Lợi nhuận vẫn tăng cao

Một số ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2021, mặc dù giảm so với quý 2/2021 nhưng vẫn đạt con số tốt.

Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của SHB đạt 5.055 tỷ đồng, tăng 93,9% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 86% kế hoạch cả năm.  Với kết quả này, sau nhiều quý liên tục cải thiện, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) là 1,5%; tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của SHB đạt 25,6%, tương đương với chỉ số hiệu quả hàng đầu hệ thống các NHTM Việt Nam hiện nay.

Không kém cạnh, trong 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của  SeaBank  đạt 2.530 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, NH đã hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận của năm (2.414 tỷ đồng).

Một ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao trong thời gian gần đây là ABBANK, tính đến ngày 30/09/2021, quý 3 năm 2021 của NH đạt lợi nhuận trước thuế đạt 1.556 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 78,9% kế hoạch năm.

Đáng chú ý, NH có lợi nhuận lớn nhất khối TMCP là Techcombank vẫn tiếp tục giữ phong độ. Lợi nhuận trước thuế quý III/2021 của ngân hàng đạt 5.562 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2020, lợi nhuận sau thuế đạt 4.432 tỷ đồng. Tính chung trước thuế 9 tháng đầu năm 2021 của Techcombank đạt 17.098 tỷ đồng, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Trước đó, TPBank cũng công bố kết quả hoạt động quý 3/2021 với lợi nhuận trước thuế đạt 1.344 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm lợi nhuận đạt 4.400 tỷ đồng, tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Ở các NH nhỏ, cũng ghi nhận tốc độ gia tăng lợi nhuận lớn. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Kiên Long báo lãi 72,8 tỷ đồng trong quý 3/2021, tăng 74,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 878 tỷ đồng, cao gấp 6 lần cùng kỳ. 

Ngân hàng TMCP Quốc dân cũng công bố lợi nhuận quý 3 lên tới 80 tỷ đồng, tăng 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng, ngân hàng lãi ròng hơn 164,4 tỷ đồng, gấp 7,8 lần cùng kỳ năm 2020.

loi-nhuan-ngan-hang-tang-cao-lai-suat-kho-hy-vong-giam-1634972997.jpg
Nhiều ngân hàng vẫn lãi đậm trong quý 3/2021.

HDBank không đưa ra con số lợi nhuận tuyệt đối, mà chỉ cho biết đã hoàn thành hoàn thành trên 82% kế hoạch cả năm sau 9 tháng đầu năm. Theo ước tính của Công ty Chứng khoán SSI, lợi nhuận quý 3/2021 của đạt 1.700 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả năm, HDBank dự kiến đạt lợi nhuận 7.700 tỷ đồng.

Còn lợi nhuận của MB, ACB, VPB... được kỳ vọng tăng trưởng trên 2 con số so với cùng kỳ năm 2020. Dù tốc độ tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong quý 3/2021, nhưng Vietcombank vẫn được dự báo là “quán quân” trong năm nay, với 24.300 tỷ đồng; Techcombank bám đuổi phía sau với 22.300 tỷ đồng, tăng gần 41%.

Tổng hợp của FiinGroup dựa trên các ước tính sơ bộ kết quả kinh doanh quý III/2021 của 9 NH thương mại đang niêm yết cho thấy, lợi nhuận quý III của nhóm ngân hàng này giảm 13,4% so với quý II/2021, song vẫn tăng 10,8% so với cùng kỳ. Các chuyên gia phân tích của CTCP Fiingroup cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm lợi nhuận ngân hàng là việc tăng trích lập dự phòng và cắt giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Lãi suất khó giảm thêm

Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng toàn ngành ngân hàng tính đến ngày 7/10 tăng 7,42% so với đầu năm nay, nhưng không tăng so với cuối tháng 8/2021. Như vậy, dư nợ toàn nền kinh đi ngang trong tháng 9, khiến tín dụng quý 3, tăng thấp, trong khi dự phòng cao khiến lợi nhuận ngân hành giảm. Tuy nhiên, tính chung cả 9 tháng, nhiều ngân hàng vẫn đạt lợi nhuận khủng. Mảng tín dụng vẫn đem lại nguồn lợi chính cho các ngân hàng.

