Nhiều tuyến quốc lộ lớn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thường xuyên bị ngập sâu, gây khó khăn cho việc lưu thông.
Ngập úng đe dọa nhiều tuyến quốc lộ ở ĐBSCL
Một điểm ngập trên QL63 đoạn qua tỉnh Cà Mau khiến việc lưu thông của người dân gặp nhiều khó khăn

Nhiều tuyến quốc lộ huyết mạch bị “đứt mạch”

QL1 là tuyến đường huyến mạch từ TP HCM đi các tỉnh ĐBSCL. Thế nhưng, trên tuyến đường này hiện có nhiều điểm thường xuyên bị ngập mỗi khi có mưa lớn hoặc triều cường.

Có khi nước ngập từ 30 - 60cm, khiến tuyến đường bị chia cắt, phương tiện lưu thông rất khó khăn, thậm chí không đi được dẫn đến ùn tắc nghiêm trọng. Những ngày gần đây, khi khu vực miền Nam vào mùa mưa, dọc QL1 qua tỉnh miền Tây thường xuyên xảy ra tình trạng này.

Tại Km1967 - Km 1967+675 đoạn qua tỉnh Tiền Giang, ghi nhận của PV Báo Giao thông, mặt đường QL1 bị rạn nứt một đoạn dài gần 1km. Ông Thượng Quang Thuần, Chi cục trưởng Chi cục QLĐB IV.3 cho biết, đây là hậu quả do bị ngập thường xuyên trong những năm qua. Mặt đường nhựa bị ngấm nước lâu bởi triều cường và mưa khiến nhựa nhanh bị nhão.

“Ngập nặng nhất là từ tháng 8 đến tháng 12 hàng năm và diễn ra 3 ngày giữa tháng và 3 ngày cuối tháng khi triều cường lên. Trong một ngày có thể bị ngập 2 lần từ 6h - 8h sáng và từ 18h - 20h. Nguyên nhân là do gần đó có một đập ngăn mặn trên kênh Bảo Định, mỗi khi đập này đóng, kết hợp triều cường khiến nước dâng lên và tràn qua quốc lộ”, ông Thuần nói.

Tuy nhiên, nặng nhất là đoạn QL1 qua tỉnh Vĩnh Long, có đến 6 vị trí bị ngập thường xuyên. Chẳng hạn, tại vị trí Km2042 - Km2043, Km2053 - Km 2053+500, Km2057 - Km 2057+500, có những đợt ngập kéo dài 12 ngày trong tháng. Những ngày bị ngập sâu từ 30-50cm, có nơi ngập 60cm khiến việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn. Ô tô phải đi chậm, xe gắn máy có khi bị chết máy giữa đường. Kẹt xe, ùn tắc xảy ra hàng km trên tuyến đường huyết mạch này.

“Cán bộ của Cục QLĐB IV phải dùng bơm để bơm nước ra, giúp giảm ngập cho các phương tiện lưu thông”, ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục QLĐB IV cho biết.

Cũng trên tuyến QL1 đoạn qua tỉnh Bạc Liêu có đến 9 điểm thường xảy ra ngập. Đoạn qua tỉnh Cà Mau cũng có 1 điểm ngập. Ngập thường xuyên khiến đường bị ngâm nước, lâu ngày khiến nhựa mặt đường hư hỏng, rạn nứt. Khi các phương tiện lưu thông tăng lên, mặt đường bị bong tróc, dễ xuất hiện các ổ gà, ổ voi, thậm chí là hư hỏng thành từng vệt kéo dài.

Không chỉ tuyến QL1, nhiều tuyến khác như: QL53, QL54 qua tỉnh Vĩnh Long cũng có 6 điểm ngập với những lý do tương tự. Đường Hồ Chí Minh đoạn từ Năm Căn về Đất Mũi (Cà Mau) cũng thường xuyên rơi vào cảnh này với 15 điểm thường xuyên bị ngập sâu từ 35 - 45cm. Mỗi khi ngập, nước từ bên này tràn sang bên kia đường tạo thành dòng chảy, gây sạt lở nền đường. Năm 2020 đã có 4 điểm sạt lở trên đường Hồ Chí Minh với chiều dài từ 7 - 20m.

