Đẩy mạnh du lịch cộng đồng, khai thác giá trị văn hóa truyền thống, nguồn nhân lực tại chỗ đang được các huyện vùng cao Nghệ An chú trọng đầu tư. Giao lưu nhảy sạp của bà con người Thái tại bản du lịch cộng đồng Khe Rạn, Con Cuông, Nghệ An
Đây được xem là một giải pháp cải thiện sinh kế cho đồng bào, mang lại những trải nghiệm sâu sắc cho du khách, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Những bản làng du lịch
Bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu) là điểm dừng chân ấn tượng đối với khách du lịch khi đến khám phá tây Nghệ An. Nơi đây có cánh đồng lúa Châu Tiến với số lượng cọn nước (guồng nước) tập trung nhiều nhất và được mệnh danh đẹp nhất xứ Nghệ. Trong đó, bản Hoa Tiến là một bản người Thái cổ, có nghề dệt truyền thống và những ngôi nhà sàn lâu đời. Sản phẩm khăn, váy dệt tay của bà con Hoa Tiến cũng rất nổi tiếng bởi sự tinh xảo, mềm mại trong đường nét. Phong cảnh tự nhiên cùng bản sắc văn hóa người Thái đậm nét đã thu hút nhiều du khách cả trong và ngoài nước tìm về Châu Tiến.
Tuy nhiên, khách du lịch về Châu Tiến chủ yếu là tự phát, trong tỉnh, nên số lượng ít, không đồng đều. Các dịch vụ tại đây cũng chưa phát triển. Những năm gầy đây, huyện Quỳ Châu, Nghệ An đã tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, trong đó lấy xã Châu Tiến làm điển hình, khai thác hiệu quả những giá trị bản sắc nơi đây. Trong đó, nhiều hộ dân đã dùng chính nhà sàn của người Thái cổ để làm homestay – nơi lưu trú cho khách du lịch.
Người Thái làm vía cầu may cho khách đến thăm bản
Gia đình bà Lô Thị Nga, bản Hoa Tiến 2, xã Châu Tiến là một trong 10 hộ tiên phong làm du lịch cộng đồng ở bản. homestay Từ Tâm của gia đình bà đến nay đã là địa chỉ quen thuộc của nhiều du khách. Bà Lô Thị Nga cho biết: “Đợt này do ảnh hưởng của dịch, nên số khách du lịch giảm nhiều. Nhưng trước đó, gia đình chúng tôi tuần nào cũng có các đoàn khách ghé thăm. Chúng tôi giới thiệu với khách nghề dệt thổ cẩm của gia đình. Nấu các món ăn truyền thống của người Thái, tổ chức khắc luống, múa lăm, mở rượu cần… để họ cảm nhận được ẩm thực, văn hóa con người và bản làng Hoa Tiến. Dù vất vả nhưng mọi người vui vẻ, hứng thú với bản sắc văn hóa người Thái, chúng tôi rất vui”.
Bà Nga cũng chia sẻ, ngoài vui chơi, ăn uống, nếu khách có nhu cầu, bà con còn tổ chức làm vía cầu may, cầu sức khỏe. Làm du lịch cộng đồng không chỉ riêng gia đình bà, mà nếu khách đông, thì các gia đình khác sẽ cùng đến hỗ trợ, giúp đỡ. Qua đó, giúp du khách cảm nhận được cuộc sống, sinh hoạt, văn hóa của người Thái ở trong một cộng đồng xã hội chứ không chỉ của riêng một gia đình.
Chuẩn bị chỗ lưu trú cho khách tại homestay ở bản Hoa Tiến, Châu Tiến, Quỳ Châu, Nghệ An
Vùng tây Nghệ An như các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông là nơi sinh sống của bà con các dân tộc thiểu số Thái, Thổ, Mông… Vì vậy, các địa phương này có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Thực tế những năm gây đây, mô hình này đang chú trọng đầu tư để nhân rộng phát triển. Điển hình là huyện Con Cuông, trong bản hiện có 3 Homestay do dự án JICA (Nhật Bản) tài trợ từ năm 2011, dành để tiếp khách du lịch. Mỗi căn nhà có thể đáp ứng ăn, nghỉ cho một lúc 30 - 40 khách lưu trú qua đêm.
