lợn nói trên của Công ty TNHH Đại Thành Lộc đóng chân tại đầu nguồn đập Tràng Đen. Hơn 10 năm hoạt động, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, trang trại lợn giống này liên tục bị người dân phản ánh là xả thải gây ô nhiễm.
Cụ thể, nguồn nước thải từ việc chăn nuôi của trang trại này nhiều năm qua đã “âm ỉ” xả xuống đập Tràng Đen – Nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cũng như tưới tiêu cho hàng trăm héc ta đất canh tác nông nghiệp của người dân trong vùng. Hồ này trước đây nước trong xanh nhưng nay trở thành hồ nước chết, ô nhiễm nghiêm trọng.
Một hố chứa nước thải có màu đen, bốc mùi hôi thối
Cũng theo người dân phản ánh, khi chưa có trại lợn, toàn bộ người dân ở hạ nguồn đều sử dụng nước từ hồ để sinh hoạt. Nhưng những năm trở lại đây, vì nguồn nước ô nhiễm nên bà con phải bỏ giếng đào, đầu tư làm giếng trời hứng nước mưa hoặc khoan giếng để lấy nước sử dụng.
Váng phân lợn nổi lềnh bềnh
Lấy nước trời thì phải phụ thuộc vào mùa, còn khoan giếng để lấy thì cũng không yên tâm, bởi nhiều tháng trở lại đây, nước giếng khoan có màu khác lạ, dùng nước tắm rất ngứa ngáy, khó chịu. “Ở đây ô nhiễm lắm. Nhất là thời gian gần đây do trời ít mưa nên tình trạng càng trở nên tồi tệ, ruồi nhặng thì xuất hiện ngày càng nhiều, mùi hôi thì rất kinh khủng” – Anh Hùng, nhà gần trại lợn ngán ngẩm.
PV cùng người dân vào khu vực hồ chứa nước thải của trại lợn
Phản ánh, kiến nghị nhiều không có chuyển biến, như “giọt nước tràn ly”, vào sáng ngày 09/8/2020 vừa qua, hàng trăm hộ dân đã đã kéo ra hồ Tràng Đen rồi kéo nhau đi bộ ngược nguồn nước lên trước trại chăn nuôi heo giống siêu nạc Nam Hưng (thuộc Công ty TNHH Đại Thành Lộc, xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn) để phản đối việc xả thải gây ô nhiễm nguồn nước.
“Chúng tôi kiến nghị nhiều lần nhưng không được giải quyết dứt điểm, việc chúng tôi kéo lên trại lợn là để gây áp lực, chứ không có ý gây rối gì cả. Chúng tôi mong muốn, trại lợn chuyển đi chỗ khác, nếu cứ thế này dân chúng tôi không sống được” – Ông Phúc người dân xóm Tràng Đen bức xúc.
Hồ đập Tràng Đen nằm phía dưới trại lợn đang bị ô nhiễm
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Xuân - Chủ tịch UBND xã Nam Hưng cho biết, phản ánh của người dân về trại lợn của Công ty Đại Thành Lộc gây ô nhiễm là có cơ sở. “Hồ Tràng Đen tích tụ, lắng đọng xuống phía dưới gây ô nhiễm. Còn về ban đêm, dân xung quanh phản ánh bị ngột ngạt về mùi hôi từ trang trại nuôi lợn của Công ty TNHH Đại Thành Lộc”.
Chỉ đạo xử lý dứt điểm
Liên quan đến việc giải quyết vấn đề về môi trường tại Trang trại lợn giống siêu nạc của Công ty TNHH Đại Thành Lộc nói trên bị người dân phản ánh gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Vào chiều ngày 10/8 vừa qua, ông Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã chủ trì cuộc họp giữa các bên liên quan. Tại cuộc họp này, sau khi xem xét các ý kiến liên quan, ông Vinh yêu cầu Công ty Đại Thành Lộc khẩn trương khắc phục các tồn tại về bảo vệ môi trường của trang trại theo kết quả kiểm tra sơ bộ của Sở TNMT ngày 04/8/2020 vừa qua.
Hàng trăm người dân kéo đến phản đối Công ty TNHH Đại Thành Lộc gây ô nhiễm
Theo kết quả kiểm tra của Sở TNMT tỉnh Nghệ An ngày 04/8 cho thấy, trang trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH Đại Thành Lộc có bạt HDPE chống thấm của hồ lắng bị rách nhiều chỗ, trong trường hợp khi nước thải ngập lên có khả năng bị thấm ra gây ô nhiễm môi trường đất, nước; mương dẫn nước thải từ hồ lắng sau biogas chảy về bể bổ sung hóa chất có hiện tượng rò rỉ nước thải ra mương thoát nước mặt; xác lợn chết chôn lấp không đúng quy định, việc xử lý mùi tại trang trại chưa đảm bảo.
Ô nhiễm kéo dài không được khắc phục là nguồn cơn gây nên bức xúc của người dân
Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Công ty Đại Thành Lộc thay thế bạt tại hồ lắng nước thải, nâng cao thành hồ lắng; thay mương xi măng dẫn nước thải bằng đường ống nhựa PVC, lắp đặt thêm các hệ thống xử lý mùi tại các chuồng trại; có biện pháp ngăn nước mưa từ khu vực xung quanh chảy vào trang trại, hoàn thành trước ngày 18/8/2020 tới.
Bên cạnh đó, Trang trại lợn của Công ty TNHH Đại Thành Lộc nghiên cứu thay đổi hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ mới, đảm bảo tuần hoàn tái sử dụng 100% nước thải sau hệ thống xử lý, hoàn thành trước ngày 15/12/2020 tới.
Nguồn nước các hố thải của Công ty TNHH Đại Thành Lộc không đảm bảo yêu cầu dẫn đến nước thải rò rỉ ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm
Trong thời gian khắc phục các tồn tại, Công ty Đại Thành Lộc phải giảm đàn lợn phù hợp với quy mô, công suất và đáp ứng hệ thống xử lý nước thải hiện có.
Trao đổi với PV, ông Hồ Sỹ Dũng – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An, cho biết, sau khi nhận được phản ánh về tình rạng gây ô nhiễm môi trường tại trại lợn của Công ty TNHH Đại Thành Lộc thì đầu tháng 8 vừa qua đơn vị đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu quan trắc tổng thể đơn vị này kéo dài trong nhiều ngày. Kết quả cụ thể và đầy đủ khoảng giữa tháng 8/2020 sẽ được công bố để có cơ sở xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Cổng vào trang trại nuôi lợn của Công ty TNHH Đại Thành Lộc - Nơi xảy ra nhiều "tai tiếng" trong suốt vài tháng qua
Được biết, cũng liên quan đến Công ty TNHH Đại Thành Lộc, mới đây Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An vừa xử phạt số tiền 13 triệu đồng do công ty này chưa có Giấy chứng nhận vệ sinh thú y theo quy định. Ngoài ra, vào giữa tháng 7 năm 2020 có nhiều chủ trang trại nuôi lợn là khách hàng mua lợn giống của đơn vị này cũng có đơn tố cáo Công ty TNHH Đại Thành Lộc bán lợn giống bị nhiễm bệnh tai xanh cho khách hàng, sau đó lợn bị chết nhiều gây thiệt hại lớn nhưng không chịu đền bù khiến những khách hàng này hết sức bất bình.