Cần hơn 380 tỷ đồng để xử lý

Ngập úng đe dọa nhiều tuyến quốc lộ ở ĐBSCL
Thi công nâng cao độ nền đường QL63 (qua Cà Mau) để xử lý ngập. Dự kiến trong tháng 7 sẽ hoàn thành thảm bê tông nhựa để đảm bảo lưu thông thuận tiện cho người dân

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục QLĐB IV, nguyên nhân gây ngập ở nhiều tuyến quốc lộ huyết mạch khu vực ĐBSCL do những năm gần đây biến đổi khí hậu diễn ra nghiêm trọng. Mặt khác, tại một số điểm, do việc xây dựng các cống ngăn mặn khiến triều cường dâng cao cục bộ.

“Cùng đó, hệ thống quốc lộ, cao tốc ở vùng ĐBSCL nhiều năm chưa được thực hiện trung tu, đại tu theo định kỳ. Trên các tuyến, điểm nào hư hỏng chỉ sửa cục bộ. Để xử lý dứt điểm các điểm ngập trên cần kinh phí lớn nên chưa giải quyết được”, ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, 2 năm qua, Cục QLĐB IV đã xử lý 5 điểm ngập, trong đó trên tuyến QL1 có 4 điểm qua Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Qua theo dõi, sau khi nâng cao độ mặt đường, đường đã bớt ngập hơn.

Ông Trần Quốc Hợp, Giám đốc Sở GTVT Vĩnh Long cho biết, sau khi nâng cao độ mặt đường QL1 đoạn Km2059 - Km 2061+150, người dân đi lại thuận tiện, không còn ngập gây ùn tắc, đảm bảo ATGT.

“Hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long còn nhiều điểm bị ngập, cụ thể trên QL1 còn 6 điểm với chiều dài gần 3km; QL53 còn 5 điểm, QL54 còn 1 điểm. Chúng tôi kiến nghị cần sớm có giải pháp nâng cao độ mặt đường để đảm bảo lưu thông”, ông Hợp nói.

Tổng thể hơn, theo thống kê của Cục QLĐB IV, hiện ở vùng ĐBSCL có 41 điểm thường xuyên bị ngập tại các tuyến QL1, QL53, QL54, QL57, đường Hồ Chí Minh…

Tại các điểm này, mặt đường bị rạn nứt, ngập nước do triều cường lên từ 10 - 60cm. Khi các đợt ngập diễn ra, các phương tiện giao thông không đi qua được ở những đoạn bị ngập sâu, xe lưu thông bị tắt máy, hư hỏng dẫn đến kẹt xe cục bộ.

Trước tình trạng đó, Cục QLĐB IV đề xuất giải pháp nâng nền đường bằng cấp phối đá dăm, thảm bê tông nhựa 2 lớp. Sửa chữa nâng cao hệ thống thoát nước dọc.

Riêng đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi cần nâng cao nền đường bằng cấp phối đá dăm lớp dưới, lớp trên cán đá 4x6cm, láng nhựa 3 lớp để đảm bảo lưu thông. “Để xử lý dứt điểm các điểm ngập trên cần hơn 380 tỷ đồng”, ông Nguyễn Văn Thành cho biết.

Tuyến QL63 đoạn qua tỉnh Cà Mau những năm qua cũng có nhiều điểm xuống cấp nghiêm trọng do ảnh hưởng bởi triều cường và mưa ngập. Sau khi được cấp kinh phí, Cục QLĐB IV đã cào bốc mặt đường cũ, cán nâng cao độ mặt đường. Theo kế hoạch, trong tháng 7/2021 sẽ hoàn thành thảm bê tông nhựa để đảm bảo giao thông đi lại thuận tiện cho người dân.