Khu đất không được tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa
Công ty CP Bến xe Nghệ An được thành lập và hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 2900599622, đăng ký lần đầu 30/7/2004, thay đổi lần thứ 6 vào ngày 5/7/2013. Sau khi Cổ phần hóa (tháng 7/2004), vốn Nhà nước tại Công ty CP Bến xe Nghệ An chiếm 59,1%, đến tháng 12/2014 Nhà nước đã thoái toàn bộ số vốn này cho các tổ chức, cá nhân khác. Vì vậy, sau thời điểm năm 2014, Công ty CP Bến xe Nghệ An là công ty CP không có vốn nhà nước.
Xí nghiệp Bến xe Khách Nghệ An trước đây được giao khu đất làm bến xe với diện tích 9.667,8m2 tại thửa đất số 28, thuộc tờ bản đồ số 47 phường Lê Lợi, TP Vinh. Sau cổ phần hóa khu đất này được UBND tỉnh Nghệ An cho Công ty CP Bến xe Nghệ An thuê theo Quyết định số 475/QĐ-UBND.ĐC ngày 31/12/2008 với diện tích 9.667,8m2 để sử dụng vào mục đích “làm bến xe”, với thời hạn thuê đất đến ngày 31/12/2048 theo hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.
Khu đất được Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An ký hợp đồng thuê đất số 10/HĐ-TĐ ngày 21/1/2009 và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AL508679 ngày 2/4/2009. Tại thời điểm năm 2004, khu đất nói trên không được tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa cho Công ty Cổ phần Bến xe Nghệ An.
Để giảm áp lực về cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị, năm 2009, UBND tỉnh Nghệ An đã ra các quyết định di dời Bến xe Vinh (tại số 77 đường Lê Lợi, phường Lê Lợi ra xã Nghi Kim, TP Vinh). Khu đất được giao cho Công ty CP Bến xe Nghệ An triển khai dự án nằm sát QL1A, cách bến xe cũ khoảng 5km, có tổng diện tích 44.920 m2.
Theo quy hoạch chi tiết, các hạng mục công trình chính sẽ được triển khai như nhà điều hành bến xe khách chờ 3 tầng, diện tích xây dựng 550 m2; cửa hàng ăn uống, giải khát 400m2; sân bãi đậu xe các loại 10.900m2; nhà xưởng bảo dưỡng, sữa chữa 650 m2; nhà nghỉ, phục vụ khách bình dân 3 tầng diện tích 370m2; nhà công vụ cho cán bộ, công nhân viên 325m2; nhà hàng cao cấp 1 tầng diện tích 1.250m2; trung tâm thương mại cao 5 tầng diện tích 1.200m2; khách sạn du lịch cao 7 tầng diện tích xây dựng 1.500m2; khu vui chơi giải trí, thể thao diện tích 4.800m2… tổng diện tích xây dựng công trình là 12.557m2 với tổng mức đầu tư hơn 270 tỉ đồng.
Dự án “rùa bò”, hàng chục ngàn m2 đất bị bỏ hoang
Được UBND tỉnh Nghệ An tạo điều kiện, giao hàng chục ngàn m2 “đất sạch” là thế nhưng Công ty CP Bến Xe Nghệ An đã triển khai dự án hết sức chậm chạp, cố tình chây ỳ, nhiều người dân gọi đây là dự án “rùa bò”.
Theo kế hoạch, giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 76 tỉ đồng gồm các hạng mục nhà điều hành, bán vé và khách chờ, nhà nghỉ trọ, nhà ăn tập thể, xưởng sửa chữa, ki ốt dịch vụ…sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trước 30/4/2014.
Giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 197,7 tỉ đồng gồm các hạng mục trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, khách sạn, dịch vụ ăn uống… sẽ hoàn thành vào cuối năm 2016.
Thế nhưng mãi đến tháng 4/2018 (gần 10 năm sau –PV), Công ty Bến Xe Nghệ An mới hoàn thành giai đoạn 1 để đưa dự án vào hoạt động. Giai đoạn 2 đến nay vẫn dậm chân tại chỗ, chưa có một hạng mục nào được thi công, đất đai bị bỏ hoang hóa nhiều năm, gai góc mọc um tùm. Như vậy sau gần chục năm được giao hàng chục ngàn m2 đất giáp QL1A, có khả năng sinh lợi cao, Công ty Bến Xe Nghệ An mới hoàn thành dự án được một nửa so với yêu cầu.
Trong khi dự án được giao chưa hoàn thành, hàng chục ngàn m2 tại xã Nghi Kim bị bỏ hoang nhiều năm qua với lí do “thiếu vốn” thì Công ty Bến Xe Khách Nghệ An lại chứng minh có “năng lực” thực hiện dự án hàng trăm tỉ đồng tại bến xe cũ nên vẫn không chịu “buông” khu đất này.
Ông Nguyễn Văn Khiêm – Chủ tịch UBND xã Nghi Kim, TP Vinh bức xúc: “Trong quá trình giải phóng mặt bằng, chúng tôi ra sức thuyết phục người dân là dự án sẽ thay đổi bộ mặt của xã, có trung tâm thương mại và nhiều công trình mà người dân sẽ được hưởng lợi nên họ đã vui vẻ đồng ý bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên sau đó, Công ty Bến Xe Nghệ An đã kéo dài lê thê dự án qua nhiều năm, cho đến nay giai đoạn 2 vẫn dậm chân tại chỗ khiến người dân hết sức bức xúc. Các lần tiếp xúc cử tri mới đây, người dân đã gay gắt nếu không làm dự án nữa thì trả đất lại cho dân nhưng phía công ty vẫn chưa có động thái gì”.
