Trong ngày đầu tiên thực hiện, nhiều điểm mới mang tính tích cực của mô hình chính quyền đô thị đã được thể hiện tại Hà Nội.
Ngày đầu thực hiện, chính quyền đô thị ở Hà Nội vận hành thế nào?
Công chức bộ phận một cửa UBND phường Bách Khoa tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

Người dân hưởng lợi

Hôm nay, ngày 1/7/2021, tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây TP Hà Nội bắt đầu tổ chức triển khai Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.

Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội sẽ có nhiều quy định mới, phân định rõ cách quản lý của chính quyền đô thị khác với chính quyền ở khu vực nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với đặc thù đô thị...

Thay đổi có thể dễ dàng nhận thấy nhất trong ngày đầu thực hiện mô hình chính quyền đô thị là việc thực hiện công chức giấy tờ của công dân được thuận lợi và nhanh gọn hơn.

Cụ thể, tại phường Quan Hoa (Cầu Giấy), hôm nay, Chủ tịch UBND phường ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu đối với giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận, chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản theo quy định của pháp luật.

"Việc này sẽ giảm bớt công việc cho Chủ tịch phường hay Phó Chủ tịch phường. Đặc biệt là giúp người dân nhanh chóng và thuận tiện trong việc chứng thực những giấy tờ liên quan", Chủ tịch UBND phường Quan Hoa cho hay.

Anh Đồng Văn Tú (Thanh Xuân, Hà Nội) vui mừng khi hôm nay đến phường công chứng, thủ tục rất nhanh chóng, anh không phải chờ lấy như những lần trước.

"Tôi mang giấy tờ bản photo và bản chính đến bàn làm việc của cán bộ tư pháp sau đó họ ký và đóng dấu xác nhận luôn, không phải chờ sáng đi công chứng thì chiều mới lấy như trước", anh Tú nói

Người đứng đầu phải có năng lực, trình độ cao

Một trong những điểm quan trọng trong trong Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội đó là không còn tổ chức HĐND cấp phường ở 175 phường.

Có mặt tại trụ sở phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng trong hôm nay, PV nhận thấy trụ sở phường đã được trang trí lại, thay mới những biển bảng có liên quan đến HĐND phường, trong đó biển hiệu trụ sở phường đã không còn chữ HĐND mà chỉ ghi trụ sở Đảng ủy - UBND phường Bách Khoa.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Bách Khoa Nguyễn Văn Khang cho biết, từ trước đó, bộ máy cán bộ đã được rà soát sắp xếp kiện toàn theo đúng mô hình chính quyền đô thị, trong đó Chủ tịch HĐND đã được luân chuyển sang làm Chủ tịch UBND phường khác, Phó Chủ tịch HĐND phường sang làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, bà Vũ Thu Hà cho biết, khi không còn HĐND cấp phường, có một số ý kiến băn khoăn như: "Ai sẽ giám sát hoạt động của UBND phường và việc thực hành quyền dân chủ, giám sát của nhân dân được thực hiện thông qua hình thức nào, hiệu quả ra sao?"

Vấn đề này, bà Vũ Thu Hà cho biết, quyền dân chủ và giám sát của nhân dân vẫn được bảo đảm, tăng cường hơn bằng hình thức trực tiếp của nhân dân hoặc gián tiếp qua các tổ chức, đoàn thể khác ở địa phương.

Cụ thể, tổ chức đảng ở địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và trực tiếp người dân sẽ thực hiện giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật tại địa phương. HĐND quận sẽ giám sát UBND phường trong việc thực hiện các nhiệm vụ mà HĐND, UBND quận giao cho UBND phường thông qua hoạt động giám sát của các tổ đại biểu HĐND quận.

Việc tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phường tập hợp và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đặc biệt, hằng năm ít nhất 2 lần, trước kỳ họp thường kỳ của HĐND quận, thị xã, Chủ tịch UBND phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân về những vấn đề liên quan đến quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của công dân ở phường mình.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đinh Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, đây là chủ trương cải cách hành chính rất quan trọng theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Điều này nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của chính quyền đô thị.

"Việc không còn HĐND cấp phường giúp cho hiệu lực, hiệu quả, độ nhanh nhạy trong hoạt động tổ chức chính quyền sẽ được nâng cao. Độ trễ trong quyết định hành chính ở vụ việc cụ thể sẽ được giảm xuống", ông Dĩnh nói.

Không những vậy, theo ông Dĩnh việc bỏ HĐND cấp phường sẽ giảm bớt đội ngũ biên chế, không còn cồng kềnh như trước trong khi đó hiệu quả công việc vẫn được đảm bảo.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, khi không còn HĐND thì người đứng đầu, cụ thể là Chủ tịch UBND phường là người chịu trách nhiệm rất lớn, vì vậy đòi hỏi vị trí này phải có năng lực và phẩm chất tốt.

"Với mô hình chính quyền đô thị, UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, tức là người đứng đầu cơ quan, tổ chức có toàn quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm cá nhân về mọi vấn đề trong phạm vi thẩm quyền. Điều này đòi hỏi nhân sự Chủ tịch UBND phường phải có năng lực, trình độ, phẩm chất và trách nhiệm cao. Tương tự, đội ngũ công chức làm việc tại phường cũng phải có những tiêu chuẩn đáp ứng được yêu cầu công việc trong giai đoạn mới", ông Dĩnh nói.