Hơn 10.000 binh sỹ của Nga và Trung Quốc đang tham gia cuộc tập trận chung kéo dài 5 ngày, bắt đầu từ hôm nay (9/8) tại căn cứ huấn luyện chiến thuật phối hợp ở khu tự trị Hồi Ninh Hạ của Trung Quốc, trong một động thái mà Bắc Kinh cho là thể hiện sự hợp tác sâu sắc giữa quân đội hai nước.
Đây là cuộc tập trận chung đầu tiên do Trung Quốc tổ chức kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, cuộc tập trận tập trung vào chống khủng bố và đảm bảo an ninh, nhưng cũng sẽ liên quan đến việc thành lập một trung tâm chỉ huy chung, đào tạo nâng cao khả năng trinh sát chung, cảnh báo sớm, tác chiến điện tử, tấn công phối hợp.
Tăng cường hợp tác quân sự
Giới quan sát cho rằng, các hoạt động quân sự chung giữa Nga và Trung Quốc được thiết lập để giúp quân đội hai nước hợp tác hiệu quả hơn, đồng thời cho thấy Bắc Kinh và Moscow đang tăng cường nỗ lực học hỏi lẫn nhau trong cách ứng phó với Mỹ.
Vào tháng 9 tới, Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục tham gia cuộc tập trận chung khác, cùng với Ấn Độ, Pakistan và các quốc gia Trung Á như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Đây là cuộc tập trận chống khủng bố của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, mang tên “Sứ mệnh hòa bình 2021” dự kiến diễn ra ở thao trường Donguz của vùng Orenburg, miền tây nam nước Nga.
Các cuộc tập trận mới nhất này diễn ra sau giai đoạn hai nước phải cắt giảm một loạt các hoạt động quân sự chung do đại dịch Covid-19, ông Vasily Kashin, một chuyên gia về quân sự và Trung Quốc tại Trường Kinh tế sau đại học ở Moscow, cho biết.
Nhưng ngay cả khi dịch bệnh hoành hành, Trung Quốc vẫn cố gắng tham gia cuộc tập trận chỉ huy chiến lược Kavhaz-2020 ở Nga vào năm 2020. Đó là cuộc tập trận chiến lược lần thứ ba của Nga mà Trung Quốc tham gia, sau Vostok-2018 và Tsentr-2019, ông Kashin lưu ý.
“Có thể đến một thời điểm nào đó, người Nga sẽ bắt đầu tham gia các cuộc tập trận tương tự trên đất Trung Quốc” chuyên gia này nhấn mạnh.
Trong một nỗ lực nhằm tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, các lực lượng của Nga và Trung Quốc đã định kỳ tổ chức các cuộc tập trận song phương hoặc đa phương kể từ năm 2005. Ở thời điểm đó, quân đội Trung Quốc, lần đầu tiên triển khai khoảng 8.200 binh sĩ tham gia cuộc tập trận "Sứ mệnh Hòa bình 2005" với gần 2.000 binh sĩ Nga, thực hiện các chiến dịch phong tỏa trên không và trên biển, tấn công đổ bộ và hoạt động chiếm giữ.
Kể từ đó, hai bên đã tăng cường tương tác và tiến hành nhiều hoạt động quân sự chung khác, chẳng hạn như tổ chức cuộc tập trận hải quân chung thường niên từ năm 2012, mở rộng “Sứ mệnh Hòa bình” thành hoạt động tập trận chỉ huy và chống khủng bố diễn ra 2 năm một lần, với sự tham gia của 6 thành viên trong SCO.
Thông điệp cứng rắn gửi tới Mỹ và đồng minh
Theo chuyên gia Kashin, quan hệ đối kháng của Nga và Trung Quốc với Mỹ, cùng mối lo ngại chung về tình hình bất ổn tại Trung Á- vốn được coi là sân sau của Moscow nhưng đang chứng kiến sự hiện diện kinh tế ngày càng gia tăng của Bắc Kinh, đã khiến quân đội 2 nước xích lại gần nhau hơn.
“Nga và Trung Quốc đang gửi tín hiệu mạnh mẽ với Mỹ về khả năng tương tác và sẵn sàng phối hợp của hai nước, đóng vai trò như một biện pháp răn đe”.
