Muôn chiêu lừa đảo
Ngày 18/3/2022, Công an huyện Diễn Châu cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố đối tượng Hoàng Ngọc Hạnh, SN 1996, trú tại xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo kết quả điều tra ban đầu, mặc dù có nhân thân xấu, không nghề nghiệp ổn định nhưng Hạnh vẫn hứa hẹn quen biết một số người có khả năng lo việc “chạy án treo” để lừa đảo chiếm đoạt số tiền 450 triệu đồng. Cụ thể, ngày 28/5/2021, bà N.T.X, SN 1979, trú tại xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu) bị TAND huyện Quỳnh Lưu xử phạt tù có thời hạn 09 tháng về tội đánh bạc. Tuy nhiên, bà X. mong muốn được giảm án nên đã làm đơn kháng cáo gửi TAND tỉnh Nghệ An.
Trong thời gian chờ xét xử phúc thẩm, thông qua các mối quan hệ bạn bè, bà X. đã liên lạc với Hạnh để nhờ “chạy án”. Đối tượng đã hướng dẫn bà X. làm đơn tạm hoãn xét xử và hứa hẹn quen biết một số người có khả năng lo việc “chạy án treo”, đồng thời cam kết sẽ trả lại tiền nếu không thực hiện được. Ngày 22/10/2021, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa phúc thẩm và xét xử vắng mặt đối với bà X., hình phạt như bản án sơ thẩm. Tối cùng ngày, Hạnh gọi điện cho bà X. thông báo đã “chạy án” xong và áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo.
Do tin tưởng, bà X. đã chuyển cho Hạnh 450 triệu đồng. Tuy nhiên, đối tượng đã dùng số tiền trên vào mục đích tiêu xài cá nhân. Đến ngày 19/11/2021, bà X. nhận được thông báo về việc thi hành án phạt tù nên mới biết mình bị lừa. Sau đó, bà X. đã nhiều lần liên lạc với Hoàng Ngọc Hạnh để yêu cầu trả lại tiền nhưng đối tượng cắt liên lạc và bỏ trốn vào các tỉnh phía Nam (từ tháng 11/2021), đến ngày 15/3/2022, khi đối tượng trở về địa phương thì đã bị lực lượng Công an tiến hành bắt giữ.
Cũng trong tháng 3 năm 2022, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An đã ra lệnh tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Thị Liên (SN 1973), trú tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành để điều tra, làm rõ về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phát hiện Liên thường xuyên tìm hiểu thông tin trên các kênh truyền thông về những vụ án bị lực lượng Công an triệt xóa hoặc các vụ tranh chấp đất đai, có khởi kiện dân sự để tiếp cận các nạn nhân.
Sau khi tiếp cận nạn nhân, Liên tự giới thiệu bản thân quen biết nhiều cán bộ có chức vụ trong lĩnh vực tố tụng, ngành Tòa án, có khả năng "chạy án" cho các bị can, bị cáo được tại ngoại hoặc hưởng án treo, giúp họ thắng kiện trong các vụ án dân sự. Kèm theo thỏa thuận, các nạn nhân phải chi trả số tiền hàng trăm triệu đồng. Với thủ đoạn trên, cuối tháng 9/2021, Liên đã tiếp cận, lừa “chạy án” cho Võ Thị N. (SN 1993), trú tại huyện Yên Thành bị TAND huyện Yên Thành xử 5 năm tù về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy (đang được tại ngoại chờ thi hành án vì đang nuôi con nhỏ), đồng thời hứa hẹn sẽ giúp N. chạy giảm án từ 5 năm tù xuống 2 năm tù, từ đó chiếm đoạt tài sản của N. với số tiền 300 triệu đồng.
Tuy nhiên, đến tháng 2/2022, TAND tỉnh Nghệ An đã đưa vụ án của Võ Thị N. ra xét xử phúc thẩm đã y án 5 năm đối với N, biết không thể thực hiện công việc theo hứa hẹn ban đầu với nạn nhân, Liên đã bỏ trốn.
Để tạo sự tin tưởng đối với các bị hại, nhiều đối tượng còn mạo danh là cán bộ công an, có quen biết rất nhiều người nên có thể dễ dàng tác động tới các cơ quan bảo vệ pháp luật để “chạy giảm án”. Điển hình như đối tượng Nguyễn Văn Huấn (SN 1982), trú xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn đã bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên án 7 năm tù về tội lừa đảo vào tháng 7 năm 2021.
