Chỉ với giá 300.000đ/nhẫn kim tiền vàng 10k trong ngày vía Thần Tài, chuyên gia khuyến cáo, không có khái niệm vàng non, vàng 10k, đó là cách nói mập mờ để bán vàng giả.
Để lấy may cho một năm làm ăn phát tài phát lộc, tiền bạc rủng rỉnh, với giới kinh doanh, người làm ăn buôn bán, tiểu thương coi ngày vía Thần Tài là ngày rất quan trọng. Bên cạnh các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vàng bạc nhộn nhịp phục vụ cho ngày Vía Thần Tài thì thị trường online cũng sôi động không kém. Điều đáng nói, nếu các doanh nghiệp vàng bạc kinh doanh vàng thật thì rất nhiều shop trên mạng chỉ bán vàng... rởm. Loại vàng phục vụ cho ngày vía Thần Tài thường được người bán gọi với cái tên: Vàng 10k, vàng non...
Theo khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam Online, các sản phẩm dưới tên vàng 10k, vàng non có giá không rẻ. Một chiếc nhẫn kim tiền được bán dao động từ 300.000đ - 1.200.000đ/chiếc, dây chuyền có giá từ 80.000 - 1.500.000đ/chiếc tùy loại.
Nhiều loại trang sức được quảng cáo làm từ những loại vàng non cũng rất đa dạng với nhiều mẫu mã từ hiện đại đến truyền thống. Hơn nữa, giá thành lại rẻ hơn vàng 24K (99,99%) vàng 10 tuổi, hay vàng 90% vàng 9 tuổi. Vì thế, loại trang sức này cũng phù hợp với túi tiền của nhiều chị em. Giá của một chiếc nhẫn vàng non đính đá khoảng 500.000 đồng, bộ hoa tai 350.000 đồng, dây chuyền 1000.000 đồng…
"Trong khoa học, địa chất học và ngành kim hoàn, không có khái niệm “vàng non” mà chỉ có vàng bao nhiêu phần trăm. Việc người ta bán trang sức với danh nghĩa vàng non, vàng 10k là một cách nói mập mờ, rất có thể là để bán vàng giả." - GS. TSKH Phan Trường Thị.
Theo chị Nguyễn Hải Yến (Ngõ 135, Đội Cấn, Hà Nội), thói quen mua vàng ngày vía Thần Tài được chị duy trì nhiều năm nay. Kinh tế không dư dả nên chị thường mua loại nhẫn kim tiền 10k trên mạng lấy may thay vì mua các loại vàng 4 số 9 ở cửa hàng kinh doanh vàng bạc.
"Thấy quảng cáo trên mạng nhẫn kim tiền tài lộc vàng 10k được chế tác từ vàng 10k nên tôi cũng mua mong một năm may mắn, tài lộc. Còn chất lượng vàng thật hay giả thì rất khó nói, chỉ có mấy trăm nghìn thì chắc không phải vàng xịn", chị Yến nói.
Giống chị Yến, Mai Hoa (Ngọc Hà, Ba Đình) - chủ tiệm Nail cũng cho rằng, các loại nhẫn kim tiền, trang sức vàng non giá rẻ trên mạng khó có chất lượng thật, nhưng nhu cầu mua vàng lấy may thì việc mua vàng thật hay giả chỉ là vấn đề tâm linh chứ không phải vấn đề kinh tế.
"Có lần thấy quảng cáo vàng 10k, mình mua một chiếc nhẫn giá gần 500.000đ về đeo lấy may, được mấy hôm thì bạc màu, phản ánh tới chủ shop thì được trả lời là hàng mạ vàng mới có giá đó. Rõ ràng họ quảng cáo một đằng bán hàng một nẻo nhưng đầu xuân năm mới nên chuyện cãi vã mình cũng dễ dàng bỏ qua. Những lần sau mua vàng kim tiền không để đeo mà chỉ cất đi để lấy may", Hoa chia sẻ.
Nhẫn kim tiền được quảng cáo là vàng 10k bán nhiều trên mạng xã hội và các sàn điện tử.
Đề cập đến chất lượng vàng 10k, vàng non, GS.TSKH Phan Trường Thị, Viện trưởng Viện Đá quý, Vàng và Trang sức Việt Nam cho hay, hiện không có loại vàng nào là vàng non hay vàng già, vàng trung tuổi. Theo GS Thị, người ta không phân loại vàng theo tuổi, đó chỉ là cách gọi truyền miệng. Giá trị của vàng được xác định bằng tỉ lệ phần trăm vàng có trong sản phẩm. Vàng có tỉ lệ thấp nhất trên thị trường hiện nay là vàng 1 số 9 (74-75%), vàng có giá trị cao nhất là vàng 4 số 9, chính là vàng 24K.
"Các loại trang sức với tên gọi vàng non tuổi, vàng 10k... đều không được gọi là vàng, người tiêu dùng không nên mua vì nó không có giá trị. Chỉ mua vào chứ không bán ra được, do đó đừng bỏ tiền thật để mua hàng rởm", GS. Thị nói.
Để chắc chắn, sau khi mua vàng, khách hàng có thể đem đi giám định tuổi vàng. Đối với vàng trắng, vàng tây, độ dung sai cho phép là 2%, tức là tuổi vàng 18k, khi giám định được 73-74% vàng là có thể chấp nhận được, con số này ở vàng ta thì sai số chỉ là 1-2%, tức là vàng ba, bốn số 9, khi giám định phải đạt 99,8% mới chấp nhận được, chuyên gia khuyến cáo.
Hiện nay riêng trong lĩnh vực vàng trang sức, đã có 16 tiêu chuẩn quốc gia TCVN được Bộ KH&CN công bố. 16 TCVN bao gồm các tiêu chuẩn quy định về nhãn mác, tiêu chuẩn xác định hàm lượng vàng, tiêu chuẩn quy định về lấy mẫu, tiêu chuẩn về phương pháp đo, tiêu chuẩn quy định phương pháp trọng lượng, thể tích...
Thông tư 22/2013/TT-BKHCN cũng quy định rất rõ tiêu chuẩn công bố áp dụng cho sản phẩm. Trường hợp, sản phẩm có đặc tính kỹ thuật, mã ký hiệu, tên khác nhau thì phải công bố tiêu chuẩn áp dụng khác nhau.
Tiêu chuẩn công bố gồm: Thông tin về sản phẩm và nhà phân phối: Tên (nhẫn), mã ký hiệu (DOJI), tên địa chỉ nhà sản xuất hoặc phân phối; Yêu cầu kỹ thuật: Khối lượng vàng, hàm lượng vàng, mô tả đặc điểm riêng như nhồi, không nhồi, đúc, rỗng… Ghi ký hiệu: G.P = Vàng bọc, phủ; GF = Vàng nhồi…
Các sản phẩm vàng trang sức trên thị trường phải đảm bảo các quy định về chất lượng vàng, cách ghi nhãn sản phẩm theo quy định hiện hành.