a-1654435725.jpg
Tàu cá của ông Hoàng Văn Quyết bị cháy trên biển (Ảnh do ngư dân cung cấp)

Mua bảo hiểm nhưng không được bồi thường

12,7 tỷ đồng, là số tiền ông Phan Văn Khuyên (phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) vay ngân hàng từ năm 2016 để đóng tàu cá 812 mã lực. Rất không may cho ông Khuyên, vào ngày 5/10/2019, khi tàu đang trở về đất liền, sau một chuyến đánh bắt dài ngày thì bị cháy và sau đó chìm nghỉm. Nhờ có tàu bạn kịp thời cứu hộ nên toàn bộ thuyền viên đều thoát nạn. Cơ quan chức năng đã xác nhận vụ cháy, đồng thời ông Khuyên cũng đã thuê tàu tìm kiếm suốt 3 ngày để trục vớt con tàu bị cháy nhưng không có kết quả.

Ông Khuyên trình báo với bảo hiểm PJICO - đơn vị mà ông đã mua bảo hiểm với số tiền gần 47 triệu đồng/năm để được bồi thường. Tuy nhiên, ông bị bảo hiểm này thẳng thừng từ chối, lí do là thiết bị giám sát hành trình trên tàu không hoạt động kể từ ngày 21/7/2019.

Ông Khuyên rất bức xúc: “Chúng tôi được Chi cục thuỷ lợi Nghệ An lắp miễn phí thiết bị giám sát hành trình từ ngày 11/6/2019. Đây là đợt lắp thí điểm theo quy định của Luật Thuỷ sản và Nghị định 26. Chúng tôi cũng nghe nói là thiết bị Movinar này đã qua sử dụng rồi và do Tổng cục Thuỷ sản cấp về. Từ khi lắp, chúng tôi cũng không biết nó có hoạt động hay không, vì bằng mắt thường thì không ai biết được”.

Theo ông Khuyên, ông không chấp nhận lí lẽ của bảo hiểm JPICO nên đã khởi kiện ra TAND thị xã Hoàng Mai và đang chờ được Toà phân xử. Ông nói trong buồn bã: “Tôi phải cầm cố sổ đỏ của gia đình và người thân để vay ngân hàng đóng tàu. Tính đến thời điểm này dư nợ ngân hàng đang là 7,6 tỷ đồng. Nếu bảo hiểm từ chối bồi thường, thì toàn bộ tài sản thế chấp sẽ bị phát mại, thế là chúng tôi không những trắng tay mà còn lâm vào nợ nần, không biết đến bao giờ mới trả hết”.

Cùng ở phường Quỳnh Phương, ông Hoàng Văn Quế cũng vay mượn để đóng tàu cá 822 mã lực để đánh bắt xa bờ và cũng mua bảo hiểm PJICO. Khi đang kéo lưới trên biển vào ngày 14/1/2020, thì sự cố chập điện gây ra vụ cháy trên tàu. Con tàu bị chìm, ông Quyết và 7 thuyền viên thoát chết khi có tàu bạn đến cứu kịp thời. Vụ cháy tàu đã được cơ quan chức năng điều tra kỹ lưỡng, kết quả rõ ràng.

Thế nhưng bảo hiểm PJICO vẫn từ chối với lí do: “thời điểm ông Hoàng Văn Phi (máy trưởng của tàu) được cấp chứng chỉ máy trưởng tàu cá hạng tư năm 2013, độ tuổi theo chứng minh Nhân dân của ông Phi không phù hợp với điều 8, quyết định số 77 ngày 30/6/2008 của Bộ NN-PTNT, hết hiệu lực ngày 1/1/2019”.

Cũng như ông Khuyên, ông Quyết rất bức xúc với hành xử của phía bảo hiểm. Ông buồn bã nói: “Ngư trường đánh bắt thì ngày một thu hẹp, khó khăn. Tính đến nay, gia đình tôi còn nợ ngân hàng 8,5 tỷ đồng. Nếu bảo hiểm không bồi thường, thì chúng tôi trở thành con nợ khủng”.

b-1654435754.jpg
Các ngư dân trên tàu cá của ông Lê Bá Nam (xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai) được cứu sống khi tàu bị cháy, nhưng bị bảo hiểm từ chối bồi thường (ảnh do người dân cung cấp)

Ngư dân sẽ kiệt sức

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn thị xã Hoàng Mai có 10 người là chủ của tàu cá bị cháy, bị bảo hiểm từ chối bồi thường, trong đó có cả tàu cá được đóng theo Nghị định 67.

Phó Chủ tich Hiệp hội nghề cá xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai - ông Lê Bá Kỳ cũng bực bội không kém: “Riêng xã Quỳnh Lập có 8 tàu cá loại lớn bị cháy có mua bảo hiểm từ hai công ty bảo hiểm, nhưng bị từ chối bồi thường. Lí do phía bảo hiểm đưa ra là tàu đánh bắt ở vùng lộng, ngoài phạm vi cho phép; thiết bị giám sát hành trình không hoạt động; máy trưởng trên tàu thiếu chứng chỉ…”.

Mang nỗi niềm buồn bã và bức xúc của một số ngư dân đi gặp phía bảo hiểm, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Lê, Giám đốc Công ty bảo hiểm PJICO Nghệ An trả lời: “Các trường hợp bị từ chối bồi thường, công ty căn cứ theo kết quả điều tra, xác minh của đơn vị giám định độc lập. Chúng tôi không thể tự ý đưa lý do từ chối bồi thường mà không có cơ sở. Nếu chủ tàu không đồng tình, họ có quyền khởi kiện ra tòa và chúng tôi sẽ theo kết quả của tòa án để thực hiện”.

Trong lúc đó, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An Nguyễn Chí Lương, cho biết: Hạn chế lớn nhất hiện nay của nhiều ngư dân là, dù đã mua bảo hiểm, nhưng chủ quan, không hiểu biết nhiều về các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm nên khi xảy ra rủi ro, họ bị từ chối bồi thường và rơi vào tình cảnh rất khó khăn. 

“Mấy năm qua, ngư dân rất khổ vì sản lượng đánh bắt sụt giảm, giá hải sản thấp do dịch Covid-19, nhưng giá dầu và chí phí đi biển lại quá cao, khiến rất nhiều tàu bị thua lỗ kéo dài, nhưng sự hỗ trợ từ Nhà nước lại không có. Nếu gặp thêm rủi ro cháy tàu nữa thì họ thực sự bị kiệt sức”, ông Lương chia sẻ với ngư dân.../.