Không chỉ về vấn đề chậm tiến độ mà thời gian qua, khi đưa dự án bến xe vào hoạt động (giai đoạn 1) do không xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường triệt để nên nước thải từ bến xe chảy ra ruộng đồng, kênh rạch khiến người dân hết sức bức xúc. Tuy nhiên, đến nay Công ty Bến Xe Nghệ An vẫn chưa xử lý đến nơi đến chốn khiến người dân tiếp tục phản ánh lên cơ quan báo đài, các cuộc tiếp xúc cử tri.
Trao đổi với chúng tôi vì sao dự án chậm trễ tiến độ, gây lãng phí đất đai, tài nguyên, bức xúc cho người dân, ông Trần Minh Thành - Tổng giám đốc Công ty CP Bến xe Nghệ An cho biết: “Chậm trễ là có cả nguyên nhân khách quan, lẫn chủ quan. Chúng tôi đã xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư đến năm 2020. Khu đất đầu tư giai đoạn 1 chúng tôi đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, còn khu đất ở giai đoạn 2 sẽ xin điều chỉnh lại vì công ty không có phương án làm khách sạn nữa mà sẽ xin bổ sung cây xăng”.
Khi được hỏi vì sao không xin điều chỉnh để tiến hành làm sớm mà mãi đến bây giờ gần chục năm rồi vẫn để đất đai hoang hóa, lãng phí? Ông Thành cho hay: “Cái đó có quan trọng gì đâu, bây giờ nhìn thấy phù hợp mới xin điều chỉnh. Nếu thấy phù hợp ngay từ đầu thì cần gì điều chỉnh nữa. Điều chỉnh bao nhiêu năm có quan trọng gì, những cái nào chậm thì đã báo cáo với tỉnh rồi. Năm 2018 làm bến xe giai đoạn 1, năm 2020 sẽ làm giai đoạn 2”.
Về vấn đề dự án bến xe tại xã Nghi Kim kéo dài, chậm tiến độ cả chục năm trong khi Công ty lại lập dự án hàng trăm tỉ tại bến xe cũ và không trả lại đất cho UBND tỉnh? Ông Thành cho hay: “Cái đó doanh nghiệp đầu tư là chuyện bình thường. Chúng tôi đầu tư theo đúng lộ trình Nhà nước phê duyệt. Đất nhà nước cho doanh nghiệp thuê và doanh nghiệp đang có nhu cầu sử dụng chứ sao lại phải trả. Doanh nghiệp đâu chỉ làm một bến xe đâu, còn nhu cầu sử dụng khác. Doanh nghiệp có nhiều ngành nghề mà”.
Ông Nguyễn Viết Hùng – Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở GTVT Nghệ An cho biết: "Nếu so với quyết định phê duyệt dự án thì dự án Bến xe Bắc Vinh có chậm tiến độ, gây lãng phí tài nguyên đất cũng như bức xúc dư luận. Tuy nhiên, Sở GTVT chỉ quản lý sau khi bến xe đi vào hoạt động, còn các vấn đề về tiến độ, quy hoạch thì thuộc thẩm quyền của một số sở, ban ngành khác. Ngoài bến xe Bắc Vinh, Công ty Bến xe Nghệ An hiện tại còn một dự án bến xe phía Nam (xã Hưng Thịnh, Hưng Nguyên) chậm tiến độ nhiều năm nay, chúng tôi gửi công văn nhắc nhở, đôn đốc nhưng đến nay vẫn còn treo".
Việc “ngâm” đất vàng, kéo dài thời gian thực hiện dự án Bến xe Bắc Vinh (xã Nghi Kim, TP Vinh) đã nhiều năm nay là thế nhưng điều “lạ lùng” chủ đầu tư là Công ty Bến Xe Nghệ An không bị bất kỳ một hình thức xử lý nào, mà tiếp tục lập dự án mới để “thâu tóm” khu đất vàng hàng ngàn tỉ đồng tại bến xe cũ (77 Lê Lợi, phường Lê Lợi, TP Vinh, Nghệ An). Ai đứng sau việc “hợp thức hóa” tài sản nhà nước (lúc Cổ phần hóa không đưa khu đất vào giá trị doanh nghiệp) để vẽ ra dự án Khu đô thị Bông Sen của một Công ty tư nhân? Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Để di dời Bến xe Vinh (77 Lê Lợi, phường Lê Lợi, TP Vinh), UBND tỉnh Nghệ An đã cho công ty CP Bến Xe Nghệ An thuê hơn 44 ngàn m2 tại xóm 1, xã Nghi Kim, TP Vinh làm bến xe mới. Tuy nhiên khi đưa dự án mới vào hoạt động, Công ty này vẫn không “buông” khu đất cũ mà tiếp tục lập dự án để “thâu tóm” khu đất vàng hàng ngàn tỉ đồng.
Dư luận băn khoăn việc cho Công ty CP Bến Xe Nghệ An chuyển đổi mục đích từ đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp thành đất ở đô thị tại khu đất “vàng” 77 Lê Lợi, phường Lê Lợi, TP Vinh có gây áp lực lên cơ sở hạ tầng đô thị? Đặc biệt tại thời điểm năm 2004, khu đất nói trên không được tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa cho Công ty Cổ phần Bến xe Nghệ An thì việc giao “đất vàng” cho doanh nghiệp này có trái pháp luật cũng như Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội, gây nguy cơ thất thoát hàng trăm tỉ đồng do không đấu giá?