Bến cát chưa được cấp phép vẫn hoạt động rầm rộ ngày đêm; xe chở cát với đủ loại kích cỡ, tải trọng đe dọa đê Tả Lam, cát bay bụi mù mịt vào nhà khiến người dân bức xúc.
 
Cát bay vào nhà dân, bờ đê oằn mình
 
Báo PLVN nhận được phản ánh của người dân sống bên QL46C đoạn chạy qua xã Hưng Lĩnh (huyện Hưng Nguyên) và Xuân Lâm (huyện Nam Đàn) tỉnh Nghệ An bị “hành hạ” bởi cát bụi rơi vãi, bay vào nhà dân gây đảo lộn cuộc sống. 
 
Trung tuần tháng 3/2020, có mặt tại xóm 4, xã Xuân Lâm, PV chứng kiến hàng chục chiếc xe chở cát với đầy đủ kích cỡ, trọng tải bò lên xuống bờ đê Tả Lam chạy xuống QL46C tỏa đi các hướng. Những chiếc xe này làm rơi vãi cát xuống mặt đường thành một lớp dày, bụi bay mù mịt mỗi khi có xe chạy qua. Phía ngoài đê, rất nhiều gàu múc cát đang hoạt động rầm rộ, những bãi cát chất cao phía ngoài sát với sông Lam…
 
Một người phụ nữ thấy PV đến đã mang theo xe rùa đến xúc lớp cát trên đường ra đổ ngoài bờ đê. Được biết, người này được chủ các bến cát trên thuê để xúc cát rơi vãi trên mặt đường, tuy nhiên cũng 2-3 ngày mới “tranh thủ” xúc một lần rồi đi làm việc khác. 
 
Một người dân sống cạnh QL46C chia sẻ: “Vào mùa hè bụi bay vào tận giường, gia đình tui phải làm cửa 3-4 lớp nhưng trong nhà vẫn có cát. Nhà có giỗ chạp không dám mời ai vì không có chỗ để ngồi, cát bay vào tận mâm nên khổ lắm, cũng có gửi đơn nhiều lần lên các cấp nhưng chưa thấy có gì thay đổi”. 
 
Theo quan sát, bên cạnh bờ đê một số đơn vị tập kết vật liệu xây dựng vi phạm quy định về hành lang bảo vệ đê điều và những xe tải oằn mình leo lên chân đê, trong đó có nhiều xe tải trọng lớn như xe “hổ vồ”, xe bê tông cũng leo lên thân đê khiến tuyến đường bị hư hỏng. 
 
Theo ông Nguyễn Thạc Dương, Chủ tịch UBND xã Xuân Lâm, trên địa bàn xã có một bến cát được cấp phép hoạt động. Việc người dân phản ánh bụi do cát và xe cộ đi lại rơi vãi dọc đường QL46 là chính xác.
 
Trước việc người dân phản ánh, xã đã mời chủ các bến cát yêu cầu cam kết có biện pháp vệ sinh và xã đã có báo cáo với huyện và các ngành liên quan qua các cuộc giao ban; đồng thời đề nghị phía công an tăng cường tuần tra kiểm soát các phương tiện quá khổ, quá tải. 
 
“Việc cát bay vào nhà dân thường xảy ra vào thời điểm mùa hè có gió, khiến người dân rất khó chịu, xã cũng đã yêu cầu doanh nghiệp cam kết, nhưng địa bàn xã chỉ có 1 bến, cũng không thể quy cho bến nào gây ô nhiễm, nên việc xử lý cũng khó khăn”, ông Dương nói.
 
Bến cát không phép, xe tải đe dọa bờ đê
 
Còn ông Hoàng Nghĩa Quang, Chủ tịch UBND xã Hưng Lĩnh cho biết, trên địa bàn xã có hai bến cát hoạt động, trong đó bến cát DNTN Tuyết Công đã được cấp phép và được thuê đất hoạt động, còn bến cát của Cty CPĐTXD Đại Yên Bình chưa hoàn thành thủ tục thuê đất và chưa được cấp phép bến thủy nội địa. 
 
Ông Quang cho hay, năm 2018 nắng rất to, dân phản ánh địa phương đã mời 3 doanh nghiệp đối thoại với người dân và yêu cầu cam kết bảo vệ môi trường. “Phía Công ty Đại Yên Bình đang trình các cơ quan xin cấp phép, địa phương có một phần trách nhiệm trong việc để bến cát chưa có phép hoạt động và vấn đề quản lý môi trường, nhưng cũng có phần trách nhiệm của huyện và tỉnh nữa”, ông Quang cho biết. 
 
Ông Nguyễn Hữu Hà, Trưởng phòng TN&MT huyện Hưng Nguyên cho biết, Phòng chưa nhận được thông tin nào từ phía địa phương và người dân về việc ô nhiễm do cát bụi. Phòng sẽ tiếp nhận thông tin và tiến hành chỉ đạo xã kiểm tra, xử lý. 
 
Theo ông Trần Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý đê điều (Chi cục Thủy lợi Nghệ An), tuyến đê này việc quản lý áp dụng theo quy định tại Thông tư 54 của Bộ NN&PTNT, tải trọng trên đê tối đa là 12 tấn. Với phản ánh xe tải trọng nặng đi trên đê, sắp tới sẽ tiến hành cắm biển hạn chế tải trọng tại các điểm lên xuống, từ đó sẽ có căn cứ để phối hợp với lực lượng CSGT để xử lý. 
 
Còn ông Võ Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ II.3 (thuộc Cục Quản lý đường bộ II) cho biết, tất cả các bến cát, cứ mỗi quý đều tiến hành ký cam kết về việc dọn dẹp với các chủ doanh nghiệp. Thời gian cuối năm ngoái và đầu năm 2020, thanh tra Cục xử lý nhiều phương tiện rơi vãi, vi phạm tải trọng.
 
“Việc tuần tra lưu động, trách nhiệm của CSGT là chính, lực lượng thanh tra chuyên ngành chỉ kiểm tra đầu nguồn hàng, nhưng do lực lượng mỏng không thể thường xuyên có mặt ở đó. Khi tiếp nhận thông tin từ báo chí thì thanh tra sẽ lên kế hoạch để kiểm tra”, ông Giang cho biết.