Lãi suất huy động thấp, cho vay cao
Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đang vay nợ 9 ngân hàng cả trong và ngoài nước như: Vietcombank, BIDV, HSBC, Vietinbank…
Trong đó, khoản vay có lãi suất cao nhất trị giá 3,7 tỷ đồng tại Agribank - CN4 (tính đến 30/6/2021) là 9,5%/năm, đáo hạn ngày 22/11/2021; được thế chấp bằng tài sản là ngôi nhà PG1-05 Vincom Cần Thơ.
Trong khi đó, theo biểu lãi suất huy động của Agribank đối với khách hàng cá nhân cao nhất là 5,6%/năm, còn đối với khách hàng doanh nghiệp, lãi suất cao nhất 4,9%/năm.
Ngân hàng cứ nói chia sẻ với doanh nghiệp nhưng chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay rất cao.
Theo quan điểm cá nhân tôi, với những khoản vay có thể chấp thì nên giảm biên độ đó xuống 2-2,5% là hợp lý. Báo cáo tài chính các ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn lãi cực khủng, điều đó không hợp lý.
Cứ kêu gọi ngân hàng giảm lãi suất, nhưng lãi suất đầu vào giảm lâu rồi, nên về bản chất là không chia sẻ gì cho doanh nghiệp.
Còn nếu Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành mà ngân hàng giảm theo thì đó chỉ là chuyển ưu đãi của Nhà nước cho doanh nghiệp chứ bản thân ngân hàng chưa bỏ ra cái gì. Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty Quốc tế Delta
Chiếu theo biểu lãi suất này, chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay đối với khoản vay trên là 3,9%- 4,6%.
Cũng tính đến 30/6, PNJ vay tổng cộng 2.125,7 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn các ngân hàng thương mại 1.948,7 tỷ đồng.
Lãi suất trung bình của tất cả các khoản vay là 5,29%. Chi phí lãi vay mà PNJ phải trả chỉ riêng quý II là hơn 21 tỷ đồng, bằng ½ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp cũng trong quý này.
Trong một trường hợp khác, trước khi Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) giảm lãi suất vay vốn cho doanh nghiệp theo kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng vào hạ tuần tháng 7 vừa qua, Công ty Du lịch Kiwi Travel đang vay vốn lưu động tại đây với lãi suất 9,07%/năm.
Trong khi đó, biểu lãi suất huy động cao nhất tại MSB đối với kỳ hạn dài là 4,8%/năm, nếu huy động qua kênh online lãi suất là 5%/năm.
Đối chiếu khoản vay vốn mà Kiwi Travel phải trả thì chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động tại MSB là 4,07%- 4,27%.
Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty Quốc tế Delta cho biết, công ty đang vay vốn tại các ngân hàng Sacombank, Vietcombank với lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp được đánh giá tốt, là trên dưới 7%/năm với các khoản vay ngắn hạn dưới 12 tháng có tài sản bảo đảm, trên 10%/năm với khoản vay trung và dài hạn có tài sản bảo đảm và 12%/năm với khoản vay tín chấp.
Tuy nhiên, ông Nghĩa vẫn kỳ vọng các ngân hàng có thể giảm thêm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang ngày càng phức tạp.
Vốn rẻ tăng 23%, chi phí giảm 7,6%
Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho biết, thu nhập lãi thuần của 16 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2021 tăng hơn 41%, đóng góp tới 75% cho tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng trong quý này.
Một trong những nguyên nhân thu nhập lãi thuần có được kết quả trên là nhờ biên lãi ròng mở rộng thêm 28%, lên con số 4,8%.
Trước đây, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay trung bình khoảng 3%, nay lên tới 4%-4,5%. Tuy nhiên, trong đó có một phần các ngân hàng dự trù để xử lý nợ xấu.
Trên sổ sách, các ngân hàng lãi như vậy nhưng họ biết nợ xấu càng ngày càng tệ nên trong chênh lệch lãi suất đó, ít nhất có 1% để dự phòng trường hợp xấu xảy ra trong tương lai. Do đó, rất khó để các ngân hàng giảm chênh lệch này xuống. Chuyên gia Tài chính Nguyễn Trí Hiếu
Một điểm ông Nam chỉ ra là tăng trưởng tiền gửi có kỳ hạn và gửi tiết kiệm của các ngân hàng này không nhiều, nhưng tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn (còn được gọi là vốn rẻ) ở hầu hết các ngân hàng đều tăng, tính trung bình là tăng 23%, góp phần làm giảm chi phi huy động của ngân hàng hơn 7,6%.
Cấu trúc tiền gửi thay đổi cũng giúp kéo rộng chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay.
Một số thống kê cho thấy ở một số ngân hàng đẩy mạnh bán lẻ, nhất là ở lĩnh vực cho vay tiêu dùng, vay tín chấp thì chênh lệch này lên tới hơn 8%.
Quý II vừa qua, Viet Capital Bank vươn lên trở thành ngân hàng đứng đầu về tăng trưởng lợi nhuận trước thuế nhờ thu nhập lãi thuần tăng mạnh 99,4%.
Cụ thể, thu nhập lãi và các khoản tương tự của ngân hàng quý này tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chi phí lãi lại giảm gần 9%. Do đó, đẩy thu nhập lãi thuần quý II/2021 đạt hơn 413 tỷ đồng, chiếm 82,8% tổng thu nhập hoạt động.
Bên cạnh đó, nguồn thu ngoài lãi như lãi từ dịch vụ tăng 71%, từ mua bán chứng khoán đầu tư gấp 3,7 lần, từ hoạt động khác tăng 41% nên dù mạnh tay trích lập dự phòng thì ngân hàng này vẫn báo lãi trước thuế gấp 13,6 lần cùng kỳ năm trước.
Tương tự, quý II/2021, thu nhập từ lãi của MB cũng tăng 23,6%, trong khi chi phí lãi giảm 3%, đẩy thu nhập lãi thuần tăng 42% so với cùng kỳ. Lãi từ tín dụng quý này của MB chiếm tới 74% tổng thu nhập hoạt động.
Hay một ngân hàng quy mô nhỏ hơn là ABBank cũng có thu nhập lãi thuần tăng 33,3% so với cùng kỳ, góp phần lớn đưa lợi nhuận của ABBank quý II/2021 tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái…
Ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, 6 tháng đầu năm 2021, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất, đặc biệt là lãi suất tiền gửi xuống rất thấp, nhưng lãi suất cho vay thì giảm chưa nhiều, nên chênh lệnh giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay còn khá cao.
Năm 2020 và những tháng đầu năm nay, nhiều ngân hàng vẫn lãi cao nên có luồng dư luận cho rằng trong bối cảnh doanh nghiệp “khóc ròng”, ngân hàng vẫn lãi khủng.
“Ngân hàng cũng không bỏ túi số lãi đó, mà phải tăng dự phòng cho nợ xấu, để đảm bảo an toàn hệ thống. Nhưng nếu doanh nghiệp vẫn không được hưởng lãi suất thấp, vẫn khó khăn thì nợ xấu càng tăng”, ông Cường nói.