Ngày 30/7, tại xã Thạch Mỹ (huyện Lộc Hà) phát hiện một trường hợp bị mắc SXH. Từ ca bệnh này đã lây lan thêm 10 người bị mắc SXH.
Theo anh Võ Ngọc Anh - Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thạch Mỹ, sau khi phát hiện ổ dịch, các bệnh nhân nhanh chóng được đưa đi điều trị tại BVĐK huyện Lộc Hà, lực lượng y tế huyện cùng với trạm y tế đã nhanh chóng triển khai phun hóa chất diệt muỗi xung quanh khu vực gia đình các bệnh nhân. Sau thời gian hơn 1 tuần, ổ dịch được khống chế, không phát hiện thêm ca bệnh mới
Trước đó, cuối tháng 6/2021, tại phường Kỳ Liên (TX Kỳ Anh) cũng phát hiện một ổ dịch SXH với 18 trường hợp mắc. Qua điều tra, giám sát của ngành y tế cho thấy, nhiều hộ dân tại khu vực xuất hiện các ca bệnh vẫn còn tình trạng để các vật dụng chứa nước trong nhà, phế thải sinh hoạt còn nhiều, không có biện pháp che đậy để phòng muỗi đẻ trứng.
Ngoài 2 ổ dịch tại Lộc Hà và thị xã Kỳ Anh, từ đầu năm đến nay, SXH cũng xuất hiện rải rác ở một số địa phương khác song không bùng phát thành dịch. Số liệu từ ngành y tế, trong 9 tháng năm 2021, toàn tỉnh đã phát hiện 40 ca mắc SXH, giảm 12 ca so với cùng kỳ năm 2020.
Bác sỹ Nguyễn Chí Trung - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: “So với các năm trước, số ca mắc SXH đã được giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành, nhất là ở phía Nam, việc giao lưu, đi lại hạn chế nên nguy cơ SXH từ nguồn ngoại lai giảm. Bên cạnh đó, đối với những người ngoại tỉnh trở về trên địa bàn, nhất là từ các tỉnh, thành có dịch phần lớn đều được cách ly, nếu có biểu hiện sốt, ngoài việc sàng lọc COVID-19 thì còn được test luôn các loại bệnh khác trong đó có cả SXH, từ đó kịp thời điều trị, ngăn dịch bùng phát”.
Mặc dù, số ca mắc giảm xuống, song ngành y tế khuyến cáo người dân không được chủ quan, lơ là. Theo dự báo, từ tháng 7 đến tháng 11 hằng năm luôn là cao điểm của dịch SXH, bởi với thời tiết mưa, ẩm như hiện nay rất thuận lợi cho véc-tơ truyền bệnh phát triển.
Để phòng, chống hiệu quả dịch SXH, ngoài công tác giám sát chặt chẽ tình hình dịch, chủ động điều tra ca bệnh nghi ngờ thì các địa phương cần huy động các tổ chức đoàn thể - chính trị và người dân thường xuyên tích cực tham gia tổng vệ sinh môi trường, xử lý các dụng cụ chứa nước, diệt loăng quăng bọ gậy. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về các biện pháp phòng chống dịch SXH.
Nhằm nâng cao chất lượng công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong do SXH Dengue, ngày 4/10/2021, Sở Y tế Hà Tĩnh cũng đã có văn bản yêu cầu các bệnh viện, trung tâm y tế trong toàn tỉnh tổ chức phổ biến, tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH Dengue cho các bác sỹ và điều dưỡng tham gia công tác khám, điều trị SXH tại các khoa khám bệnh, khoa hồi sức cấp cứu, khoa nhi, khoa truyền nhiễm…
Sở Y tế đã có chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong do SXH Dengue.
Tiếp tục rà soát, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh SXH Dengue trong tình hình dịch, bệnh COVID19. Tăng cường việc theo dõi người bệnh SXH Dengue đang điều trị nội trú tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh SXH Dengue có diễn biến nặng lên.
Củng cố và duy trì hoạt động của các nhóm điều trị SXH và đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch SXH tại các bệnh viện để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết. Bảo đảm việc đáp ứng đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu, các chế phẩm của máu, các phác đồ xử trí cấp cứu người bệnh, đặc biệt dung dịch cao phân tử để chống sốc./.