Thời gian qua người dân huyện Đô Lương phản ánh về tình trạng thiếu nước sạch trong thời gian qua. Nguyên nhân là do nguồn nước thô cung cấp cho Nhà máy nước Đô Lương không đáp ứng yêu cầu chất lượng. Trước sức ép của gần 8 nghìn khách hàng tại huyện Đô Lương, Công ty CP cấp nước Nghệ An đã phải xin làm công trình cấp nước thô tạm thời để phục vụ nhu cầu của người dân nhưng không hiểu vì sao một số đơn vị liên quan lại quá chậm trễ trong việc đồng ý chủ trương nêu trên.
 
“Khi mất, khi yếu”
 
Người dân ở nhiều xóm của một số xã như Tràng Sơn, Lưu Sơn, Đông Sơn (huyện Đô Lương) liên tục phản ánh về tình trạng nguồn nước máy do Nhà máy nước Đô Lương (thuộc Công ty CP cấp nước Nghệ An) cung ứng lúc mất nước hẳn, lúc thì có nhưng áp lực yếu nên không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của người dân, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất cũng như đời sống sinh hoạt của một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là trong mùa nắng nóng cao điểm này.

 
Người dân một số xã của huyện Đô Lương khổ vì nguồn nước không ổn định
 
Có mặt tại xóm 7, xã Tràng Sơn (huyện Đô Lương), nhiều hộ dân tỏ ra không hài lòng vì đa số đều cho rằng, nguồn nước thời gian qua do Nhà máy nước Đô Lương cung ứng không đáp ứng đủ nhu cầu của họ. “Nói chung dạo này nguồn nước máy của Nhà máy nước Đô Lương cung ứng không ổn định. Lúc mất, lúc thì yếu nên ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân chúng tôi. Tôi làm nghề rửa xe nên nhiều khi nguồn nước như vậy càng ảnh hưởng lớn hơn. Như ngày 06/8/2020 cũng bị mất nước hoàn toàn khoảng 4 - 5 tiếng đồng hồ” – Ông Lương Tùng Linh, ở xóm 7, phản ánh.
 
Cũng tại xóm 7, xã Tràng Sơn, đại diện cho gia đình khách hàng Lê Đình Thắm, cho biết thêm: Chúng tôi cũng không hiểu lý do vì sao thời gian qua nguồn nước không ổn định, nghe đâu là do đang thi công Bara Đô Lương nên gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước thô. Nghe nói do nước quá đục nên nhiều thời điểm Nhà máy nước Đô Lương không thể xử lý nổi dẫn đến thiếu nguồn nước đầu ra cung ứng cho nhu cầu của người dân chúng tôi.
 
Tại xã Lưu Sơn, một số xóm như Điện Biên, xóm Quang Trung cũng xảy ra tình trạng tương tự. Có mặt tại xóm Quang Trung vào trưa ngày 07/8, khi tiếp xúc với PV, nhiều hộ dân phản ánh về tình trạng thời gian qua có nhiều thời điểm nguồn nước máy do Nhà máy nước Đô Lương cung ứng rất yếu, thậm chí có một số thời điểm còn bị mất hẳn. “Nguồn nước máy thời gian trước thì thoải mái, có khi áp lực lên đến tầng 3 nhà tôi mà không cần dùng máy bơm hỗ trợ. Thế nhưng, thời gian khoảng 1-2 tháng nay mọi việc có vẻ không ổn, nguồn nước khi mất, khi yếu nên ảnh hưởng khá nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân chúng tôi” - Anh Tình, một khách hàng của Nhà máy nước Đô Lương tại xóm Quang Trung, xã Lưu Sơn, cho biết.
 

 
Khách hàng tại xã Tràng Sơn phản ánh tình trạng thiếu nước sinh hoạt với PV
 
Lý giải về việc này, anh Hồ Văn Hưng, cán bộ kỹ thuật Nhà máy nước Đô Lương, cho hay: Nhà máy nước Đô Lương từ trước đến nay lấy nguồn nước thô từ sông Đào, cách Bara Đô Lương khoảng gần 2km. Sự cố vỡ đập Bara này vào đầu tháng 6 khiến cho gần 8.000 khách hàng của chúng tôi tại 7 xã và thị trấn thuộc huyện Đô Lương bị mất nước trong mấy ngày. Kể từ đó, do ảnh hưởng của việc thi công đập Bara Đô Lương nên độ đục của nguồn nước thô rất lớn nhiều, khi hệ thống của Nhà máy chúng tôi không thể xử lý nổi nên phải hạn chế đầu vào. Vì thế, nhiều thời điểm một số xóm bị mất nước, nước yếu là điều thường xuyên xảy ra trong thời gian qua.
 
