Tất cả các loại vaccine phòng Covid-19 được phê chuẩn tại Nga đều có tác dụng chống lại các biến thể virus SARS-CoV-2 đã biết.

Đây là lời khẳng định của ông Alexander Semenov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vector State về virus và công nghệ sinh học thuộc Cơ quan Giám sát Bảo vệ quyền người tiêu dùng và sức khỏe con người liên bang Nga, theo hãng thông tấn Tass.

“Tại thời điểm này, chúng tôi có thê tự tin, tất cả vaccine Nga sản xuất và đánh giá liên tục, đều có khả năng chống lại những biến thể virus SARS-CoV-2 đã biết”, ông Alexander Semenov cho hay.

Nhà khoa học Nga nhấn mạnh, tỉ lệ tiêm phòng cao sẽ là “vũ khí rất quan trọng” để phòng ngừa sự trỗi dậy của các loại biến chủng virus.

Nga tuyên bố: Sputnik V có thể kháng tất cả các loại biến chủng SARS-CoV-2
Việt Nam đã phối hợp với Nga sản xuất lô vaccine Sputnik V đầu tiên

Hiện tại, ở Nga, có 4 loại vaccine phòng Covid-19 đã được phê duyệt sử dụng trong nước. Nổi tiếng nhất là vaccine Sputnik V do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Gamaleya phát triển. Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) là đơn vị tài trợ cho quá trình phát triển và phụ trách thương mại hóa vaccine Sputnik V.

Từ cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Y tế Việt Nam đã phê duyệt vaccine Sputnik V của Nga, phục vụ nhu cầu cấp bách phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam.

Mới nhất, theo hãng thông tấn Tass, "Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) và Vabiotech, một trong những công ty dược hàng đầu của Việt Nam, thông báo đã sản xuất xong lô thử nghiệm vaccine Sputnik V. Các mẫu thử đầu tiên được lấy từ lô vaccine trên sẽ được đưa về Viện nghiên cứu Gamaleya để kiểm tra chất lượng".

Tổng Giám đốc RDIF Kirill Dmitriev khẳng định: "RDIF và Vabiotech đang tích cực hợp tác chuyển giao công nghệ để giúp người dân Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với Sputnik V".

Đồng thời, "RDIF đang tăng cường năng lực sản xuất vaccine để đẩy nhanh quá trình tiêm chủng với một trong những mẫu vaccine tốt nhất thế giới", ông Dmitriev cho biết.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus từng cảnh báo về khả năng có một biến chủng virus nguy hiểm hơn cả Delta, có thể kháng các loại vaccine hiện có.

Theo ông Ghebreyesus, nếu mỗi nước đạt tỉ lệ tiêm chủng khoảng 70% dân số vào giữa năm 2022 sẽ giúp ngăn chặn đại dịch Covid-19 và khôi phục nền kinh tế.