"Nhân viên thu hồi nợ" còn đăng ảnh giáo viên trường lên mạng vu khống là ổ mại dâm.
Gửi bình gas dọa đốt trường để đòi nợ
Cuối tháng 11 vừa qua, Ban giám hiệu Trường tiểu học Trung Đô, TP Vinh (Nghệ An) đã gửi đơn đến cơ quan công an về việc tập thể giáo viên nhà trường bị vu khống trên mạng xã hội là "ổ mại dâm, việc dạy học chỉ là phụ". Đây là lần thứ "n" giáo viên trường này khốn đốn với những "nhân viên thu hồi nợ".
"Trước đây, hắn gọi liên tục hết cuộc này đến cuộc khác - cô giáo Phan Thị Hồng Mai, hiệu trưởng nhà trường, cho hay - Tôi không nghe máy thì hắn gọi cho cả chồng tôi ở nhà để đòi nợ. Mà tôi có nợ ai mô? Giáo viên trong trường cũng không nợ.
Nhưng hắn cứ đòi! Hắn hết dọa nạt rồi chửi bới! Chúng tôi không tắt điện thoại vì còn công việc, mà hắn gọi cho không khi nào yên!".
Cuộc gọi đầu tiên vào hồi tháng 3, một người giọng miền Nam gọi vào số máy cô Mai với giọng "Chị Nguyễn Thị Hường (đã được đổi tên) có phải là nhân viên chị không? Có hay không? Tại sao không trả nợ?...".
Cô Mai phân trần đúng là có chị Hường giáo viên trường, nhưng cô hiệu trưởng không ký bất cứ giấy tờ gì liên quan vay mượn của cô Hường. Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Hường mới sinh con đầu lòng. Cô Hường trẻ, gia đình khá giả, vợ chồng có nhà lầu, xe hơi, công việc ổn định và chưa phải vay mượn ai bao giờ.
Cô Hường cũng không hề vay mượn trên app điện thoại hay bất cứ ngân hàng, tổ chức tín dụng nào. Cô cũng không hiểu tại sao những người tự xưng là "nhân viên thu hồi nợ" lại có số điện thoại và gọi điện "khủng bố" cả lãnh đạo lẫn tập thể giáo viên trong trường như vậy.
Trước kỳ nghỉ hè, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An đã ra văn bản gửi cơ quan công an về việc hàng loạt cơ sở giáo dục và giáo viên trong tỉnh bị gọi điện khủng bố dù không vay tiền. Các cuộc gọi đòi nợ đến Ban giám hiệu Trường tiểu học Trung Đô thưa thớt dần.
Thế nhưng chỉ được ba bảy hai mốt ngày, một vài nhóm mạng xã hội lại xuất hiện ảnh và những lời vu khống cả tập thể giáo viên trường này là ổ mại dâm. Cô Mai vừa bức xúc vừa xấu hổ với đồng nghiệp, với phụ huynh học sinh, chỉ biết gửi đơn sang cơ quan công an mong được giải oan.
Bà Hoàng Phương Thảo - trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Vinh (Nghệ An) - đếm sơ sơ có hơn 30 trường trong thành phố bị đòi nợ như khủng bố. Từ bà Thảo cấp dưới cho đến giáo viên các trường THPT, THCS cho đến cấp tiểu học, mầm non không trường nào không bị đòi nợ.
Có điều chỉ một vài giáo viên có vay nợ, số còn lại nguyên tập thể bị đòi nợ, vu khống, đe dọa chỉ vì một người quen nào đó của thầy, cô giáo vay nợ.
Cô Phạm Thị Trường Giang, hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Mao - TP Vinh, cho hay mới đầu chúng gọi điện khủng bố hiệu trưởng, ban giám hiệu mặc dù cán bộ, giáo viên trường không ai vay nợ.
"Chúng mạo danh phụ huynh học sinh vu khống giáo viên đánh đập học sinh rồi chửi bới, lăng mạ. Sau đó, chúng mới lộ rõ ý đồ là đòi nợ em chồng của một giáo viên trong trường".
Cô Giang bị những "nhân viên thu hồi nợ" ghép ảnh chân dung vào ảnh bàn thờ nghi ngút khói hương.
Có buổi cả trường đang giờ học thì có hai đại lý chở hai bình gas đến. Nhân viên chở gas cũng ngơ ngác vì chỉ biết có "giáo viên trong trường gọi gas". Vài phút sau, hiệu trưởng nhận tin nhắn dọa đốt trường nếu không giục... em chồng một giáo viên trong trường trả nợ.
Xin nghỉ việc vì áp lực cuộc gọi đòi nợ
Chị Lê Thị Hoa (đã được đổi tên) từng là giáo viên một trường mầm non ở Vinh, nay đã nghỉ việc. Chị cho hay năm 2014, có vay tín chấp công ty tài chính F 15 triệu đồng để sửa nhà.
