j-1680697765.jpg
Cơ sở kinh doanh karaoke tại 48 Nguyễn Sỹ Sách - TP Vinh (Nghệ An) bị đóng cửa từ nhiều tháng nay. Ảnh: Quang Đại

Ngày 5.4, trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Vân Anh - Chủ quán karaoke 48 Nguyễn Sỹ Sách, TP Vinh cho biết, doanh nghiệp hiện lâm vào tình trạng rất khó khăn do phải ngừng hoạt động từ nhiều tháng nay.

“Cơ sở karaoke của chúng tôi có 43 phòng hát, khi hoạt động đã giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 100 lao động. Từ khi bị đóng cửa đến nay, hầu hết lao động không có thu nhập, doanh nghiệp không có nguồn thu nhưng phải vẫn bỏ chi phí không nhỏ để duy trì cơ sở, trả lương cho bộ máy quản lý” – bà Trần Thị Vân Anh nói.

dd-1680697794.jpg
Cơ sở kinh doanh karaoke tại số 78 Minh Khai - TP Vinh dừng hoạt động nhiều tháng nay. Ảnh: Quang Đại

Đó cũng là tình trạng khó khăn chung của các cơ sở kinh doanh karaoke tỉnh Nghệ An. Theo thống kê của Hiệp hội Karaoke Nghệ An, trên địa bàn tỉnh có 419 cơ sở kinh doanh karaoke, với số lao động lên tới hàng nghìn người.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, chủ doanh nghiệp karaoke Apec kiêm Chủ tịch Hiệp hội Karaoke Nghệ An cho biết, cơ sở của ông có 30 phòng, khi hoạt động giải quyết việc làm cho 50-70 lao động.

“Doanh nghiệp ngừng hoạt động không có nguồn thu nhưng vẫn phải trả chi phí thuê đất, lãi vay ngân hàng, chi phí duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất (30 triệu/tháng) nên cực kỳ khó khăn” – ông Nguyễn Mạnh Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, vấn đề các chủ cơ sở kinh doanh Karaoke kiến nghị là trước đây các cơ sở đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chí về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động.

“Tuy nhiên, hiện nay, cơ quan chức năng lại cho rằng các cơ sở không đáp ứng về điều kiện phòng cháy chữa cháy, yêu cầu các vật liệu khó cháy và không cháy, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải phá bỏ các phòng hát hiện tại, đầu tư lại với chi phí khoảng 500 triệu đến 1 tỉ đồng/ phòng. Đây là chi phí quá lớn đối với các doanh nghiệp vì trải qua 2 năm dịch bệnh hầu như không hoạt động, thua lỗ”.

Chủ tịch Hiệp hội Karaoke Nghệ An cho biết đã có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở theo lộ trình khắc phục mà không bị tạm đình chỉ, có thể phân thành 2 nhóm.  

Một là, các cơ sở đã được thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy (PCCC) và được cấp phép có đầy đủ giấy tờ, điều kiện, thiết bị, cứu hộ cứu nạn, cơ sở hạ tầng lối thoát hiểm... đạt chuẩn về PCCC thì được vừa hoạt động, với cam kết đảm bảo an toàn về PCCC, nếu xảy ra sự cố sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

Hai là, những cơ sở thiếu trang thiết bị, không đủ điều kiện về sự an toàn về hệ thống điện, hệ thống báo cháy tự động, không đủ lối thoát nạn, xa trụ nước công cộng... không đáp ứng yêu cầu A.4.2 QCVN 06:2022 thì tạm dừng để khắc phục.

Ông Lê Khắc Hoàng – Chánh Thanh tra Sở Văn hóa – Thể thao Nghệ An nói: “Bất cập là trước đây cơ quan chức năng đã thẩm định, cấp phép cho họ hoạt động, nay lại yêu cầu đóng cửa, rút giấy phép vì không đủ điều kiện. Vấn đề này cần được xem xét để bảo đảm quyền lợi của các chủ cơ sở kinh doanh”.

Theo Quang Đại - laodong.vn