Những ngày đầu tháng 1, tại xưởng chế biến tinh bột sắn của ông Nguyễn Hồng Phúc ở xóm Lĩnh Khánh, xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn, Nghệ An) vẫn tấp nập người ra kẻ vào, các xe tải trọng lớn vẫn đều đặn vận chuyển nguyên liệu vào xưởng như thể chẳng có chuyện gì xảy ra. Điều này khiến dư luận không khỏi hoang mang, nhất là khi văn bản đình chỉ hoạt động của UBND huyện Nghĩa Đàn đang còn nguyên hiệu lực.
Xác nhận trên Nông nghiệp Việt Nam, ông Trịnh Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Khánh khẳng định đã có nhiều đoàn công tác của tỉnh, của huyện về làm việc nhưng câu chuyện trên vẫn chưa ngã ngũ: “Chính quyền địa phương cấp xã chỉ mang tính chất giám sát, kiến nghị và báo cáo chứ không đủ thẩm quyền để đình chỉ, xử lý”.
Đến đây xin được nhắc lại những nội dung chính của Công văn số 1590/UBND-TNMT ngày 18/11/2021 của huyện Nghĩa Đàn: Từ năm 2015 ông Nguyễn Hồng Phúc xây dựng xưởng chế biến tinh bột sắn tại xóm Lĩnh Khánh (thuộc thửa đất 745 tờ bản đồ số 1, hiện trạng là đất rừng sản xuất), xưởng hoạt động từ tháng 12/2015. Hành vi trên vi phạm quy định của pháp luật về đất đai và trật tự xây dựng, vụ việc đã được UBND huyện Nghĩa Đàn kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính số tiền 40.000.000 đồng, đồng thời yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên ông Phúc chỉ nộp tiền xử phạt nhưng không thực hiện các biện pháp khắc phục.
Công văn còn thể hiện UBND huyện Nghĩa Đàn đã cử Đoàn công tác tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của xưởng chế biến sắn không phép, trên cơ sở thực tế yêu cầu phải đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm trong 2 tháng để khắc phục hậu quả, đồng thời xử phạt hành chính vỏn vẹn… 1.750.000 đồng.
Ngay từ thời điểm công văn đình chỉ phát ra đã có những ý kiến đánh giá UBND huyện Nghĩa Đàn đang “giơ cao đánh khẽ”. Thứ nhất, cơ sở của ông Nguyễn Hồng Phúc có hành vi hoạt động “chui” suốt 6 năm trời, tại sao cơ quan liên quan lại xử lý rề rà cho qua chuyện suốt thời gian dài. Thứ hai, để hoàn thiện, khắc phục các nội dung còn thiếu chỉ trong 2 tháng ngắn ngủi là chuyện khó hơn lên trời. Thứ ba, hết thời hạn thực thi cũng chính là lúc vụ sắn chính vụ cơ bản kết thúc, lúc đó dẫu có ra sao thì chủ xưởng cũng có thể kê cao gối ngủ ngon.
Pháp lý không đủ sức răn đe ắt hẳn sẽ dẫn đến tình trạng nhờn luật, với việc “vượt rào” khi công văn chỉ đạo còn chưa ráo mực càng chứng thực rõ nét quan điểm trên.
Khi bàn đến trách nhiệm tất thảy đều chối đây đẩy: Xã không đủ thẩm quyền, huyện ngó lơ. Dư luận tự hỏi đến bao giờ xưởng chế biến tinh bột sắn không phép mới bị cưỡng chế?