Hợp đồng thời hạn hai năm nhưng chỉ trong một năm chị đã trả hết cả gốc và lãi. Ba năm sau (2017), tự dưng có người xưng là "nhân viên thu hồi nợ của công ty F" gọi điện yêu cầu chị trả số tiền 6 triệu đồng.
Chị Hoa xác nhận lại với tổng đài của công ty F là hợp đồng đã tất toán nhưng các cuộc gọi đòi nợ tiếp tục dội tới. Không chỉ chị Hoa mà lần lượt những người thân của chị bị gọi điện quấy rối.
"Họ gọi liên tục! Mới đầu nói khoản nợ của tôi còn 6 triệu đồng, sau tăng lên 10 triệu đồng. Tôi yêu cầu đến gặp trực tiếp để giải quyết nhưng không ai đến. Tôi lên chi nhánh công ty làm việc cũng xác nhận khoản nợ của tôi đã tất toán rất lâu rồi! Gần đây thì họ lại gọi điện thông báo khoản nợ của tôi lên tới 100 triệu đồng!" - chị Hoa bức xúc.
Không những quấy rối người thân, "nhân viên thu hồi nợ" tấn công điện thoại nhà trường nơi chị Hoa dạy học. Họ gọi điện đe dọa, chửi bới, cắt ghép ảnh, dán tờ rơi vu khống trên cột điện... Cuộc sống, công việc của cả trường bị đảo lộn vì những cuộc gọi bất kể giờ giấc.
Quá áy náy với đồng nghiệp, chị Hoa xin nghỉ ở mái trường chị đã gắn bó hơn chục năm. Giáo viên trong trường vẫn tiếp tục bị gọi điện đòi nợ cho đến khi phải đăng thông báo cô Hoa đã nghỉ việc lên trang Facebook của nhà trường mới tạm yên.
Ông Nguyễn Trọng Bé, trưởng phòng chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, cho hay ở năm học trước (khoảng từ tháng 3 đến tháng 5-2022) hàng loạt cán bộ giáo dục, hiệu trưởng, giáo viên trong tỉnh bị đòi nợ vô cớ.
Ngay cả lãnh đạo sở cũng bị "nhân viên thu nợ" gọi điện lăng mạ, dọa nạt, yêu cầu cấp dưới trả tiền. Sở đã ra văn bản gửi Công an tỉnh và các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh, đề nghị giáo viên không được vay tiền qua app hay các công ty tài chính thiếu uy tín.
Thời gian gần đây, khi phóng viên báo Tuổi Trẻ tìm hiểu thì cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Vinh, nhiều hiệu trưởng ở thành phố này vẫn tiếp tục bị đòi nợ như "khủng bố".
Một hiệu trưởng trường THCS ở huyện Tân Kỳ, Nghệ An cho hay cô và các đồng nghiệp trong trường bị gọi điện đe dọa, yêu cầu một giáo viên trong trường trả nợ ngay!
Tuy nhiên khi xác minh lại, các giáo viên đều cam kết không hề vay mượn bất kỳ app hay tổ chức tín dụng nào.
Đặc biệt, không dừng ở đó, con gái cô hiệu trưởng đang học tại Hà Nội cũng bị một nick lạ nhắn tin "Em đang ở Bệnh viện Y học cổ truyền đúng không? Đi đứng nhìn trước ngó sau vào, đang đi mà bị té có sứt mù đui mẻ thì không phải do lính anh làm đâu. Cảnh báo đến cả lò nhà mày!".
Hiệu trưởng Trường THPT Mường Quạ (huyện Con Cuông, Nghệ An) bị nhân viên "thu hồi nợ" mạo danh hai giáo viên trong trường vu khống trên Facebook là chèn ép giáo viên, ăn chặn tiền lương.
Ban giám hiệu, Ban chấp hành Công đoàn đã phải họp để làm rõ những nội dung bịa đặt trên và gửi đơn đến cơ quan chức năng.
Nguyên nhân của sự việc do em gái của một giáo viên trường đang sinh sống tại Thanh Hóa vay nợ của công ty F số tiền 53 triệu đồng từ năm 2020.
Hợp đồng có thời hạn 4 năm, tổng số tiền gốc, lãi 130 triệu đồng, mỗi tháng góp 2,7 triệu đồng.
Từ khi giãn cách vì dịch bệnh COVID-19, gia đình người này gặp khó khăn nên bị trả chậm. Vì thế, ngoài chị gái là cô giáo Lô Thị A., cả hiệu trưởng và nhiều giáo viên khác cũng bị vạ lây.
Con trai lớn tuổi, đã có gia đình riêng, tự vay nợ. Nhưng người mẹ già gần 80 tuổi không liên quan gì lại bị đòi nợ như dồn đường cùng đến mức phải bán nhà, thậm chí tự tử.
Kỳ tới: Con nợ, mẹ già tự tử
Theo Vũ Tuấn - tuoitre.vn