Cáo trạng nêu rõ: Khoảng tháng 11/2020, thông qua các mối quan hệ xã hội, Huấn biết bà Trần Thị K. (trú huyện Diễn Châu) đang có ý định xin cho chồng là bị can trong vụ án “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”, “Vận chuyển hàng cấm” không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sau khi trao đổi qua điện thoại, Huấn hẹn gặp bà K. tại một quán cà phê ở TP. Vinh. Khi gặp bà K., Huấn đã mạo danh tên là Huy, cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An, cam đoan sẽ lo được việc cho chồng của bà. Trước khi về, Huấn nói bà K. chuẩn bị tiền để lo thủ tục “chạy án”. Từ tháng 11/2020 đến cuối thàng 12/2020 (âm lịch), Huấn đã 6 lần yêu cầu bà K. đưa cho mình 260 triệu đồng. Sau thời gian chờ đợi, thấy Huấn không lo được việc như cam kết nên bà K. yêu cầu trả lại tiền. Lúc đầu, Huấn chỉ trả cho bà K. 70 triệu đồng. Sau nhiều lần bị thúc ép, Huấn đến nhà bà K. trả 190 triệu đồng, nhưng xin 20 triệu tiền chi phí đi lại và được người thân bà K. đồng ý.
Ngày 22/2/2021, bà K. làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Nguyễn Văn Huấn tới cơ quan điều tra. Trong quá trình làm việc với cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An, Huấn xin đầu thú về hành vi phạm tội và tự nguyện giao nộp 10 triệu đồng.
Tương tự như hành vi của Huấn, vào 7 giờ 30 phút ngày 14/5/2020, tại một quán cà phê trên đường Quang Trung, Công an thành phố Vinh bắt quả tang đối tượng Nguyễn Kiên Trung, SN 1985, trú tại khối 7, phường Bến Thủy, thành phố Vinh đang nhận tiền của chị Hoàng Thị G. (SN 1993), trú tại huyện Diễn Châu để lo việc chạy án cho người thân chị này. Tang vật thu giữ gồm 25 triệu đồng cùng 1 điện thoại và 1 xe ô tô. Đây là đối tượng không có việc làm ổn định, trước đây từng là cán bộ biên phòng Hà Tĩnh, nhưng do nợ nần đã bị đơn vị cho xuất ngũ.
Để lừa được bị hại, Trung thường xuyên khoe mẽ, tự xưng là cán bộ Công an, có quen biết rất nhiều người nên có thể dễ dàng tác động tới các cơ quan bảo vệ pháp luật để “chạy giảm án”. Biết chị G có anh ruột đang bị Công an thành phố Vinh khởi tố, tạm giam về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, để chiếm đoạt tiền của chị G, Trung hứa hẹn sẽ lo chạy để anh trai chị G được tại ngoại và giảm án khi đưa ra xét xử. Do tin tưởng sau nhiều lần gặp gỡ, chị G đã nhiều lần chuyển tiền trực tiếp và qua tài khoản ngân hàng cho Trung với tổng số tiền là 229 triệu đồng. Tuy nhiên, đến đầu tháng 5/2020, thấy anh trai của mình vẫn chưa được tại ngoại, chị G đã làm đơn tố cáo gửi đến Công an thành phố Vinh.
Sau khi xác minh thông tin, Công an thành phố Vinh xác lập chuyên án, tập trung lực lượng nhằm sớm bắt giữ đối tượng, tránh làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của lực lượng CAND.
Hành vi “chạy án” bị xử lý như thế nào?
Bất chấp quy định của pháp luật để lừa đảo, nhận tiền với lý do “chạy án” là hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm minh. Tùy vào tính chất, mục đích của hành vi mà người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Nếu người thực hiện hành vi chạy án không có chức vụ, quyền hạn thì người này có thể bị truy tố về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Bởi thực tế người này không có chức vụ, quyền hạn, không thể can thiệp và thực hiện được việc thay đổi tội danh, khung hình phạt,… có lợi cho người phạm tội nhưng vẫn nhận tiền hòng chiếm đoạt tài sản của người khác. Mức phạt cao nhất trong trường hợp này có thể là chung thân. Ngoài ra, còn bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nếu người có chức vụ, quyền hạn thì có thể bị khép vào Tội nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (Hình phạt cao nhất dành cho Tội nhận hối lộ có thể là tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản); hoặc Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175, Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt cao nhất là 20 năm tù và có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 100.000.000 đồng.
Tuy nhiên, không chỉ người thực hiện việc chạy án phải chịu trách nhiệm hình sự mà người đưa tiền nhờ chạy án cũng có thể lĩnh án tù. Do vậy, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức pháp luật, tránh “tiền mất, tật mang”, sa vào những hành vi tiếp tay cho tội phạm./.