Đây là thông tin được ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành ngân hàng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn Ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN, diễn ra ngày 27/5.

Theo ông Tú, thời gian qua, trên nhiều diễn đàn còn có từ khóa siết chặt tín dụng bất động sản. Tuy nhiên, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước từ trước đến nay là chưa bao giờ dùng từ siết chặt tín dụng bất động sản.

"Tôi là người phát ngôn của ngành, tôi chưa bao giờ nói siết chặt tín dụng với bất động sản", ông Tú nói.

v-1653831889.jpg
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: SBV)

Ông Tú cho biết, tinh thần chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước nhiều năm qua là kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với những lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao của bất động sản, trái phiếu, chứng khoán.

Thực tế, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/3/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 784.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm ngoái và tăng gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống.

Bên cạnh đó, tín dụng cho vay mua nhà, sửa nhà cũng tiếp tục tăng mạnh, đưa tổng dư nợ cho vay bất động sản đạt trên 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ cho vay của toàn nền kinh tế.

Mặc dù tháng 4/2022, một số ngân hàng tuyên bố phải tạm ngừng cho vay bất động sản song việc siết tín dụng chỉ diễn ra ở một số ngân hàng đã kín hạn mức. Trong khi đó, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cho hay, vẫn còn nhiều dư địa mở rộng cho vay và sẽ tăng cường cho vay lĩnh vực này thời gian tới.

Ngay từ đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Kết quả, đến ngày 20/5/2022 tín dụng đạt trên 11 triệu tỷ đồng, tăng 7,66% so với cuối năm 2021; Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ngành, lĩnh vực thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vẫn được kiểm soát chặt chẽ. Nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.