Thế giới không ngừng vận động và thay đổi, con người cũng trở nên nhỏ bé và trầm lặng hơn. Những tương tác xã hội là một thứ khá xa xỉ trong cuộc sống hiện tại. Điều này khiến cho sự chân thành trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Chính vì thế, sự chân thành là điều được coi trọng nhất trong cuộc sống. Chân thành đơn giản là cách bạn sống không vụ lợi, tính toán hoặc nịnh bợ để làm vừa lòng người khác.
Người chân thành luôn muốn dành cho mọi người những điều tốt đẹp nhất và mang đến sự ấm áp, hạnh phúc, bình yên. Không chỉ thể hiện trong lời nói, sự chân thành còn được thể hiện qua cử chỉ, thái độ thật lòng và tình cảm bền lâu.
Sống thành thật với chính mình và mọi người xung quanh là cách mà người chân thành luôn hướng đến.
Danh ngôn có câu: "Sự khôn ngoan cao cấp chính là sự chân thành". Ai trong số chúng ta cũng đều mong muốn tìm kiếm sự thật. Con người ta thà chấp nhận một sự thật xấu xí còn hơn một sự dối trá tốt đẹp…
Chỉ có sự chân thành mới là sợi tơ duyên gắn kết tình cảm con người bền chặt hơn. Người chân thành sẽ luôn giữ được sự thanh thản trong tâm hồn và được người khác yêu quý, mến mộ. Lời nói chân thành luôn có sức thuyết phục và tin cậy hơn.
Nếu bạn hành xử trong sự chân thành, bạn sẽ ngày càng tự tin và vững vàng hơn. Khi có được sự tin cậy của mọi người, bạn vẫn có nhiều cơ hội để vươn lên, kể cả khi đã vấp ngã và đánh mất sự nghiệp, tiền bạc.
Chính vì thế, khi sống bên những người chân thành, cuộc sống sẽ dễ chịu và hạnh phúc. Bạn không phải giấu giếm, che đậy con người thật của mình mà được là chính mình và cảm giác được tin tưởng.
Ngược lại, những người dối trá sẽ luôn sống trong lo sợ, lừa dối người khác. Họ chỉ khiến người ta tin tưởng trong một thời gian ngắn, còn người chân thành luôn có được niềm tin lâu dài từ người khác.
Tiếc là phẩm chất này rất khó để nhận ra vì chúng ta thường đánh giá người khác thông qua lăng kính chủ quan của bản thân.
Bên cạnh đó, sự chân thành đã trở thành một phẩm chất hiếm có trong một thế giới đầy rẫy giả tạo, bị ảnh hưởng bởi mặt trái của truyền thông, của thế giới ảo, nơi mà ai cũng muốn cái họ không có, không ai hài lòng về bản thân và quan trọng hơn nữa là không ai chịu thừa nhận những điều kể trên.
1. Chấp nhận những lời chỉ trích để khám phá bản thân và trở thành phiên bản tốt nhất
Mặc dù ai cũng nói "Cuộc sống là của riêng bạn, đừng bận tâm đến lời bàn tán của người khác", nhưng thỉnh thoảng lắng nghe những lời chỉ trích, góp ý của người khác, bạn có thể sẽ tìm ra những điều mà bạn thường không để ý.
Giống như câu "Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng", những lời chỉ trích cay nghiệt, dù thật khó để chấp nhận, lại góp một phần không nhỏ cho sự thành công của chúng ta. Vả lại, điều quan trọng hơn là chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng một số bí quyết đơn giản để việc đối mặt với lời chỉ trích không còn khiến bản thân thấy nhụt chí hay xuống tinh thần.
2. Nói những điều tốt đẹp với chính mình
Chúng ta thường có xu hướng hạ thấp bản thân (hay tỏ ra khiêm tốn) với mong muốn được người khác nâng mình lên. Tuy nhiên, về lâu dài, điều này có thể tạo nên vết hằn ý thức và nảy sinh cảm giác tự ti. Từ giờ, đừng phụ thuộc vào lời khen của người khác nữa, đừng chờ đợi hay đi tìm sự công nhận từ bên ngoài mà hãy tự nói những lời tốt đẹp với chính bản thân mình cũng như ghi nhận những điều mà bản thân làm được.
Cách bạn nhìn nhận bản thân quan trọng hơn cách người khác nhìn vào bạn. Nếu bạn liên tục nói rằng mình xấu xí, mình vô dụng, mình không thể làm được… não bộ sẽ tin rằng điều đó là đúng.
Để thay đổi niềm tin của não bộ, bạn có thể bắt đầu bằng việc nói đủ lớn để bản thân nghe được những tuyên bố tích cực, ví dụ như đứng trước gương và nói rằng "trông mình cũng không đến nỗi tệ đấy chứ". Bạn cũng nên diễn đạt bằng câu hỏi, ví dụ như "tại sao mình có thể hoàn thành được việc này?".
Quá trình đi tìm câu trả lời sẽ giúp bạn củng cố niềm tin vào bản thân. Nếu có nhen nhóm suy nghĩ "mình đang ảo tưởng về bản thân" cũng chẳng sao, hãy cho phép bản thân "ảo tưởng" một chút để khích lệ tinh thần của bạn, điều đó cần thiết hơn.
3. Đồng cảm và lắng nghe câu chuyện của người khác
Trong cuộc sống, lắng nghe câu chuyện của người khác không chỉ nghe đơn phương mà là cách thể hiện sự đồng cảm của chính bạn. Thực tế, lắng nghe thấu đáo tạo sự đồng cảm sẽ giúp bạn dành được lòng tin của người khác, giúp bạn cùng giải quyết hoặc thấu hiểu vấn đề của họ, chứ không phải đơn thuần chỉ gật đầu cho có, hoặc vội vàng đưa ra lời khuyên chưa phù hợp với mong muốn của người đang chia sẻ.
Một người lắng nghe đồng cảm đóng vai trò là một người thúc đẩy hành động và tạo động lực cho người khác. Trong đó, thành công được đo bằng khả năng hiểu được những vấn đề của người nói. Lắng nghe một cách cẩn thận,không đánh giá hay phán xét và khi thích hợp, lặp lại cụm từ nào đó để khuyến khích người khác mở lòng hơn. Hãy chú ý nhiều tới những gì không được nói, hoặc những gì đang được nói với cảm xúc và ngôn ngữ cơ thể.
4. Thoải mái khi được là chính mình
Được sống là chính mình luôn là điều mà người chân thành mong muốn. Khi được là chính mình, họ sẽ thoải mái làm những việc mình thích và không quá coi trọng cái nhìn của người khác. Sự chân thành giúp con người tự tin theo đuổi mục tiêu của mình mà không bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài.
5. Tìm kiếm hạnh phúc từ những điều giản đơn
Những điều đơn giản trong cuộc sống như một nụ cười, một lời hỏi thăm… cũng đủ khiến người chân thành cảm thấy ấm áp và hạnh phúc. Họ sẽ tìm kiếm hạnh phúc từ những điều đơn giản và luôn giữ thái độ sống tích cực với công việc, bản thân và cả những người xung quanh.
Tóm lại: Chân thành là phương thức hòa hợp tiên tiến nhất và là phẩm chất quý báu trong cuộc sống. Không chỉ gắn kết tình cảm con người, chân thành còn là kim chỉ nam dẫn bước con người chạm đến thành công./