Phải “khẩn cấp” tháo gỡ vướng mắc
 
Theo tìm hiểu của PV, căn cứ vào lịch đóng nước phục vụ thi công hợp phần 1 – Dự án khôi phục nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An từ năm 2015-2019 của UBND tỉnh Nghệ An, tháng 8/2019, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An đã có thông báo về việc đóng nước hệ thống thủy lợi Đô Lương để thi công hợp phần 1 – Dự án khôi phục nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An gửi các đơn vị liên quan, trong đó có Công ty CP cấp nước Nghệ An. Văn bản nêu trên cũng nêu rõ, việc ra thông báo trên là để các đơn vị biết để có kế hoạch bố trí sản xuất trong các thời gian đóng nước.
 
Trước thực trạng trên, 2 ngày sau sự cố vỡ đập Bara Đô Lương, ngày 08/6/2020, Công ty CP cấp nước Nghệ An đã có Công văn số 199/CV-CNNA gửi UBND tỉnh Nghệ An xin xây dựng công trình tạm để cung cấp nước thô cho Nhà máy nước Đô Lương, vị trí đặt là bên bờ trái sông Lam, cách bờ trái sông Đào khoảng 300m về phía thượng lưu sông Lam. Trong văn bản này, Công ty CP cấp nước Nghệ An cũng nêu rõ mục đích của công trình tạm nêu trên là nhằm đảm bảo đủ nước sạch cho nhân dân và do ảnh hưởng từ việc xây dựng công trình đập Bara Đô Lương đang trong thời gian thi công kéo dài đến tận năm 2021.
 
Nhận được văn bản trên của Công ty CP cấp nước Nghệ An, ngày 16/6/2020, UBND tỉnh Nghệ An đã có Văn bản 3756/UBND-NN. Văn bản nêu trên của UBND tỉnh Nghệ An giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND huyện Đô Lương và các cơ quan liên quan xem xét đề nghị của Công ty CP cấp nước Nghệ An tham mưu UBND tỉnh quyết định.
 
Ngày 30/7/2020, Sở NN&PTNT Nghệ An có Văn bản số 2415/SNN-TL về việc lấy ý kiến xây dựng công trình tạm để cấp nước thô cho nhà máy nước Đô Lương gửi các Sở Tài chính, TN&MT, GTVT, UBND huyện Đô Lương và Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An.
 
Làm việc với Công ty CP cấp nước Nghệ An liên quan đến phản ánh của người dân về nguồn cung nước không ổn định trên địa bàn Đô Lương, lãnh đạo đơn vị này thừa nhận có sự việc trên. “Từ sau sự cố vỡ đập Bara Đô Lương đến nay thì nguồn cung nước thô cho Nhà máy nước Đô Lương không ổn định, lúc thiếu, lúc thì độ đục quá cao không xử lý nổi nên người dân phản ánh chúng tôi không cung cấp đủ nước là đúng vì Nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng được khoảng 70% công suất” - Lãnh đạo Công ty  cấp nước thừa nhận.
 
Lý giải vì sao Sở TN&MT Nghệ An đã có văn bản thông báo về việc đóng nước hệ thống thủy lợi và nguồn nước thô có biểu hiện xấu nhưng Công ty không sớm đưa ra giải pháp khắc phục, lãnh đạo Công ty CP cấp nước Nghệ An, cho hay: “Chúng tôi đã có văn bản xin UBND tỉnh Nghệ An để sớm triển khai xây dựng công trình tạm cấp nước thô cho Nhà máy nước Đô Lương để giải quyết tình hình. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã hơn 2 tháng trôi qua nhưng không hiểu lý do vì sao đến nay các thủ tục cần thiết để chúng tôi sớm triển khai công trình vẫn chưa được các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết?”

 
Nguồn nước tại khu vực lấy nước thô hiện nay của Nhà máy nước Đô Lương đục ngầu, không thể xử lý được
 
Ngày 07/8/2020, trao đổi với PV, ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An, khẳng định, đơn vị đã nhận được chỉ đạo giao việc của lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An tham mưu việc xem xét cho Công ty CP cấp nước Nghệ An xây dựng công trình tạm để cấp nước thô cho Nhà máy nước Đô Lương. “Quan điểm của chúng tôi là ủng hộ việc này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải xin ý kiến của các bên liên quan như Sở Tài chính, Sở GTVT, Sở TN&MT… để có cơ sở chắc chắn tham mưu cho cấp trên. Đến ngày 14/8/2020 thì các bên liên quan sẽ có ý kiến phản hồi quan điểm về việc này. Khi các bên đã thống nhất cả thì chúng tôi sẽ triển khai tham mưu cấp trên đồng ý cho Công ty CP cấp nước Nghệ An làm công trình trên thôi…” - Ông Thành, chốt lại.
 