Ở huyện Tân Kỳ từ năm 2016-2019, huyện đã chủ trương đầu tư trên 5,7 tỷ đồng để làm đường bê tông tại các bản có thể phát triển được du lịch cộng đồng, hỗ trợ mở lớp tập huấn kỹ năng làm du lịch cộng đồng, kỹ năng nấu ăn. Đồng thời tổ chức tham quan học tập tại các địa phương ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng.
Ngoài ra, có một số điểm du lịch cộng đồng xóm 4 Thái Minh, xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ), bản Vi (xã Bắc Sơn, Quỳ Hợp), du lịch cộng đồng ở Thạch Giám (huyện Tương Dương)... cũng thu hút nhiều khách trong và ngoài nước.
Cần đầu tư đồng bộ
Trên thực tế, các điểm du lịch cộng đồng tại Nghệ An vẫn chủ yếu là tự phát của các gia đình, thôn bản mà thiếu sự đầu tư, gắn kết giữa chính quyền địa phương, ngành du lịch và các ngành liên quan trong quản lý, đầu tư. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch cộng đồng hạn chế, nguồn nhân lực thiếu và yếu.
Chị Lô Thị Hoa - Trưởng nhóm du lịch cộng đồng bản Nưa (huyện Con Cuông, Nghệ An), trong bản mới có 3 Homestay trong bản có thể đón khách một cách khá chuyên nghiệp. Còn lại đang manh mún, các dịch vụ chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách, đặc biệt là công trình vệ sinh, điện, nước, vệ sinh… Trong khi điều kiện kinh tế của các hộ dân còn hạn chế. Vì vậy, khách thường chỉ đến tham quan, ăn uống chứ không ở lại lưu trú mà quay ra thị trấn Con Cuông.
Ông Nguyễn Đình Hùng – Bí thư Huyện ủy Con Cuông, Nghệ An cho biết: “Với nhiều danh lam thắng cảnh và bản sắc văn hóa, Con Cuông xác định du lịch là mũi nhọn phát triển và đang dồn lực cho lĩnh vực này. Trong đó du lịch cộng đồng được xem như là thế mạnh và “đặc sản” của vùng. Địa phương sẽ khắc phục những hạn chế, thiếu đồng bộ hiện có ở các điểm du lịch cộng đồng, để tạo sinh kế cho bà con phát huy nguồn lực tại chỗ một cách hiệu quả nhất.
Cồng chiêng là nét văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Thái
Theo lãnh đạo Sở Du lịch Nghệ An, du lịch cộng đồng, người bản địa tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch, được hưởng lợi ích kinh tế - xã hội từ hoạt động du lịch. Đồng thời có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên, môi trường, bản sắc văn hóa dân tộc và phát huy, quảng bá đến du khách. Vì vậy, hướng đi này tạo sinh kế tại chỗ cho bà con, và mang ý nghĩa cả về kinh tế xã hội bền vững.
Để các điểm du lịch cộng đồng thu hút được khách, đặc biệt là giữ khách lưu trú qua đêm, thì chính quyền địa phương các cấp cần có định hướng, liên kết đầu tư để xây dựng thành chuỗi sản phẩm du lịch. Trong đó, ngoại trừ khai thác yếu tố văn hóa, nhân lực tại chỗ, cần xây dựng những dự án về hạ tầng, giao thông, dịch vụ hữu ích. Qua đó, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Giữ chân bà con bản địa với nghề truyền thống và dịch vụ mới, chính là giữ bản sắc, từ đó mới thu hút và giữ chân du khách đến với du lịch cộng đồng tây Nghệ An.