Mới đây, lãnh đạo NHNN  cho  rằng, mặt bằng lãi suất hiện đã thấp và không thể đặt ra việc giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi đầu ra trong bối cảnh hiện nay.

Với lãi suất huy động bình quân hiện ở mức 5-5,5%/năm, nếu cộng chênh lệch 2,5% thì lãi suất cho vay khoảng 7,5-8%/năm là khá hài hòa lợi ích các bên.

Thực tế, đây cũng là mức lãi suất cho vay phổ biến trên thị trường. Khi lãi suất huy động thấp, không ít người gửi sẽ rút tiền khỏi ngân hàng, đầu tư vào vàng, chứng khoán, bất động sản,... Trong khi đó, ngân hàng muốn có tiền cho vay phải duy trì được tiền gửi đầu vào ổn định. Cho nên, mặt bằng lãi suất huy động phải duy trì ở mức hợp lý để đảm bảo nguồn tiền gửi.

loi-nhuan-ngan-hang-tang-cao-lai-suat-kho-hy-vong-giam-1-1634973050.jpg
DN mong muốn lãi suất giảm thêm.

Tuy nhiên, các DN vẫn nhận xét mức lãi suất cho vay vẫn cao và mong muốn cần giảm thấp hơn để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn. Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã đề nghị các ngân hàng không đặt nặng vấn đề lợi nhuận mà phải chia sẻ cùng DN và người dân bằng cách chủ động giảm lãi suất đến mức có ý nghĩa, tái cơ cấu khoản vay,... ; đồng thời, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần cụ thể mức giảm lãi suất để các ngân hàng áp dụng.

Nhiều Hiệp hội ngành hàng cũng kiến nghị giảm lãi suất chỉ còn 5%/năm để hỗ trợ các DN.

Theo một chuyên gia ngân hàng, thời gian qua, do ngân hàng số và thanh toán điện tử phát triển nên lượng lớn tiền mặt trong lưu thông chủ yếu luân chuyển giữa các tài khoản tại ngân hàng, giúp các tổ chức tín dụng gia tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp. Nhờ đó, chi phí huy động vốn đầu vào của các ngân hàng hiện ở mức rất thấp.

Hiện tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) có lãi suất rất thấp. Trong khi đó, lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng vẫn cao hơn mặt bằng chung. Các DN cho hay họ đang phải vay vốn từ một số ngân hàng thương mại cổ phần kỳ hạn 6 tháng, với 3 tháng đầu mức 8%/năm, nhưng 3 tháng sau đó điều chỉnh lên tới 10%/năm, tính bình quân là 9%/năm.

Chưa kể, mức độ cắt giảm lãi vay để hỗ trợ người dân và DN của các ngân hàng có sự chênh lệch khá lớn. Theo thống kê của NHNN, từ 15/7 đến 31/8, có 16 ngân hàng đã thực hiện giảm tiền lãi hơn 8.800 tỷ đồng cho khách hàng, như BIDV giảm lãi cho khách hàng 1.032 tỷ đồng, Vietcombank giảm 943 tỷ đồng và VietinBank 857 tỷ đồng, thì các ngân hàng cổ phần tư nhân chỉ giảm trên dưới 100 tỷ đồng.

Từ thực tế trên, các chuyên gia ý kiến, nhiều ngân hàng vẫn còn dư địa giảm thêm lãi vay. Đặc biệt, các ngân hàng cổ phần tư nhân lớn cần mạnh tay hơn trong việc cắt giảm lãi vay và phí dịch vụ để hỗ trợ DN./ .