Ở huyện Anh Sơn, nếu như các xã Lạng Sơn, Khai Sơn, Phúc Sơn, phổ biến vẫn là tình trạng người dân trồng cây và khai thác cây trong hành lang đường dây vi phạm khoảng cách; thì ở các xã Hoa Sơn, Thạch Sơn, Đỉnh Sơn, người dân đổ đất đá, tập kết vật liệu, san lấp mặt bằng làm giảm khoảng cách pha - đất so với thiết kế ban đầu của đường dây, không đảm bảo an toàn, lắp đặt biển quảng cáo gần hành lang đường dây. Một số trường hợp sử dụng các phương tiện cơ giới thi công dưới đường dây, đào ao, làm vườn nhà vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện, nguy cơ trúc đổ cột, mưa bão sẽ sạt lở… đe dọa nguy cơ tai nạn về người và sự cố lưới điện.
Mặc dù UBND huyện đã ban hành văn bản, chỉ đạo địa bàn xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm nhưng một số điểm vi phạm do lịch sử để lại khó giải quyết. Cần nhất là công tác tuyên truyền vận động để người dân nâng cao nhận thức, không trồng cây, xây nhà, ốt quán vi phạm hành lang, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội cùng vào cuộc một cách triệt để, đồng loạt tạo phong trào, hiệu ứng thì mới xử lý đột phá được.
Ông Ngô Thế Lữ - Giám đốc Điện lực Anh Sơn
Hiện nay Công ty Điện lực Nghệ An quản lý vận hành trên 6.500 km đường dây 110 kV, gần 4.000 km đường dây 35 kV, gần 600 km đường dây 22 kV, gần 1.300 km đường dây 10 kV, cùng với trên 16.500 km đường dây hạ thế, trong đó phần lớn đường dây trung thế đi qua địa bàn rừng núi, địa hình chia cắt, trình độ dân trí thấp nên rất khó khăn trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cho người dân, quản lý vận hành lưới điện cũng như xử lý khi có sự cố xảy ra. Từ những năm 2019 trở về trước tình trạng mất điện xảy ra thường xuyên hoặc chất lượng điện thiếu ổn định tại các huyện vùng cao như Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn. Nguyên nhân chính do người dân trồng cây vi phạm khoảng cách an toàn hành lang lưới điện cao áp.
Theo tổng hợp, hiện có 62 điểm Công trình, nhà ở vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp cần phải xử lý; dự kiến trong năm 2021 sẽ xử lý được 48/62 điểm vi phạm qua việc cải tạo lưới điện. Theo ông Lê Quang Thanh - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An, mặc dù Công ty đã quan tâm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, pháp luật nhà nước về bảo vệ hành lang ATLĐCA, nhằm đảm bảo an toàn điện trong nhân dân và an toàn cho lưới điện nhưng vẫn còn một số người dân, đơn vị, tổ chức chưa có ý thức trong công tác bảo vệ công trình lưới điện cao áp, dẫn đến phát sinh vi phạm, gây tai nạn cho người và sự cố lưới điện. Vẫn còn tình trạng các nhà thầu xây dựng trong và ngoài khu công nghiệp lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp; người dân xây dựng, cơi nới nhà cửa bên dưới hành lang an toàn lưới điện cao áp không có thỏa thuận với đơn vị quản lý vận, không phối hợp ngành điện để được hướng dẫn, giám sát thực hiện các biện pháp an toàn điện.
“Vẫn còn tình trạng các hộ dân tự ý chuyển đổi sản xuất từ trồng cây nông nghiệp sang trồng cây lâu năm trong và ngoài hành lang, vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Nhận thức của người dân về việc đảm bảo an toàn hành lang lưới điện còn thấp, yêu cầu đền bù với đơn giá quá cao. Trong khi đó, chính quyền và các cơ quan ban ngành cấp huyện ủng hộ ngành Điện trong bảo vệ hành lang lưới điện, nhưng có một số xã chưa phối hợp sâu sát, dẫn đến công tác Quản lý vận hành hệ thống lưới điện không đảm bảo an toàn. Đây chính là những bất cập mà ngành sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khắc phục trong thời gian tới.”
Ông Trần Thanh Hải – Phó Giám đốc Sở Công Thương
Để đảm bảo hành lang an toàn lưới điện, đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã vào cuộc cùng với ngành điện trong việc ngăn chặn, xử lý và giải tỏa các điểm vi phạm hàng lang an toàn lưới điện, xử lý chặt tỉa giải phóng cây trồng trong và ngoài hành lang có nguy cơ đổ, va quẹt gây sự cố lưới điện. Tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp đến người dân. Phối hợp với ngành điện trong việc lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt hành chính do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.
Chính quyền địa phương khi giao đất, giao rừng cho các hộ dân tại những nơi có đường dây điện đi qua, cần phải có cơ chế quy định rõ ràng trong việc được trồng các cây trong hành lang lưới điện và các cây ngoài hành lang gần đường dây điện, để người dân không được trồng cây lấy gỗ, cây phát triển nhanh trong và ngoài hành lang gây sự cố lưới điện. Ngoài ra, chính quyền các cấp khi cấp đất và cấp phép xây dựng công trình phải quan tâm đến hành lang an toàn lưới điện theo nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ…