Tồn tại qua hàng trăm năm, cây sanh Hàm Rồng ở xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương không chỉ....
Tồn tại qua hàng trăm năm, cây sanh Hàm Rồng ở xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương không chỉ là một "tác phẩm thiên nhiên" độc đáo, mà còn là chứng tích hy sinh của các Anh hùng liệt sỹ trong kháng chiến.
Tọa lạc bên bờ sông Trai, cạnh đường liên xã (xóm 1, xã Thanh Hương), cây sanh cổ thụ trải qua hàng trăm năm tuổi vẫn xanh tươi, tỏa bóng râm mát trên một ngôi đền cổ. Ảnh: Huy Thư
Cây sanh mọc trên một khối đá lớn giống cái hàm rồng nên người dân địa phương gọi là cây sanh Hàm Rồng. Ảnh: Huy Thư
Thân cây cao lớn với nhiều nhánh cây uốn lượn quanh co . Ảnh: Huy Thư
Hình thế của cây sanh vô cùng to lớn, nhìn từ góc độ nào cũng cảm thấy kỳ vĩ, đồ sộ. Ảnh: Huy Thư
Gốc sanh chính phân thành 2 nhánh, mỗi nhánh có chu vi bằng mấy người ôm. Cụ Võ Nghi (88 tuổi) - một người dân trong vùng cho biết, khi cụ mới 7, 8 tuổi đã thấy cây sanh to lớn như bây giờ. Ảnh: Huy Thư
Rễ cây bám chắc vào khối đá, lớp lớp đan xen nhau tạo thành một mạch lưới sống ôm lấy khối đá từ bao đời nay. Ảnh: Huy Thư
Theo người dân địa phương, sau những trận bão lớn, cây sanh Hàm Rồng bị nhiều thương tích, nhưng sau đó, trên những nhành cây bị gãy lại mọc lên những nhành sanh mới. Ảnh: Huy Thư
Rễ cây từ trên cành cao phóng xuống tỏa ra các hướng cắm vào đất đá tạo nên hệ thống thân - rễ vững chắc giúp cây sanh vượt qua gió bão. Ảnh: Huy Thư
Trên những cành sanh vươn tỏa mạnh mẽ với muôn hình dạng, ngoài hệ thống rễ cây bao phủ còn có các loài phong lan, dương xỉ... sống cộng sinh. Ảnh: Huy Thư
Cây sanh tỏa bóng mát cho ngôi đền cổ Hàm Rồng được xây dựng từ thời xa xưa. Theo các tài liệu lịch sử địa phương, những năm chống Pháp, cây sanh Hàm Rồng là nơi treo cờ búa liềm cổ vũ đấu tranh. Đền Hàm rồng từng là cơ sở sản xuất của xưởng hóa chất Tôn Thất Cung thuộc Sở Quân giới Liên khu 3 - 4 với nhiệm vụ chủ yếu là sản xuất thuốc nổ để nhồi đạn súng trường và lựu đạn. Năm 1947, tại đây đã xảy ra 2 vụ nổ lớn. Đặc biệt, vụ nổ vào tháng 7/1947 đã khiến 8 anh hùng liệt sỹ đã hy sinh, ngôi đền bị đổ sập. Năm 2012, người dân địa phương đã quyên góp dựng ngôi đền nhỏ dưới cây sanh để thờ tự. Ảnh: Huy Thư
Tồn tại qua hàng trăm năm với sức sống mạnh mẽ, bền bỉ, cây sanh Hàm Rồng là chứng tích của nhiều sự kiện lịch sử, là niềm tự hào của người dân địa phương. Thời gian qua, cây sanh cổ thụ được chính quyền và người dân ở đây gìn giữ, bảo vệ như một tài sản quý. Hiện xã Thanh Hương đã ban hành quyết định thành lập tổ công tác phục vụ cho việc tổng hợp hồ sơ về ngôi đền cổ gắn với cây sanh cổ thụ, nơi có 8 liệt sỹ hy sinh, tiến tới làm văn bản trình cấp trên xin phục dựng lại ngôi đền và đề nghị công nhận di tích lịch sử. Ảnh: Huy Thư