Cũng cần phải nói thêm rằng, liên quan đến chất lượng nguồn nước thô cấp cho đơn vị trạm cấp nước, nhà máy nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Nghệ An 6 tháng đầu năm 2020. Mới đây, ngày 15/7/2020, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An đã có Văn bản số 3421/STNMT-NBHĐ gửi UBND các huyện, thành, thị và các công ty cấp nước trên địa bàn tỉnh. Theo văn bản này thì chất lượng nguồn nước thô đầu vào tháng 5/2020 có biểu hiện xấu hơn đợt quan trắc tháng 3/2020, trong đó có nguồn nước thô đầu vào cấp cho Nhà máy nước Đô Lương. Vì thế, trong văn bản này, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An yêu cầu các chủ đầu tư các Nhà máy nước sinh hoạt cần phải có phương án khai thác nguồn nước khác để thay thế trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt đang khai thác.
 

 
Văn bản đồng ý đóng nước kênh chính phục vụ thi công các gói thầu thuộc hợp phần 1 - Dự án khôi phục nâng cấp Hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An của UBND tỉnh Nghệ An
 
Mới đây nhất, ngày 14/8/2020, Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An đã chủ trì cuộc họp với Chi cục Thủy lợi, các huyện và các bên liên quan về việc đóng nước kênh chính phục vụ thi công các gói thầu thuộc hợp phần 1 - Dự án khôi phục nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An. Căn cứ vào cuộc họp trên, cùng ngày, Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An có văn bản số 2638/SNN-QLXD về việc xin đóng nước kênh chính để phục vụ thi công dự án nêu trên gửi UBND tỉnh Nghệ An. Đến ngày 18/8/2020, UBND tỉnh Nghệ An có Công văn 5491/UBND-NN về việc đóng nước kênh chính phục vụ thi công các gói thầu thuộc hợp phần 1 - Dự án khôi phục nâng cấp Hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An. Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An cho phép bổ sung thêm 1 đợt đóng nước để thi công hợp phần 1 - Dự án khôi phục nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An, thời gian đóng nước 21 ngày, bắt đầu từ ngày 22/8/2020 - 13/9/2020.
 
Qua đó, UBND tỉnh Nghệ An giao UBND các huyện, thị xã: Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai thông báo cho các xã, phường biết để có phương án tích trữ đủ lượng nước tưới, sinh hoạt trong thời gian đóng nước. Giao Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An xây dựng phương án cấp đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất trong thời gian đóng nước.
 
Trước thông tin mới trên, lãnh đạo Công ty CP cấp nước Nghệ An, lo ngại, kiến nghị: Đã hơn 2 tháng kể từ ngày Công ty gửi báo cáo đề xuất xây dựng công trình tạm phục vụ cấp nước cho nhân dân huyện Đô Lương vẫn chưa được các cấp, các ngành xem xét giải quyết (hiện Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải Nghệ An đã có ý kiến thống nhất với đề xuất của Công ty CP cấp nước Nghệ An - PV). Chúng tôi mong muốn Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An trình UBND tỉnh cho phép Công ty Cổ phần cấp nước Nghệ An triển khai xây dựng công trình tạm. Đồng thời, UBND tỉnh, các sở ngành xem xét chưa đóng nước kênh chính để phục vụ thi công Hợp phần 1 – Dự án: Khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An. Mặt khác, trong trường hợp vẫn đóng kênh chính dẫn đến Nhà máy nước Đô Lương không có nước thô để sản xuất nước sạch phục vụ nhân dân Công ty Cổ phần cấp nước Nghệ An sẽ không chịu trách nhiệm.
 

 
Toàn cảnh dự án thi công đập Bara Đô Lương sáng 19/8/2020
 
Có thể nói rằng, việc người dân một số xã, thị trấn của huyện Đô Lương phản ánh nguồn nước sinh hoạt không ổn định và đơn vị cung ứng nước là Công ty CP cấp nước Nghệ An lập hồ sơ xin xây dựng công trình tạm là có thật. Thế nhưng, đến nay người dân một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đô Lương vẫn thường xuyên mất nước, thiếu nước, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt. Hiện nay, lịch đóng nước 21 ngày của UBND tỉnh Nghệ An ban hành đã cận kề, việc chậm trễ triển khai giải pháp khắc phục nguồn nước thô hiện nay là do cách giải quyết không linh hoạt, chậm trễ của một số sở, ngành, dẫn đến gần 8.000 hộ dân sử dụng nước sạch của Nhà máy nước Đô Lương phải gánh chịu hậu quả.