Các cuộc tập trận chung có thể đóng vai trò đặc biệt quan trọng với Trung Quốc – quốc gia chưa từng tham gia vào bất cứ cuộc xung đột vũ trang nào kể từ những năm 1980, trong khi đối tác Nga đã tiến hành một loạt hoạt động quân sự tại nhiều khu vực, từ Bắc Caucasus và Gruzia đến Ukraine và Syria.
Chuyên gia Kashin lưu ý: “Tập trận chung với Nga mang lại cho Trung Quốc rất nhiều lợi ích vì quân đội Nga đã tham gia vào các hoạt động chiến đấu không ngừng nghỉ trong vài thập kỷ qua”.
Richard Weitz, thành viên cấp cao của Viện Hudson tại Washington cho rằng, những hoạt động thường xuyên như vậy đã trở thành “công cụ nền tảng để thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng song phương mà không cần thiết lập một liên minh quân sự chính thức”. Trước đó, các quan chức Nga và Trung Quốc đã bác bỏ ý tưởng thành lập một liên minh quân sự giữa hai nước.
“Các cuộc tập trận chung nhằm nâng cao khả năng hoạt động độc lập, giúp họ học hỏi các chiến thuật, kỹ thuật và quy trình mới”, chuyên gia Richard Weitz nhận định trong một báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố vào tháng 7/2021.
Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy các hoạt động quân sự chung giữa Nga và Trung Quốc không chỉ trở nên thường xuyên hơn mà còn phức tạp hơn và vượt ra ngoài biên giới của mỗi nước. Trước đó vào năm 2015, hai bên đã tiến hành cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên ở Địa Trung Hải – sân sau của NATO và 2 năm sau đó, các hoạt động tương tự đã diễn ra ở ở Biển Đông và Biển Baltic – vốn là 2 điểm nóng địa chính trị.
Kể từ năm 2018, Nga và Trung Quốc đã bắt đầu tham gia vào các cuộc tập trận chiến lược quy mô lớn hơn, được thiết kế để giúp các chỉ huy cấp cao của mỗi nước phối hợp với nhau. Theo ông Richard Weitz, hai bên nhiều khả năng sẽ mở rộng hơn nữa các cuộc tập trận chung, để thực hành nhiều nhiệm vụ mới và phối hợp với nhiều đối tác hơn tại một số khu vực như Vịnh Arab, Ấn Độ Dương hay châu Phi.
Mặc dù Nga và Trung Quốc nhiều lần khẳng định rằng, các cuộc tập chung không nhắm vào bất cứ bên thứ 3 nào, nhưng Mỹ và đồng minh vẫn theo dõi chặt chẽ với thái độ đầy hoài nghi.
Ông James Brown, phó giáo sư tại Đại học Temple ở Tokyo, đánh giá, các quốc gia như Nhật Bản, vốn có tranh chấp lãnh thổ với cả Trung Quốc và Nga, rất lo ngại trước xu hướng hợp tác quân sự ngày càng sâu rộng giữa Bắc Kinh và Moscow.
“Sự tăng cường hợp tác về quân sự giữa Nga và Trung Quốc ở trên biển, trên đất liền, cũng như những thông báo liên quan đến các vụ phóng tên lửa đạn đạo đã khiến Nhật Bản lo ngại. Tình huống xấu nhất với Tokyo là việc Nga và Trung Quốc thành lập liên minh quân sự và hỗ trợ lẫn nhau nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản”.
Bên cạnh đó, cũng cần phải xem xét liệu sự tham gia của Trung Quốc trong cuộc tập trận Zapad 2021 do Nga dẫn đầu dự kiến diễn ra vào tháng 9 tại Belarus và Nga, có thể làm dấy lên cảnh báo từ phía NATO hay không.
“Trong bất cứ trường hợp nào, Mỹ có thể viện dẫn các cuộc tập trung chung của Nga và Trung Quốc để nhắc nhở châu Âu về tầm quan trọng của việc coi Trung Quốc như một mối đe dọa quân sự, hoặc ít nhất là một nhân tố luôn ủng hộ Nga”, ông Weitz nhận định./.